QPTD -Thứ Tư, 19/04/2023, 08:32 (GMT+7)
Học viện Hậu cần đổi mới phương pháp dạy học trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chủ động tiếp cận, ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào đổi mới phương pháp dạy học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một trong những mục tiêu trọng tâm được Học viện Hậu cần triển khai bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0); Quyết định số 889/QĐ-BQP, ngày 22/3/2018 của Bộ Quốc phòng về phê duyệt “Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”, những năm qua, Học viện Hậu cần đã xây dựng kế hoạch hành động với nhiều nội dung, giải pháp phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo chuyên ngành tài chính, hậu cần quân sự. Trong đó, ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới phương pháp dạy học, tạo đột phá nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là một trọng tâm. Thực hiện mục tiêu đó, cùng với xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới phương pháp dạy học, Học viện đã chỉ đạo các khoa và cơ quan chức năng tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng cập nhật phương pháp hiện đại kết hợp với kế thừa, phát triển phương pháp dạy học truyền thống. Đáng chú ý, Học viện đã triển khai các hệ thống quản lý điều hành và hỗ trợ dạy - học, như: E-Learning, He-Learning, v.v. Đây là hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu qua môi trường không gian mạng nội bộ Học viện,... tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên và học viên cập nhật bài giảng với thông tin rộng và sâu; triển khai phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, môn học, tương tác giữa giảng viên với học viên với cơ quan quản lý giáo dục, cũng như áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng, thái độ của học viên thông qua các phần mềm thông minh. Bằng các giải pháp thiết thực, đến nay, 100% giảng viên của Học viện đều sử dụng bài giảng điện tử theo phương pháp trên, cập nhật và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song so với yêu cầu thực tế, việc ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới phương pháp dạy học ở Học viện vẫn còn những hạn chế. Nhận thức về vị trí, vai trò của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đổi mới phương pháp dạy học chưa thật đầy đủ, thống nhất, một số cán bộ, giảng viên còn xem nhẹ, hoặc tuyệt đối hóa vai trò của công nghệ thông tin, coi nhẹ phương pháp dạy học truyền thống; trình độ của đội ngũ giảng viên, học viên không đồng đều; kỹ năng khai thác, sử dụng các phương tiện, phần mềm dạy học chưa hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm chưa theo kịp yêu cầu; công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin, bản quyền trong khai thác, sử dụng dữ liệu, tài nguyên còn nhiều bất cập, v.v.

Học viên đào tạo cấp trung, sư đoàn học ngoại ngữ tại phòng máy tính

Hiện nay, yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội nói chung, Học viện Hậu cần nói riêng yêu cầu rất cao. Để tận dụng cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng này mang lại và vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Học viện chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Học viện tập trung nghiên cứu, xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; trong đó, tiếp tục xác định đổi mới phương pháp dạy học làm khâu đột phá. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, khoa, đơn vị quản lý học viên tổ chức quán triệt tới toàn thể các đối tượng; cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát thực tế. Để đạt hiệu quả cao, Học viện phát huy vai trò của các cơ quan, khoa, đơn vị quản lý học viên, hội đồng khoa học,… trong tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện các chủ trương, biện pháp đổi mới phương pháp dạy học; duy trì nghiêm các chế độ thông qua, phê duyệt bài giảng; tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tổ chức học tập, phổ biến nhân rộng các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; chấn chỉnh, điều chuyển công tác các trường hợp thiếu cố gắng hoặc không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp với tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm sâu, rộng trong toàn Học viện, tạo môi trường dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Thực hiện phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất”, Học viện chủ trương tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động của người học và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng bài, tập bài, diễn tập. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Học viện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các khoa, bộ môn, đơn vị quản lý học viên chú trọng nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc các phương pháp dạy học đã có, các phương pháp dạy học truyền thống, phát huy những yếu tố hợp lý, loại bỏ yếu tố không phù hợp của phương pháp dạy học truyền thống. Đồng thời, cập nhật, bổ sung những yếu tố mới, phát triển, mở rộng nội hàm của phương pháp, làm cho cách dạy và cách học phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo theo chuẩn đầu ra. Với các môn khoa học xã hội và nhân văn, trên cơ sở bài giảng đã tích hợp trên hệ thống mạng nội bộ, Học viện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp dạy học tích cực, tăng cường hoạt động trao đổi, phản biện; phát huy vai trò định hướng khai thác thông tin của giảng viên và ứng dụng phần mềm thiết kế bài giảng theo sơ đồ logic hệ thống, tích hợp nội dung chi tiết gắn với hình ảnh, video trực quan, v.v. Qua đó, vừa giúp học viên tiếp thu kiến thức một cách tổng quan, có chiều sâu, vừa đảm bảo cho giảng viên nắm bắt thái độ, tình cảm, mức độ tiếp nhận nội dung của người học để điều chỉnh phương pháp cho phù hợp. Với các môn học chuyên ngành hậu cần, tài chính, do yêu cầu về khối lượng thông tin cần truyền tải lớn, với nhiều số liệu, đòi hỏi học viên phải nắm bắt, tổng hợp, phân tích thông tin và ứng dụng các phần mềm hiện đại vào quá trình học tập, nghiên cứu, công tác đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Vì vậy, Học viện đổi mới theo hướng sử dụng tổng hợp các phương pháp dạy học tích cực, tăng cường cập nhật, ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy, tạo điều kiện để học viên vừa học, vừa thực hành và thông qua thực hành để nắm chắc lý thuyết. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đối tượng học viên chỉ huy tham mưu hậu cấp chiến thuật, chiến dịch, Học viện định hướng gắn dạy học với hoạt động nghiên cứu khoa học, lấy thực hành làm chính; phát huy vai trò của giảng viên trong định hướng, hỗ trợ học viên xây dựng, triển khai đề tài sát với thực tiễn hoạt động hậu cần tại đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các phần mềm làm văn kiện bảo đảm hậu cần trên bản đồ số 2D, 3D và thực hiện phương thức báo cáo, giao nhiệm vụ, xử lý tình huống,... trực tuyến qua mạng nội bộ trong tập bài, diễn tập.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data),... cùng với đó là sự ra đời của các công cụ hỗ trợ dạy học mới đã và đang làm thay đổi cách dạy, cách học, cách thức giao tiếp giữa người dạy và người học. Trong bối cảnh đó, phương tiện kỹ thuật, các phần mềm thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự giao tiếp, trao đổi thông tin, gia tăng cường độ cả người dạy và người học, rút ngắn thời gian giảng dạy mà vẫn đảm bảo người học lĩnh hội đủ, sâu nội dung. Trước xu thế đó, thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”, Học viện chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật; trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất các phương án đầu tư, đổi mới các trang thiết bị dạy học. Trước mắt, cùng với tiếp tục phát huy, khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện có, Học viện tập trung đầu tư hiện đại hóa phòng điều hành, phòng học chuyên dùng, hệ thống máy tính; số hóa giáo trình, tài liệu nghiên cứu, tạo cơ sở để phát triển thư viện số,... phục vụ hoạt động dạy - học. Phát huy nội lực, kết hợp với liên kết nghiên cứu, xây dựng, phát triển các phần mềm hỗ trợ dạy học, phần mềm bảo mật thông tin,... để tích hợp, tối ưu hóa hệ thống E-Learning. Chủ động rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định, tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 60% phòng học được trang bị các trang thiết bị giảng dạy hiện đại; 100% khoa, bộ môn có phòng chuyên dùng đồng bộ, tiên tiến,... đảm bảo mọi cán bộ, giảng viên, học viên có thể khai thác, sử dụng, thiết thực hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đòi hỏi cao về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các nhà trường Quân đội nói chung, Học viện Hậu cần nói riêng là một tất yếu. Để theo kịp xu thế mới này, cùng với xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn, Học viện tiếp tục tận dụng thời cơ và thành quả từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để nghiên cứu, vận dụng, không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học, đào tạo ra đội ngũ cán bộ hậu cần, tài chính quân sự chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. LÊ THÀNH LONG, Phó Chính ủy Học viện Hậu cần

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.