QPTD -Thứ Hai, 07/06/2021, 09:53 (GMT+7)
Học viện Lục quân đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học

Là trung tâm giáo dục, đào tạo cán bộ trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Học viện Lục quân luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo và trên cơ sở kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, chất lượng từng bước được nâng lên. Nổi bật là, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ba khâu đột phá: “chất lượng giảng dạy tốt nhất - quản lý, rèn luyện, học tập nghiêm nhất - kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất”, đạt kết quả toàn diện; đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông, sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội trong tình hình mới; tăng thời gian huấn luyện thực hành; thực hiện đúng phương châm giáo dục, đào tạo: “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, gắn nhà trường với đơn vị.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được Học viện hết sức coi trọng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện có 99,2% trình độ đại học trở lên, trong đó 53,5% trình độ sau đại học (riêng đội ngũ giảng viên có 74,5% trình độ sau đại học); 100% cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững nguyên tắc giáo dục, đào tạo, nghệ thuật chiến dịch, chiến lược quân sự, công tác chỉ huy - tham mưu tác chiến và xu hướng phát triển của khoa học giáo dục hiện đại. Đồng thời, có trình độ kiến thức chuyên môn khá, khả năng giảng dạy và tư duy nghiên cứu khoa học độc lập, tác phong công tác và phương pháp sư phạm tốt. Học viện chỉ đạo các khoa giảng viên tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đầu tư nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học, sở chỉ huy diễn tập, trung tâm điều hành huấn luyện, phòng phương pháp của các khoa giảng viên với nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần thực hiện Đề án xây dựng “Nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 28/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về việc giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an”, từ tháng 9/2018 đến tháng 01/2021, Học viện đã tổ chức 03 khóa đào tạo, 07 khóa hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị, tổng số 2.549 học viên; xác nhận cho 1.198 cán bộ đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, tổ chức lớp đào tạo cán bộ cao cấp Quân đội Hoàng gia Campuchia; cử cán bộ, giảng viên sang giúp Quân đội nhân dân Lào xây dựng chương trình, nội dung đào tạo chặt chẽ, đạt kết quả tốt, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín của Học viện.

Chỉ đạo trinh sát thực địa trong diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên 2 cấp

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trọng tâm là quán triệt sâu, kỹ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới; Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, tập trung vào tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, những nội dung phát triển mới về lộ trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh,… đến năm 2030 đã được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung đào tạo chặt chẽ, khoa học, đúng hướng dẫn của trên, nhất là Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội” của Bộ Quốc phòng và Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của Bộ Tổng Tham mưu.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, không chồng chéo. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Học viện chủ trương rà soát, xây dựng quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học phù hợp với từng đối tượng, cắt bỏ nội dung trùng lặp, tiếp cận vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, là những nội dung về huấn luyện truyền thống, sở trường trong chiến tranh giải phóng dưới dạng nghiên cứu, phát triển ở điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; từ đó, đề xuất những nội dung, giải pháp cụ thể ở phạm vi chiến thuật cần giải quyết trong mối quan hệ với nghệ thuật chiến dịch và tác chiến chiến lược. Xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành chặt chẽ, bảo đảm tính lôgic, khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, huấn luyện chính khóa với ngoại khóa, bồi dưỡng kiến thức theo chức vụ, tăng cường học tập thực tế, thực tập tại đơn vị. Triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp theo”, Học viện nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung của môn học lý luận dạy học đại học, nghiệp vụ, lý luận sư phạm; xây dựng tưởng định huấn luyện, luyện tập, diễn tập ngày càng sát điều kiện thực tế; cập nhật và đưa vào giảng dạy những nội dung mới phù hợp thực tiễn phát triển của hoạt động quân sự, quốc phòng trên thế giới và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Thực hiện phương châm gắn nhà trường với chiến trường, Học viện chủ trương điều chỉnh tăng thời gian thực hành, luyện tập, diễn tập và tự nghiên cứu của học viên, đảm bảo tính liên thông, kế thừa, tích hợp và phát triển; cập nhật kịp thời sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự và nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, nhất là đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn. Chủ động mời các đồng chí có kinh nghiệm trong chiến đấu, xây dựng, huấn luyện đơn vị trong toàn quân và cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước về giới thiệu chuyên đề thông tin khoa học quân sự; qua đó, cung cấp những thông tin chính thống, kinh nghiệm hay cho cán bộ, giảng viên, học viên vận dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quán lý giáo dục. Thực hiện Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2020 - 2030 và định hướng những năm tiếp theo”, thời gian tới, Học viện tích cực lựa chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, chất lượng tốt, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Học viện coi trọng kết hợp lựa chọn cán bộ đủ tiêu chí gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, trong nước và ngoài nước với chủ động, tích cực bồi dưỡng tại chỗ thông qua các hoạt động sư phạm của khoa, bộ môn và cử cán bộ, giảng viên đi luân chuyển, nghiên cứu, học tập thực tế ở các đơn vị, tạo nguồn tại chỗ lâu dài cho cơ quan, khoa giảng viên, cán bộ quản lý đơn vị và nguồn quy hoạch Ban Giám đốc Học viện. Đẩy mạnh các hoạt động phương pháp, như: thục luyện, giảng thử, thông qua, kiểm tra giảng, thi giảng viên dạy giỏi,… kết hợp đổi mới quy trình, thủ tục thi, xét giảng viên giỏi cấp Học viện, bảo đảm đúng thực chất, tạo chuyển biến tích cực về khả năng, kỹ năng sư phạm, trình độ ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Ngoài ra, Học viện chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên, kết hợp tập huấn kỹ năng khai thác sử dụng công nghệ thông tin, mạng diện rộng, thư viện số,... nâng cao chất lượng biên soạn bài giảng và phương pháp giảng bài của giảng viên, kịp thời cập nhật thông tin, tri thức mới, bổ sung vào nội dung bài giảng.

