Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:52 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
LTS: Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác quân sự, quốc phòng của các địa phương, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh. Hiện nay, bên cạnh thuận lợi, nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đã và đang có những khó khăn, bất cập nảy sinh; trong đó, một số vấn đề trở thành “bài toán” khó với các địa phương. Cùng trong bối cảnh đó, nhưng tỉnh Nam Định đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và toàn dân, trở thành địa phương luôn hoàn thành tốt công tác này.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm bài: “Hiệu quả từ sự chung tay trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ” của nhóm tác giả Văn Kiểm, Quang Hợp, Minh Đạt.
Bài 1: Việc khó của địa phương
Nam Định nằm ở phía Nam Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo sử sách ghi chép, vùng đất này chính là nơi đặt chân của những người đi mở cõi, đã tạo ra khí phách riêng của người Nam Định: “quả cảm, thông minh, hiếu học; cần cù, sáng tạo trong lao động; giàu nghị lực, giỏi nghề sông nước và thạo thủy chiến”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những phẩm chất tốt đẹp đó của người dân Thành Nam càng được thể hiện rõ và phát huy cao độ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành mảnh đất địa linh, nhân kiệt1. Là một trong những địa phương của Quân khu 3 luôn đi đầu trong việc cung cấp sức người, sức của thực hiện Phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những công lao đóng góp to lớn của Nhân dân và Lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 159 tập thể, 66 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (riêng huyện Hải Hậu 03 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và nhân dân); 2.774 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; trên 36 nghìn liệt sĩ, 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh, v.v.
Vinh dự, tự hào và phát huy truyền thống quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định đã đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đáng chú ý là, kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, chương trình xây dựng nông thôn mới thu được kết quả toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp hoàn thiện; môi trường, cảnh quan, diện mạo nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”, “ven đường có hoa, sông không có rác”; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Nam Ðịnh là một trong 02 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, Tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quốc phòng, quân sự địa phương, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và Công an nhân dân, tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên, nguồn cán bộ ở cơ sở sau này. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng đó, công tác tuyển quân được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương, cơ sở. Song trên thực tế, quá trình thực hiện đã và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Một là, nhận thức của một bộ phận nhân dân, công dân trong độ tuổi nhập ngũ về Luật Nghĩa vụ quân sự còn hạn chế. Mọi công dân trong độ tuổi theo Luật định không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng, quyền cao quý, niềm vinh dự, tự hào của công dân đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, một bộ phận công dân chưa hiểu đúng và đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên còn biểu hiện thờ ơ, xem nhẹ, cá biệt cố tình trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mạng xã hội hiện nay, làm cho một bộ phận thanh niên có tư tưởng hưởng thụ, phai nhạt lý tưởng, hoài bão, thiếu bản lĩnh, lười tu dưỡng, rèn luyện. Họ viện đủ lý do, tìm mọi cách xin miễn, hoãn, “lách Luật”, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, kể cả gian dối trong khám sức khỏe, xăm trổ trên cơ thể, v.v.
Bên cạnh đó, một số địa phương trong Tỉnh có tỷ lệ đồng bào theo đạo lớn (chiếm gần 25% dân số), có những cơ sở là xứ đạo toàn tòng. Những năm qua, đồng bào theo đạo đã chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và những tiêu cực của một số linh mục cực đoan từ một số tỉnh khác đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong tuyên truyền, vận động về quyền và nghĩa vụ công dân đối với những người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự.
Hai là, số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đông nhưng “nguồn ảo” lớn, chất lượng nguồn có chiều hướng giảm. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu”. Đây là cơ sở để các địa phương, cơ sở thống kê, theo dõi, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Điều 30 của Luật cũng quy định: “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”. Tuy nhiên, hiện nay mỗi gia đình chỉ có 01 đến 02 con; với điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, hầu hết các gia đình đều quan tâm chăm lo học hành, để có việc làm ổn định, lâu dài cho con em mình. Bởi vậy, phần lớn công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc tìm kiếm việc làm ở xa quê hương, đi xuất khẩu lao động2, thời gian vắng mặt dài ngày. Vì lẽ đó, số lượng nguồn tuy nhiều nhưng là “nguồn ảo” do công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ. Số thanh niên còn lại ở tại địa phương thì phần đông cũng đi làm trong các khu công nghiệp hoặc làm việc ở các làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy, khi đã có việc làm, thu nhập ổn định, nhất là đã có tay nghề thì hầu hết thanh niên không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, chế độ, chính sách bảo đảm; công tác tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ, tạo việc làm cho công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa có sức hút thiết thực, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, chất lượng nguồn công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang có những hạn chế nảy sinh, như: tỷ lệ mắc các tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị), số người trẻ bị tăng huyết áp ngày càng nhiều,… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và không đáp ứng được yêu cầu nhập ngũ.
Ba là, công tác quản lý nguồn công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự còn nhiều bất cập. Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã quy định việc quản lý công dân, song thực tế công tác quản lý con người, nhất là ở cấp cơ sở vẫn chưa chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều công dân đi xuất khẩu lao động nhưng ở thôn, xã không nắm được. Hay theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì: “Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số công dân này thường không trở lại và cũng không chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về địa phương.
Cùng với đó, một số quy định trong các văn bản hiện hành đã bộc lộ những bất cập. Tại khoản 2, điều 32, Luật Cư trú quy định: “Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 03 tháng trở lên, có trách nhiệm khai báo tạm vắng”. Khoản 3, điều 17, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 ghi rõ: “Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên phải đến nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng,…”. Lợi dụng quy định này, hằng năm cứ đến thời điểm địa phương, cơ sở tiến hành các bước tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi địa phương, vắng mặt, gây khó khăn cho việc thực hiện các khâu, bước trong quy trình tuyển quân theo phương thức “tròn khâu” của địa phương, cơ sở.
Bốn là, một số quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. Tại các điều 4, 5, 6, 7 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, ngày 09/10/2013 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu”, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự; sơ tuyển, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và quy định nhập ngũ thì tùy theo mức độ, hành vi vi phạm hình thức xử phạt vi phạm hành chính là từ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, với số tiền từ 200.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Có thể thấy rằng, mức xử phạt như vậy là chưa có tác dụng răn đe. Bên cạnh đó, vẫn còn những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, thống nhất, không đồng bộ với các văn bản khác, khiến cho việc hiểu, áp dụng khác nhau, gây khó khăn trong xử lý vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, v.v.
Những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của tỉnh Nam Định những năm trước đây. Mặc dù, hằng năm Tỉnh vẫn hoàn thành chỉ tiêu giao quân cho các đơn vị nhận quân nhưng chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của một số địa phương còn thấp, tỷ lệ phải bù đổi sau khi giao quân còn nhiều, chất lượng công dân nhập ngũ có mặt còn hạn chế, v.v.
Để khắc phục vấn đề đó đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
VĂN KIỂM – QUANG HỢP – MINH ĐẠT _____________
1 - Quê hương Nam Định đã sản sinh ra nhiều trạng nguyên, khôi nguyên, chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, như: Trường Chinh, Lê Đức Thọ,… cùng hơn 145 sĩ quan cấp Tướng công tác trong Quân đội qua các thời kỳ.
2 - Tỷ lệ tạm hoãn gọi nhập ngũ hằng năm chiếm trên 30%.
Bài 2. Chung tay hành động
Tuyển chọn,gọi công dân nhập ngũ
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng