QPTD -Thứ Năm, 13/10/2011, 15:47 (GMT+7)
Học viện Chính trị nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

60 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; sự phối hợp, giúp đỡ tận tình của các cơ quan trong và ngoài Quân đội; sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên của Học viện Chính trị đã xây đắp nên truyền thống “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, xứng đáng là một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia.

alt
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP đến thăm và làm việc Học viện (năm 2010)

Trong mọi hoạt động của mình, Học viện luôn trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng; coi việc tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là nhiệm vụ chính trị trung tâm, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT, Học viện luôn kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức lý luận, kiến thức theo chuyên ngành với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Đây vừa là nguyên lý giáo dục của Đảng, vừa là yêu cầu có tính nguyên tắc trong hoạt động GD-ĐT đội ngũ chính ủy, chính trị viên, giảng viên KHXH&NV quân sự ở Học viện. Chính vì vậy, trong các khâu, các bước của quá trình GD-ĐT, Học viện luôn chú trọng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; gắn chặt giữa nâng cao kiến thức, năng lực công tác với rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất nhân cách của người cán bộ chính trị để làm người, làm cán bộ, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn. Đồng thời, Học viện kiên quyết chống lối dạy - học kinh viện, tách rời lý luận với thực tiễn hoặc lối học thực dụng, chạy theo bằng cấp, coi nhẹ việc tu dưỡng, rèn luyện. Cùng với đó, Học viện đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ công tác GD-ĐT của Học viện và công tác lý luận của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Học viện cũng luôn chủ động, đi đầu trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, tích cực phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội và xã hội. Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, giảng viên KHXH&NV quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà khoa học… có uy tín của Quân đội, của quốc gia. Với những thành tích đã đạt được, Học viện vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

alt
Lễ khai giảng năm học 2010-2011
 

Trong giai đoạn 2005 - 2010, công tác GD-ĐT ở Học viện đã được đổi mới toàn diện, đồng bộ, có trọng điểm, đi vào chiều sâu, với những hình thức, bước đi thích hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ chính trị các cấp trong Quân đội theo yêu cầu Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương)1. Theo đó, mô hình, mục tiêu được đổi mới và từng bước hoàn thiện; quy trình đào tạo ngày càng chính quy, thống nhất, phù hợp với từng loại hình cán bộ và yêu cầu của thực tiễn; đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo mô hình cán bộ chủ trì về chính trị với nâng cao trình độ học vấn; học viên ra trường có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao2. Đến nay, nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng ở Học viện đều đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, thống nhất và chuyên sâu; có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, bám sát yêu cầu thực tiễn, sát với chức trách, nhiệm vụ theo mô hình, mục tiêu đào tạo. Học viện đã thường xuyên coi trọng đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Các hình thức huấn luyện sau bài giảng được chú trọng, khâu ra đề thi có nhiều đổi mới; hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giảng viên và hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho học viên được tiến hành tích cực. Công tác tuyển sinh bảo đảm đúng quy chế, an toàn, chất lượng đầu vào ngày càng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hiện tượng vi phạm quy chế thi, kiểm tra được tiến hành có nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, Học viện đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là những “máy cái” trong công tác GD-ĐT. Đến nay, Học viện đã có đội ngũ giảng viên không chỉ đảm nhận tốt nhiệm vụ giảng dạy thường xuyên, đột xuất theo chức trách, nhiệm vụ chuyên môn được phân công, mà còn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho công tác GD-ĐT của Nhà trường và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc3. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên; thực hiện các chế độ, nền nếp, quy định trong học tập, nghiên cứu khoa học… được cấp uỷ, cán bộ chủ trì các cấp quan tâm; động cơ, thái độ, trách nhiệm của người học có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức, triển khai các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Quân đội phát động, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được các cấp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả thiết thực.

