Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:32 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện mục tiêu phát triển Học viện Kỹ thuật quân sự thành trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, uy tín của Quân đội và Nhà nước, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh1 là vấn đề có tính đột phá, nhằm tạo ra sản phẩm khoa học, công nghệ có giá trị khoa học và thực tiễn cao, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Là trường đại học kỹ thuật đa ngành hàng đầu của Quân đội và đất nước, Học viện Kỹ thuật quân sự có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nhóm nghiên cứu với việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện xác định: xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh là giải pháp cơ bản, quan trọng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội, tăng cường hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển Học viện thành trường đại học nghiên cứu thuộc nhóm đầu của đất nước. Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, Học viện luôn chú trọng xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các nhóm nghiên cứu; ban hành quy định về tổ chức, quản lý và hỗ trợ đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bước đầu hình thành được một số nhóm nghiên cứu có tính liên ngành. Trong đó, đã xét duyệt, công nhận 18 nhóm nghiên cứu mạnh và đánh giá, lựa chọn 05 nhóm trong số đó để xây dựng, phát triển thành nhóm nghiên cứu đạt trình độ quốc gia và khu vực. Quá trình hoạt động, các nhóm nghiên cứu mạnh đã có hướng và sản phẩm nghiên cứu cơ bản, bám sát định hướng công nghệ ưu tiên của Nhà nước, Quân đội, cùng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đạt được nhiều kết quả tích cực2.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phát triển còn có những tồn tại, như: một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh; huy động nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu còn hạn chế; công tác quản lý còn nặng về hành chính, hiệu quả hoạt động của một số nhóm chưa cao, v.v. Trước thực tế đó, để thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, hướng tới xây dựng đạt trình độ quốc gia và khu vực, Học viện tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, mang tính nguyên tắc, bảo đảm phát huy trí tuệ, tính tiên phong trong phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đúng hướng, chất lượng. Để thực hiện tốt nội dung quan trọng này, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa, viện tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động khoa học, công nghệ; triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án Quy hoạch phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, tập trung cụ thể hóa thành kế hoạch phát triển, quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, cùng hệ thống các quy chế, quy định phù hợp với thực tiễn của Học viện và triển khai đồng bộ, thống nhất. Để đạt hiệu quả cao, cùng với quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động, định hướng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh hiện có; rà soát những nhóm hoạt động không hiệu quả để kịp thời chấn chỉnh, tổ chức hoạt động đúng quy định, Học viện triển khai quyết liệt kế hoạch phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh theo định hướng khoa học, công nghệ chủ chốt của Nhà nước và các lĩnh vực đặc thù của Quân đội3, nhất là các nhóm được xác định phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia, khu vực. Đồng thời, định kỳ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với từng giai đoạn, gắn trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh của đơn vị.
Hai là, tiếp tục quy hoạch, phát triển gắn với tăng cường quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là giải pháp căn bản, tạo cơ sở để Học viện có định hướng tổng thể về xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời, là căn cứ để Học viện tập trung nguồn lực xây dựng các nhóm này đạt trình độ quốc gia và khu vực. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Phòng Khoa học quân sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, khoa, viện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh theo đúng tiêu chí, phương pháp và quy trình theo thông lệ đánh giá quốc gia, quốc tế. Trong đó, thực hiện nghiêm việc đánh giá kết quả hoạt động trong 03 năm gần đây và kế hoạch 05 năm tiếp theo của các nhóm nghiên cứu nhằm xác định mức độ thành công, điểm mạnh, điểm yếu trong thời gian hoạt động và chỉ ra mức độ phù hợp của kế hoạch phát triển thời gian tới, v.v. Trên cơ sở đó, Học viện tiếp tục rà soát, quy hoạch, định hướng sự phát triển của các nhóm có trọng tâm, trọng điểm và theo lộ trình trong từng giai đoạn, năm; phấn đấu đến năm 2030, có 25 nhóm nghiên cứu mạnh; trong đó, có 06 - 08 nhóm đạt trình độ quốc gia, 03 - 04 nhóm đạt trình độ khu vực, tạo cơ sở, nền tảng để Học viện xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Cùng với đó, Học viện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các hình thức quản trị tiên tiến trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, quản lý hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh nói riêng. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý tiềm lực khoa học, công nghệ, cập nhật kết quả nghiên cứu của các tập thể, cá nhân bằng phần mềm quản lý khoa học, công nghệ, cơ sở dữ liệu chuyên gia dùng chung; thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch hoạt động, chế độ báo cáo, công khai kết quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh trên mạng nội bộ.
Ba là, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Học viện tập trung xây dựng và quy hoạch, phát triển đội ngũ chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm môn học, trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm, các chuyên gia, nhà khoa học gắn với xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Để huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao vào xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, Học viện mạnh dạn từng bước đưa đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ tham gia vào các nhóm nghiên cứu; phó giáo sư trẻ chủ trì hoặc tham gia nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp trên các phương án vận dụng kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ khoa học đầu ngành, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, cán bộ khoa học có trình độ cao, có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và có chính sách đãi ngộ, khuyến khích, huy động sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Cùng với đó, Học viện chủ động tham gia hiệu quả vào Đề án 2395 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”; Kế hoạch số 1844/KH-BQP, ngày 27/5/2020 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” trong Quân đội. Ưu tiên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, thực tập sinh, thỉnh giảng ở trong và ngoài nước, nhất là những cán bộ thuộc quy hoạch hoặc đang là thành viên nhóm nghiên cứu mạnh. Có chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng đối với trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp Học viện, hoặc trong quy hoạch phát triển thành trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học đầu ngành.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Thực hiện nội dung này, Học viện tích cực huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ các cấp, các ngành, đơn vị và mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ gắn liền với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh tìm kiếm, kết nối, hợp tác, khai thác nguồn kinh phí nghiên cứu từ các quỹ, đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; mở mới các đề tài, dự án theo nghị định thư với các đối tác nước ngoài, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động chủ đạo trong hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của Học viện. Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm sát với nội dung, định hướng nghiên cứu đã được phê duyệt; ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị thí nghiệm đối với các hướng nghiên cứu thuộc các lĩnh vực liên ngành, thế mạnh của Học viện, phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với quy hoạch của Bộ Quốc phòng.
Tiến hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục đầu tư, xây dựng phát triển thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Học viện Kỹ thuật quân sự trở thành trường đại học nghiên cứu.
Trung tướng, GS, TSKH, NGND. NGUYỄN CÔNG ĐỊNH, Giám đốc Học viện ___________________
1 - Tập thể các nhà khoa học do một nhà khoa học uy tín đứng đầu, có hướng nghiên cứu chung trong lĩnh vực mới, có tính đột phá về khoa học - công nghệ và có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu trong từng giai đoạn cụ thể để tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao gắn với đào tạo sau đại học; định hướng và dẫn dắt các hướng nghiên cứu tiên tiến hiện đại,… và có thể đầu tư phát triển thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
2 - Trong 05 năm (2017 - 2021), các nhóm nghiên cứu mạnh đã chủ trì và hoàn thành 16 đề tài cấp Quốc gia, 20 đề tài Nafosted và 24 đề tài cấp Bộ, tỉnh trở lên; có 354 công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus; hướng dẫn thành công 62 nghiên cứu sinh, v.v.
3 - Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về các lĩnh vực hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và một số công nghệ mới, như: thiết kế, chế tạo khí tài quan sát, ngắm bắn sử dụng công nghệ ảnh nhiệt; vật liệu mới; bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong điều kiện khắc nghiệt; thiết kế, thi công các công trình quân sự có độ kháng lực cao; viễn thám, trinh sát vũ trụ, v.v.
Học viện Kỹ thuật quân sự,xây dựng,phát triển nghiên cứu
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng