QPTD -Thứ Ba, 16/02/2016, 08:02 (GMT+7)
Học viện Phòng không - Không quân tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là mục tiêu xuyên suốt của Học viện Phòng không - Không quân trong quá trình xây dựng và phát triển. Để đáp ứng yêu cầu đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện là yếu tố quyết định, đảm bảo cho Học viện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, trở thành trường trọng điểm của Quân đội.

Thiếu tướng, PGS, TS. Trần Văn Thanh chủ trì buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và định hướng đề tài luận văn thạc sĩ quân sự” tại Học viện.  (Ảnh: hocvienpkkq.com)

Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, có năng lực toàn diện, làm chủ được các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến. Để đáp ứng yêu cầu đó, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Quân chủng phải được quan tâm đặc biệt và thực hiện ngay trong quá trình học tập, rèn luyện tại các nhà trường; trong đó, Học viện Phòng không - Không quân - trung tâm đào tạo cán bộ các chuyên ngành của Quân chủng và Quân đội -có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; tiến hành nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, đổi mới, sáng tạo, sát thực tiễn xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Những năm qua, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Học viện luôn đặt ra yêu cầu cao và toàn diện, trong điều kiện quân số đông, đối tượng đa dạng, công tác bảo đảm cho huấn luyện chưa tương xứng; vũ khí, trang bị thiếu đồng bộ, linh kiện thay thế khan hiếm; cơ sở vật chất, xăng dầu, thao trường, bãi tập còn khó khăn, v.v. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, đồng bộ, kiên quyết. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục - đào tạo; phương châm giáo dục “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Nội dung, chương trình, quy trình, phương pháp đào tạo, công tác thực hành, thực tập cho các đối tượng được đổi mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm quản lý, giảng dạy. Công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu, giáo trình, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được thực hiện có nền nếp, hiệu quả, góp phần làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, v.v. Những việc làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, Học viện “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác giáo dục - đào tạo của Học viện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc xây dựng và điều chỉnh chương trình khung, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết theo hướng dẫn của trên còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên có mặt còn hạn chế; trách nhiệm và động cơ học tập của một số học viên chưa cao. Việc biên soạn tài liệu, giáo trình có nội dung chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, ý thức học tập, lễ tiết, tác phong quân nhân chưa thực sự sâu sắc, hiệu quả, v.v.

Để khắc phục tình trạng đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, vấn đề có ý nghĩa quyết định trong thời gian tới là phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Trước hết, phải lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Trong đó, tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (quan điểm về giáo dục - đào tạo); tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng và của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đối với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Đồng thời, làm cho cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của các đơn vị phòng không - không quân trước yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại và những vấn đề đặt ra đối với phẩm chất, năng lực, phong cách, tác phong công tác của cán bộ; vị trí, vai trò của công tác giáo dục - đào tạo đối với xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” của Quân chủng. Trên cơ sở đó, đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cơ quan với đơn vị, khoa giáo viên, giữa người dạy và người học, tạo môi trường thân thiện, chính quy, trong sạch, không để các biểu hiện tiêu cực thâm nhập vào Học viện.

Cùng với đó, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn. Trước mắt, cần tổng rà soát toàn bộ nội dung, chương trình, quy trình và thời lượng đào tạo các chuyên ngành phòng không - không quân; kịp thời phát hiện những vấn đề còn bất cập, không còn phù hợp để đề nghị bổ sung, hoàn thiện. Các cơ quan, khoa giáo viên phối hợp xây dựng thời khóa biểu, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các môn học, theo hướng bám sát đối tượng, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp, tăng thời gian học thực hành, giảm lý thuyết; tiến hành giảng theo chuyên đề các môn khoa học xã hội nhân văn và nội dung lý thuyết đối với đối tượng đào tạo sau đại học, đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch. Tổ chức nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo trình, chú ý cập nhật nội dung mới, sát thực; bổ sung môn học Quản lý nhà nước vào chương trình đào tạo đối tượng cán bộ trung (lữ) đoàn, sư đoàn phòng không - không quân. Vận dụng linh hoạt, phù hợp nội dung diễn tập cuối khóa, diễn tập chiến thuật bắn đạn thật cho học viên đào tạo cấp phân đội theo vũ khí, khí tài mới, cải tiến, sát thực tế đơn vị; nâng cao chất lượng thực tập theo chức danh đào tạo, thực tập kiêm chức của học viên. Các khoa giáo viên thực hiện nghiêm công tác phương pháp; xây dựng khoa, bộ môn điểm về “Công tác phương pháp”; vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo phù hợp với từng đối tượng; chú trọng hình thức trắc nghiệm, tự luận, thi, kiểm tra trên khí tài, buồng tập, thao trường, v.v. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào giảng dạy, khai thác, bảo quản, bảo dưỡng các trang bị, khí tài, huấn luyện thực hành cho học viên.

Một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bởi vậy, Học viện tập trung lãnh đạo xây dựng đội ngũ này vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư phạm, trình độ quản lý, chỉ huy, phương pháp, tác phong công tác. Để đạt được yêu cầu đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng những năm tiếp theo”; tiếp tục triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, tích cực, chủ động làm tốt công tác tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, tăng cường cập nhật thông tin mới, năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; coi trọng tập huấn nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học,… cho giảng viên. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp và tổ chức thẩm định kế hoạch, kết quả đi thực tế chức vụ của cán bộ, giảng viên; tăng cường cử giảng viên tham gia các đợt tập huấn về vũ khí, trang bị khí tài mới và nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân trong chiến tranh công nghệ cao. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc bồi dưỡng, xét công nhận các chức danh giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp và giảng viên giỏi theo đúng quy chế, hướng dẫn; quan tâm xây dựng các đồng chí có học vị tiến sĩ để phấn đấu đủ tiêu chí xét phong phó giáo sư, giáo sư, v.v.

Coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác của cơ quan quản lý giáo dục, đơn vị quản lý học viên. Với vai trò tham mưu, điều hành công tác giáo dục - đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục cần chủ động, tích cực trong công tác, bám sát các hoạt động; kịp thời thông báo, điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh và chấn chỉnh những thiếu sót trong giáo dục - đào tạo. Thực hiện nghiêm nền nếp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Quy chế quản lý giáo dục - đào tạo; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, khi thi học phần, môn học. Chủ động quản lý, khai thác, sử dụng chất lượng, hiệu quả vật chất, trang thiết bị, giảng đường chuyên dùng, đồ dùng, học cụ, mô hình hiện có phục vụ cho nhiệm vụ dạy - học và huấn luyện thực hành cho các đối tượng; từng bước thực hiện chuẩn hóa các mặt công tác bảo đảm huấn luyện. Tích cực đề nghị trên đầu tư xây dựng “Trung tâm mô phỏng vũ khí, khí tài mới, cải tiến, tính toán chiến thuật, chiến dịch phòng không - không quân”; đầu tư chiều sâu trang bị các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm hiện đại. Thực hiện nghiêm quy định bám lớp đối với cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng ôn tập, tự học của học viên.

Tập trung lãnh đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Ngoài việc bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn được cấp, Học viện cần đẩy mạnh phong trào tăng gia, chăn nuôi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải thiện đời sống bộ đội; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, quan tâm đến những cán bộ, giảng viên, học viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đồng thời, bảo đảm tốt đời sống tinh thần, phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, Thư viện, Phòng Hồ Chí Minh, Phòng Truyền thống; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thi đua dạy tốt, học tốt, công tác tốt trong các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, học viên phát huy sáng kiến, đề xuất những nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề còn vướng mắc cần quan tâm giải quyết, tạo không khí dân chủ, đoàn kết trong toàn Học viện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Học viện, góp phần đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ phòng không - không quân có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đưa Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN THANH, Giám đốc Học viện

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.