QPTD -Thứ Tư, 09/11/2011, 03:11 (GMT+7)
Học viện Biên phòng phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện


Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh BĐBP công bố Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ cho Học viện

 Ngày 12-9-2011, Chủ tịch Nước đã ký Quyết định số 1553/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Học viện Biên phòng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Học viện; đồng thời, là động lực quan trọng để Học viện tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Học viện Biên phòng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH)  của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Quân đội. Trải qua gần 50 năm xây dựng, phát triển, Học viện đã thực hiện hàng trăm khoá đào tạo với nhiều chuyên ngành khác nhau, cung cấp hàng vạn cán bộ có trình độ cao đẳng đến sau đại học cho các đơn vị BĐBP, Công an và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ BĐBP, xây dựng nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện (VMTD); trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, NCKH. Thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ BĐBP các cấp”, trong 5 năm (2006 - 2010), Học viện đã điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới hơn 20 chương trình đào tạo cho các đối tượng; đặc biệt, đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ biên phòng theo đúng kế hoạch. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý huấn luyện của Học viện có nhiều đổi mới. Học viện đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào; tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy. Hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, với Học viện Biên phòng của Liên bang Nga được Học viện đẩy mạnh và xác định là một hướng quan trọng để nâng cao chất lượng GD-ĐT. Kết quả các khoá đào tạo gần đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi thường xuyên đạt trên 80%. Bên cạnh đó, công tác NCKH của Học viện cũng có bước phát triển khá toàn diện; chất lượng các đề tài không ngừng nâng lên; hoạt động NCKH của học viên có nhiều tiến bộ. Từ năm 2005 đến nay, Học viện đã triển khai nghiên cứu, hoàn thành 2 đề tài nhánh cấp nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, hàng chục đề tài cấp ngành và hàng trăm đề tài cấp cơ sở; trong đó, nhiều đề tài được ứng dụng có hiệu quả trong giảng dạy, công tác của BĐBP, được Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT đánh giá cao.


Trung tướng Võ Trọng Việt, Chính uỷ BĐBP thăm Thư viện điện tử của Học viện

Cùng với thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH, Học viện luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, từng bước được chuẩn hoá. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ từ đại học trở lên; trong đó, 34,8% có trình độ sau đại học (có 9 phó giáo sư, 15 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú). Hệ thống cơ sở hạ  tầng, nhất là nhà làm việc, giảng đường, các phòng học chuyên dùng, nhà ở của học viên, thao trường, bãi tập… được Học viện quy hoạch, xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại, “xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, Học viện đã đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác GD-ĐT, NCKH, như: Thư viện điện tử, Trung tâm mô phỏng chiến thuật, nghiệp vụ biên phòng, hệ thống mạng LAN... tạo tiền đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP trên các tuyến biên giới, biển, đảo rất nặng nề, phức tạp, đặt ra cho Học viện những yêu cầu mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và NCKH. Theo đó, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện tiếp tục có sự phát triển cả về quy mô, loại hình, đối tượng đào tạo. Để nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT, NCKH, góp phần cùng các đơn vị BĐBP hoàn thành nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Học viện tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung xây dựng Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Đây là nền tảng vững chắc để Học viện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH. Theo đó, Học viện tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân uỷ Trung ương về công tác GD-ĐT; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống anh hùng của Học viện, của BĐBP; chú trọng phổ biến làm cho mọi cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay. Học viện tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, hướng vào thực hiện “Dạy tốt - học tốt - công tác tốt”, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ.

 Cùng với đó, Học viện coi trọng củng cố, kiện toàn cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phù hợp với tổ chức biên chế; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu, chất lượng sinh hoạt của các cấp uỷ, tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Đảng uỷ BĐBP, lấy xây dựng chi bộ bộ môn, đại đội (lớp) học viên trong sạch, vững mạnh (TS,VM) làm khâu then chốt, gắn xây dựng tổ chức đảng TS,VM với xây dựng đơn vị VMTD. Hằng năm, phấn đấu trên 95% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn TS,VM, Đảng bộ Học viện đạt TS,VM, trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.


Hoạt động của Câu lạc bộ võ thuật
2. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch tổng thể về tổ chức, biên chế của Học viện theo Quyết định số 424/QĐ-BTLBP, ngày 15-3-2011 của Tư lệnh BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Học viện tập trung xây dựng, kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, xác định đây là khâu đột phá, có ý nghĩa quyết định, nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Mục tiêu đến năm 2015, Học viện có 75 - 80% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 10 - 15% tiến sĩ... Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu đã xác định, Học viện chú trọng làm tốt việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên; coi trọng đa dạng hoá đối tượng tuyển chọn để nâng cao chất lượng “đầu vào” và thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, đào tạo, bố trí sử dụng. Để nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, đào tạo ở nước ngoài, và cử cán bộ, giảng viên đi dự nhiệm ở các đơn vị cơ sở của BĐBP, đi nghiên cứu điểm nóng trên các tuyến biên giới. Thời gian tới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Đảng uỷ BĐBP về học tiếng dân tộc, tiếng các nước láng giềng cho cán bộ, chiến sĩ; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ, cán bộ, giảng viên có học vị, chức danh khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực nghiệp vụ biên phòng, làm nòng cốt trong giảng dạy, NCKH, nhất là giảng dạy sau đại học. Mặt khác, Học viện quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, giảng viên tích cực tự học, tự rèn, phấn đấu vươn lên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

3. Tích cực hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, NCKH, gắn GD-ĐT với NCKH. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 86 của Quân uỷ Trung ương, Nghị quyết 14 của Đảng uỷ BĐBP về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, Học viện tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo của các bậc học theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá”, đảm bảo sự cân đối giữa các khối kiến thức, liên thông, kế thừa giữa các bậc học và bám sát thực tiễn công tác biên phòng. Trong đó, chú trọng hoàn thiện Chương trình đào tạo chuyên ngành Phòng chống tội phạm và ma tuý; đẩy nhanh xây dựng Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo và tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ Quốc phòng cho mở mã ngành đào tạo, đáp ứng sự phát triển nhiệm vụ của BĐBP. Cùng với đó, tổ chức tốt việc biên soạn, nâng cấp hệ thống giáo trình, tài liệu, nhất là cho đối tượng đào tạo mới và đối tượng đào tạo sau đại học.

Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, Học viện chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng lấy người học là trung tâm, khuyến khích giảng viên sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, tích cực cập nhật thông tin nâng cao chất lượng bài giảng; chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên tổ chức tốt việc trao đổi, rút kinh nghiệm học tập, nhất là phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Học viện tiếp tục nghiên cứu tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm và diễn tập, phù hợp với từng đối tượng; thực hiện đa dạng hình thức thi, kiểm tra, đổi mới cách ra đề thi và đánh giá kết quả học tập của học viên; đồng thời, tích cực mở rộng liên kết đào tạo, trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp GD-ĐT giữa Học viện với các đơn vị BĐBP, các học viện: Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Hải quân, Quan hệ quốc tế. Đối với công tác NCKH, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý khoa học, có chính sách khuyến khích các tập thể, cá nhân, nhất là học viên, tham gia NCKH; khuyến khích và ưu tiên đầu tư nghiên cứu các đề tài có tính ứng dụng cao, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để phục vụ tốt hơn công tác GD-ĐT và NCKH, Học viện sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường huấn luyện, coi trọng lĩnh vực CNTT, công nghệ mô phỏng và tự động hoá. 

4. Đẩy mạnh xây dựng Học viện chính quy, mẫu mực, có môi trường văn hoá sư phạm lành mạnh, kỷ luật nghiêm minh, cảnh quan “xanh, sạch, đẹp”. Thời gian tới, Học viện tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 814/QĐ-TM, Chỉ thị số 917/1999/CT-QP về xây dựng đơn vị VMTD. Trong đó, Học viện tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp, tác phong công tác, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thực hiện chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với rèn luyện kỷ luật. Các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn Học viện hành động theo Điều lệnh”; coi trọng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế phối hợp quản lý giữa cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị học viên, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ Học viện về tăng cường công tác quản lý, rèn luyện học viên trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và đặc thù của Học viện. Trọng tâm là, nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khoẻ của bộ đội; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách, nhất là ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng Học viện giai đoạn 1, giai đoạn 2, tạo ra sự đột phá về cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường.

Phát huy truyền thống của một đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Học viện Biên phòng tiếp tục phấn đấu xây dựng vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS,TS. TRN HU PHÚC

Giámđốc Hc vin

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.