alt
Diễn tập Chỉ huy - tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác GD-ĐT ở Học viện vẫn còn những hạn chế. Việc nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo đối với một số đối tượng còn chậm; cấu trúc chương trình đào tạo theo chức danh kết hợp với nâng cao trình độ học vấn vẫn có nội dung, có mặt chưa hợp lý. Các hình thức huấn luyện sau bài giảng chưa hướng mạnh vào việc bồi dưỡng tay nghề cho người học. Công tác đổi mới phương pháp dạy - học chưa mạnh mẽ, chưa sát với đổi mới nội dung, chương trình, bồi dưỡng và nâng cao trình độ sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Việc thực hiện đột phá vào nâng cao chất lượng bài giảng chưa theo kịp sự phát triển của thực tế; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên còn có biểu hiện nương nhẹ; việc bảo đảm cơ sở vật chất và khả năng hội nhập trong công tác GD-ĐT có mặt còn hạn chế.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi Học viện phải tập trung đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT theo hướng cập nhật, hiện đại, kịp thời quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ 14 vào công tác GD-ĐT; trọng tâm là đột phá vào đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp dạy - học. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ trí tuệ cao, năng lực tư duy và năng lực thực tiễn tốt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị. Theo đó, Học viện đang tập trung vào thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mô hình, mục tiêu  đào tạo cho các đối tượng sát với chức danh đảm nhiệm và thực tiễn của đất nước, của Quân đội. Theo đó, Học viện phải cụ thể hoá những tiêu chí trong mô hình, mục tiêu đào tạo phù hợp với từng loại cán bộ. Với đối tượng chính ủy trung đoàn, sư đoàn, Học viện coi trọng việc xây dựng các tiêu chí nhằm phát triển tư duy lãnh đạo và nâng cao trình độ, năng lực tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) trong thực tiễn hoạt động của bộ đội, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Với đối tượng giảng viên KHXH&NV quân sự, Học viện tập trung xây dựng các tiêu chí chú trọng bồi dưỡng cho người học những kiến thức chuyên ngành, rèn luyện kỹ năng sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học và trình độ quản lý quá trình dạy - học. Đối với đối tượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, Học viện coi trọng rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo và phương pháp nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, Học viện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với trên bổ sung mô hình, xây dựng tiêu chí đào tạo chính uỷ, chính trị viên ở các cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã và tương đương; cán bộ nghiệp vụ CTĐ,CTCT trong cơ quan chính trị các cấp cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

alt
Trao Bằng tốt nghiệp cho học viên lớp Bồi dưỡng lý luận cao cấp, khóa 15 (năm 2009)
Thứ hai, tập trung đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá phù hợp với từng bậc học, từng đối tượng đào tạo. Học viện tập trung rà soát, điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo của các đối tượng cơ bản theo hướng bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa KHXH&NV với khoa học quân sự là: 56,5%/43,5%; giữa các hình thức lên lớp với tự học là: 40%/60%; giữa bài giảng với các hình thức sau bài giảng là: 40%/60% (riêng chuyên ngành CTĐ,CTCT cho đối tượng đào tạo chính uỷ trung đoàn, sư đoàn chiếm tỷ trọng hơn 24%; nếu tính cả thực tập là 30,7% so với toàn bộ chương trình). Thực hiện tốt tỷ lệ này là cơ sở để Học viện đổi mới nội dung đào tạo theo hướng cập nhật lý luận, thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của công tác GD-ĐT. Cùng với đó, Học viện tiếp tục khắc phục triệt để hiện tượng trùng lắp về nội dung giữa các cấp học, bậc học, các môn học và bài giảng; tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những nội dung thiết thực, cập nhật sự phát triển của lý luận và thực tiễn nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chính trị có được một trình độ tư duy lý luận và năng lực thực tiễn đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh việc chú trọng khối kiến thức đặc thù trong lĩnh vực quân sự, Học viện chú ý trang bị cho người học một tỷ lệ thích đáng kiến thức cơ bản, nền tảng về kinh tế, văn hoá, xã hội, pháp luật, quản lý nhà nước... để người cán bộ chính trị Quân đội có khả năng hội nhập và phát triển cùng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Đối với đào tạo sau đại học, trên cơ sở các quy chế mới được ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Bộ Quốc phòng, Học viện đang tích cực triển khai đổi mới, xây dựng lại các bộ chương trình, nội dung đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho các chuyên ngành theo hướng nâng cao, cập nhật và hội nhập nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực bậc cao của Quân đội và đất nước.

