QPTD -Thứ Ba, 10/03/2020, 17:25 (GMT+7)
Hiệu quả đào tạo nghề ở Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng

Được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 45 trường trọng điểm dạy nghề chất lượng cao, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng đã không ngừng đầu tư, đổi mới, sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Trường cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề1; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác do Quân khu 4 giao. Nhận thức rõ việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề mang tính sống còn, quyết định đến sự phát triển; khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường đối với xã hội, thời gian qua, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo được xác định là nền tảng cốt lõi, giá trị trung tâm trong mọi hoạt động của Nhà trường.

Để phát huy vai trò trung tâm của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý ở các cấp trong nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường tập trung trước hết vào quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 855-CT/QUTW, ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về văn hóa công vụ, phong trào Thi đua Quyết thắng, v.v. Qua đó, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, thể hiện sự mô phạm, chuẩn mực để học sinh, sinh viên học tập, noi theo.

Cùng với đó, Nhà trường luôn quan tâm tạo cơ chế tốt nhất để động viên khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Chú trọng tạo điều kiện để giảng viên trẻ đi đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Thường xuyên cử giáo viên đi nâng cao tay nghề tại Úc (Australia), Nhật Bản. Đồng thời, có cơ chế để thu hút nhân tài về phục vụ Nhà trường. Hiện nay, 100% giáo viên đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; là một trong những trường dẫn đầu trong khối các trường đại học, cao đẳng quân đội về xây dựng các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo giỏi cấp Bộ; nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị ứng dụng cao,... đó là nhân tố cơ bản, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Thiếu tá Nguyễn Bá Thành - Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa kiểm tra giờ học thực hành của sinh viên

Cùng với quá trình nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, giáo viên, Nhà trường thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, trọng tâm là khâu cải tiến hoạt động của các tổ bộ môn với hướng tập trung là viết tài liệu giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Tính đến thời điểm năm 2019, hệ thống chương trình và tài liệu giảng dạy 10 chuyên ngành khối cao đẳng, 18 chuyên ngành khối trung cấp và 19 chuyên ngành khối sơ cấp được giảng viên biên soạn chi tiết và vận dụng vào thực tiễn dạy học; bảo đảm giảng dạy theo module và tính liên thông dọc, liên thông ngang; nâng thời gian đào tạo thực hành lên 70% tổng số thời gian đào tạo. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề được xây dựng theo chuẩn quốc tế, ASEAN và được cập nhật phù hợp thực tiễn sản xuất, bám sát hơn nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; áp dụng 3 phương thức gồm: đào tạo tại trường 50%; đi học tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước 50%; đào tạo 100% tại doanh nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của người học; đào tạo phân luồng, vừa học văn hóa, vừa học nghề. Trong số các ngành nghề đang đào tạo của Nhà trường, có 2 nghề tiếp cận công nghệ thế giới là Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, 4 nghề tiếp cận công nghệ khu vực là nghề Hàn, Điện công nghiệp, Máy xây dựng, Điều dưỡng và 1 nghề Dược đạt trình độ quốc gia. Các phương pháp dạy học hiện đại được đa số giảng viên sử dụng đã tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu và hoạt động nhóm của học sinh, sinh viên. Các ngành nghề đào tạo của Trường đều được xác định chuẩn đầu ra (chuẩn về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, thái độ nghề nghiệp) theo tiêu chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Một trong những yếu tố giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường đó là hiện thực hóa quan điểm thực tiễn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề ở cả cấp khoa và cấp trường. Đội ngũ giáo viên đã có bước chuyển căn bản khi gắn nội dung các bài giảng trên lớp với thực tiễn nghề nghiệp tương lai khi học sinh, sinh viên ra trường. Nhà trường có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để đưa học sinh, sinh viên tới học tập thực tiễn, qua đó, góp phần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng. Thông qua sự góp ý của các doanh nghiệp, Nhà trường tiếp tục cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo để người học sau khi ra trường đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhà tuyển dụng. Phương châm đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường được thực hiện đồng bộ ở tất cả các chuyên ngành và trình độ.