Thực hiện phương châm “ba không”1 và “ba thực chất”2 trong giáo dục, đào tạo, Học viện duy trì nghiêm túc, chặt chẽ quy chế giáo dục, đào tạo, đổi mới phương pháp tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập thông qua các hình thức: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, thực hành quân sự, viết tiểu luận hoặc kết hợp hai hình thức thi cho một môn học; xây dựng ngân hàng đề thi, kiểm tra; tổ chức chấm luận văn, luận án, chấm thi tập trung,… góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực gắn với việc đánh giá chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên với phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên; kết hợp nghiên cứu khoa học với đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Để khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, tiếp nhận kiến thức thụ động; trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, Học viện chỉ đạo các khoa giảng viên vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong tiếp nhận thông tin; chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng khoa mục, chủ đề, nội dung và đối tượng học viên; đẩy mạnh hoạt động trao đổi học thuật, nâng cao chất lượng giảng bài. Trong quá trình lên lớp, Học viện yêu cầu đội ngũ giảng viên phải vận dụng phương pháp nêu vấn đề, gợi mở, hướng dẫn học viên tiếp cận các tài liệu nghiên cứu, chủ động nắm kiến thức, hiểu sâu, nắm chắc từng nội dung thông qua đối thoại trực tiếp với người học, vừa để kiểm tra nhận thức, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học viên, vừa khắc phục tình trạng lĩnh hội kiến thức một chiều, đồng thời cũng là quá trình bổ sung, tích lũy kinh nghiệm và để người dạy tích cực nghiên cứu, tích lũy kiến thức, đổi mới phương pháp dạy - học.

Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học là chủ trương nhất quán được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện hết sức coi trọng. Theo đó, Học viện chỉ đạo các cơ quan, khoa giảng viên nghiên cứu, biên soạn các đề tài nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự sát yêu cầu thực tiễn; bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự phù hợp với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu khoa học; duy trì nghiêm nền nếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ khoa học. Tích cực khai thác, ứng dụng các công trình khoa học theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”. Cùng với đó, Học viện tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại thông qua việc triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, bản đồ số, thư viện số, kết nối trực tuyến tới từng nhà ở của học viên,…; tích cực triển khai ứng dụng phần mềm 2D, 3D, mạng diện rộng WAN vào phục vụ diễn tập; khai thác, sử dụng đúng chức năng, hiệu quả các trang thiết bị hiện đại.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học là điều kiện tất yếu để hoàn thành mục tiêu xây dựng Học viện Lục quân theo mô hình “Nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng, PGS, TS. HOÀNG VĂN MINH, Giám đốc Học viện
___________________

1 - Không tiêu cực trong thi cử; không bệnh thành tích trong giáo dục; không vi phạm đạo đức nhà giáo.

2 - Dạy thực chất; học thực chất; kiểm tra, đánh giá thực chất.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.