Ba là, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tăng cường sử dụng các phương pháp dạy - học tích cực, phương tiện dạy - học hiện đại; chuyển từ việc giảng dạy theo chủ đề sang giảng dạy theo chuyên đề. Theo đó, các chuyên đề giảng dạy ở Học viện phải thực sự là những vấn đề có tính khái quát, tổng hợp cao, vừa toàn diện, chuyên sâu, vừa thiết thực đáp ứng yêu cầu nâng cao tư duy lý luận, tư duy lãnh đạo, tư duy khoa học; đồng thời, mang tính hướng dẫn hành động, nâng cao năng lực thực hành, giúp người cán bộ có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Học viện xác định, việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học phải nhằm đặt ra yêu cầu và tạo điều kiện cho người học tích cực tự học, lấy tự học, tự nghiên cứu là chính; qua đó, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và phát triển tốt. Để đảm bảo cho đổi mới phương pháp dạy - học có hiệu quả, Học viện tăng cường trang bị phương tiện dạy - học hiện đại; tích cực đầu tư, trang bị hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác GD-ĐT, trước hết là trong giảng dạy, học tập và quản lý; nâng cấp thư viện điện tử, hiện đại hoá công tác thông tin - tư liệu; phổ cập mạng internet, kết nối mạng intranet; xây dựng, hoàn chỉnh mạng LAN, tạo ra sự đột phá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nâng cao chất lượng GD-ĐT. Cùng với đó, các khâu, các bước của quá trình dạy - học, như nâng cao chất lượng giáo án, bài giảng và các hoạt động phương pháp, nhất là trong thông qua bài giảng, dự giảng, sinh hoạt trao đổi học thuật, nghiên cứu thực tế ở cơ sở được Học viện duy trì có nền nếp. Việc đổi mới công tác quản lý, điều hành huấn luyện được tập trung theo hướng khoa học, hiện đại, hiệu quả, đề cao tính chủ động của các khoa giáo viên, của người học. Công tác khảo thí chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra quá trình dạy - học, đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện theo hướng bảo đảm thực chất, phân loại rõ trình độ kiến thức giữa các nhóm học viên, kiên quyết đấu tranh với “bệnh thành tích” trong GD-ĐT. Công tác quản lý, nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện của học viên được tiến hành có nền nếp, luôn kết hợp chặt chẽ giữa cán bộ quản lý với đội ngũ giảng viên. Bên cạnh thực hiện tốt việc đánh giá kết quả học tập của người học thông qua hình thức thi, kiểm tra, Học viện chú trọng các hình thức bài tập, thảo luận, kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận…; xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, đổi mới cách ra đề thi, chấm thi. Đồng thời, Học viện yêu cầu các cấp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với GD-ĐT cả về nội dung, phương thức và lực lượng; xem đây là biện pháp quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT ở Học viện hiện nay. Cùng với đó, Học viện thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đảm bảo người thầy phải thực sự là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, phong cách và lòng say mê học tập, nghiên cứu, rèn luyện để người học noi theo.

Thực hiện tốt các nội dung trên, chất lượng GD-ĐT của Học viện sẽ không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng, TS. NGUYỄN TIẾN QUỐC

Giám đốc Học viện

                  

1 - Xây dựng mới, điều chỉnh nội dung và tổ chức thực hiện 75 chương trình cho các đối tượng đào tạo. Biên soạn 42 bộ giáo trình mới với 24.230.000 trang tài liệu phục vụ dạy - học.

2 - Đã đào tạo được 3.516 chính ủy trung, sư đoàn; 3.307 chính trị viên đại đội, tiểu đoàn; 548 giáo viên KHXH&NV quân sự. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 1.068 học viên đối tượng 2; bồi dưỡng lý luận cao cấp cho 117 cán bộ cao cấp (A12-A16) và 77 học viên quốc tế. 100% học viên ra trường đều đảm nhiệm được chức trách, nhiệm vụ theo chức danh đào tạo.

3 - Hiện nay, Học viện có 02 giáo sư, 34 phó giáo sư, 105 tiến sĩ, 130 thạc sĩ; 99,8% giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ đại học trở lên.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.