Chất lượng đào tạo của Nhà trường không ngừng được nâng lên nhờ tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Với chương trình đào tạo phần lớn thời gian là thực hành, Nhà trường đã sử dụng nhiều nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để học sinh, sinh viên nghiên cứu, học tập, làm chủ kỹ thuật, không bị bỡ ngỡ sau khi ra trường. Chỉ tính năm 2018 và 2019, Nhà trường đã đầu tư kinh phí hơn 15 tỉ đồng, theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo để hiện đại hóa trang thiết bị dạy học. Hiện nay, Nhà trường đang tiếp tục đầu tư trang bị phần mềm quản lý, từng bước thực nghiệm và thực hiện theo mô hình quản lý từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ. Về cơ sở vật chất Nhà trường đang đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trường trên diện tích gần 5 ha, với dự án 135 tỉ đồng, chuẩn bị khánh thành đưa vào sử dụng. Bám sát nhu cầu của thị trường lao động, Nhà trường chủ trương liên tục bổ sung trang thiết bị máy móc,... bảo đảm cho học sinh, sinh viên được học tập, nghiên cứu, làm chủ những máy móc, thiết bị mà xã hội đang có. Cùng với đó, phong trào nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được phát huy mạnh mẽ, góp phần làm phong phú phương tiện dạy học của Nhà trường. Năm 2019, tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm của tỉnh Thanh Hóa, Nhà trường đạt 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, được cử đi tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc đạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích.

Hiệu quả đào tạo của Nhà trường được thể hiện và gắn liền với lợi ích của người học. Với phương châm: chất lượng đào tạo là lựa chọn hàng đầu, giải quyết việc làm là ưu tiên số một, những năm gần đây, việc đào tạo của Nhà trường luôn gắn với quyền lợi người học, gắn với giải bài toán về việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Từ nhiều năm trở lại đây, Nhà trường đã làm tốt vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong việc xúc tiến tìm kiếm việc làm và đào tạo, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp như: Tổng công ty lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Công ty Cổ phần Lilama, v.v. Hiện nay, Nhà trường cũng đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức để vừa đào tạo, vừa cung ứng lao động cho các thị trường nước ngoài và được đánh giá là tiềm năng với kinh phí thấp nhưng thu nhập và cơ hội việc làm khá cao. Nhà trường luôn bảo đảm 100% sinh viên trong quá trình đào tạo được gửi đi thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp, nhiều sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhận lương thực tập ngay từ khi còn đang là sinh viên của trường. Nhà trường thường xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các khoa, trung tâm trong công tác quản lý, đào tạo các ứng viên đi làm việc ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để tổ chức cho học viên học tập và được tuyển dụng sau tốt nghiệp; thẩm định, ký kết các hợp đồng bảo đảm nội dung chặt chẽ, đúng pháp luật, phòng tránh mọi rủi ro, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người học và người lao động; không để xảy ra sai phạm, tiêu cực nảy sinh, v.v. Nhờ đó, trên 90% học sinh, sinh viên các ngành kỹ thuật tốt nghiệp ra trường có việc làm, phát triển trưởng thành, trong đó có nhiều doanh nhân, nhà quản lý thành đạt.

Với những nỗ lực trong nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng đã không ngừng lớn mạnh về quy mô đào tạo với trung bình trên 12.000 học sinh, sinh viên mỗi năm; là một trong những trường có số lượng đào tạo cao nhất trong khối giáo dục nghề nghiệp của Quân đội; là lựa chọn hàng đầu của quân nhân xuất ngũ và học sinh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.

Thiếu tá, Th.S NGUYỄN BÁ THÀNH, Đảng ủy viên, Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa
_____________________

1 - Các ngành nghề chủ yếu: công nghệ ô tô, hàn, gia công cắt gọt kim loại, điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ thông tin, kỹ thuật dược, kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy tính, điện tử viễn thông, kế toán doanh nghiệp, vận hành máy xây dựng, ngoại ngữ, định hướng xuất khẩu lao động, lái xe ô tô các hạng B, C, D, E, v.v.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.