Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:20 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác giáo dục và đào tạo, Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định “Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố trong hoạt động giáo dục và đào tạo, tạo sự đột phá để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Với phương châm “Truyền thống - Năng động - Đổi mới - Phát triển”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, ở tất cả các khâu, các bước. Trong đó, coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông qua công tác giáo dục và đào tạo, Học viện tập trung giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện, dự báo và tham mưu cho Bộ Công an nhiều vấn đề có tính chiến lược, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ và khoa học công an. Học viện thường xuyên chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; trong đó, chủ động gắn quá trình đào tạo với thực tế chiến đấu, do vậy, chất lượng học viên ra trường ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ cao đứng đầu các trường thuộc Bộ Công an, nhưng số có trình độ tiến sĩ mới đạt trên 10%, phó giáo sư trên 3%, giáo sư trên 1%; so với các tiêu chí, điều kiện của một trường đại học trọng điểm quốc gia còn thấp. Trong khi đó, nội dung, chương trình, quy mô đào tạo ngày càng cao, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định: vấn đề quyết định đến hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện trong thời gian tới là xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. Theo đó, Học viện tập trung chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn; đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng cao, vừa có tính đồng bộ, vừa có tính kế thừa, kế tiếp, không bị hụt hẫng; phấn đấu đến năm 2018 có 20 giáo sư, 40 phó giáo sư, 400 tiến sĩ, 500 thạc sĩ và 300 giảng viên chính. Trong đó, tập trung xây dựng chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học công an, như: hình sự, trinh sát, phòng chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh trật tự; đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế để gửi cán bộ, giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài.
Cùng với đó, Học viện tập trung đổi mới phương pháp quản lý giáo dục và đào tạo theo hướng: (1) đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý giáo dục và đào tạo; (2) thể chế hóa các hoạt động công tác quản lý giáo dục và đào tạo; (3) thiết lập bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Học viện Cảnh sát nhân dân trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo Bộ Tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO 9000:1994 và tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng “TCVN-5814-94”. Các hoạt động quản lý đào tạo, như: tuyển sinh, học tập, tốt nghiệp được áp dụng theo quy trình và tiêu chuẩn sẽ giúp Học viện chuẩn hóa về cơ sở dữ liệu, đáp ứng nhu cầu chia sẻ và khai thác thông tin, phục vụ công tác thống kê, so sánh, dự báo, chỉ đạo điều hành.
Trong tổ chức giáo dục và đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các chuyên ngành luật, khoa học công an và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác là những vấn đề trọng tâm. Do đó, Học viện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa về chương trình, nội dung giảng dạy, giáo trình, tài liệu và quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng. Hiện nay, Học viện Cảnh sát nhân dân cùng với Học viện An ninh nhân dân được Bộ Công an giao thí điểm tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, rút ngắn thời gian từ 05 năm xuống 04 năm. Đây là phương thức tổ chức đào tạo tiên tiến, tạo ra sự chủ động, linh hoạt cho cả người học, người dạy và cơ quan quản lý đào tạo. Thời gian tới, Học viện tiếp tục cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng thiết thực, hiện đại, thống nhất, liên thông giữa các bậc học, coi trọng huấn luyện kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp cũng như trang bị kiến thức nghiệp vụ cho học viên đào tạo hệ đại học nghiên cứu 5 năm và hệ đại học thực hành 4 năm. Đồng thời, Học viện kết hợp đào tạo theo tín chỉ với đào tạo theo niên chế. Trong đó, Học viện lựa chọn 04 chuyên ngành đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao: Điều tra tội phạm trật tự xã hội; Kỹ thuật hình sự; Trinh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát môi trường. Học viện phấn đấu đến năm 2020 sẽ có một số chương trình đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng Anh.
Trong điều kiện phải đào tạo nhiều hệ khác nhau, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của người học, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên. Gắn kết các đơn vị nghiệp vụ với nhà trường, cập nhật thực tiễn công tác chiến đấu của Lực lượng Công an nhân dân vào bài giảng; tiếp tục và thường xuyên phối hợp, tổ chức hội thảo khoa học với các đơn vị nghiệp vụ về đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo các môn học nghiệp vụ chuyên ngành. Hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, sách tham khảo theo các trình độ, chuyên ngành đào tạo và môn học, đảm bảo đủ cho học viên nghiên cứu, tự học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng giữa Học viện với Công an các đơn vị, địa phương.
Cùng với đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo, Học viện luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học công an; gắn giáo dục đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học. Học viện chủ động tổ chức biên soạn các bộ sách lớn, như: Khoa học hình sự Việt Nam, Khoa học trinh sát Việt Nam, Tội phạm học Việt Nam, Khoa học Công an Việt Nam,… để phục vụ công tác giáo dục và đào tạo. Học viện chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ để nghiên cứu các đề tài khoa học giáo dục Công an nhân dân; tổng kết các chuyên án lớn, các chiến dịch an ninh, trật tự để phục vụ đào tạo. Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát nhân dân nói riêng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an trên nhiều lĩnh vực. Điển hình là: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới"; các đề tài khoa học cấp Bộ: "Đào tạo theo hệ thống tín chỉ và khả năng áp dụng trong giáo dục đại học Công an nhân dân"; "Quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam theo chức năng của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội"; "Khám nghiệm hiện trường trong điều tra tội phạm của Công an cấp huyện - Thực trạng và giải pháp"; "Điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản - Những vấn đề lý luận và thực tiễn", v.v.
Để đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên, Học viện đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo; trong đó, tập trung đầu tư, xây dựng Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát hiện đại, các khu thực hành nghiệp vụ, trường bắn, sân vận động, các phòng, như: hội thảo khoa học, bảo vệ luận văn, luận án, khóa luận tốt nghiệp, thi trắc nghiệm, hội thi giáo dục, học lý thuyết, học đặc thù theo các chuyên ngành, học ngoại ngữ, tin học. Đồng thời, hình thành các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại, các công trình giáo dục văn hóa truyền thống, như: Văn miếu, khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an, khu chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo tàng Dân tộc học, v.v.
Nhằm khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, Học viện tích cực đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, kết hợp với huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo, từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Học viện Cảnh sát nhân dân tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, xây dựng Học viện ngày càng vững mạnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.
Trung tướng, GS, TS. NGUYỄN XUÂN YÊM, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
Học viện Cảnh sát,giáo dục,đào tạo
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng