Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:16 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Thủ trưởng BTL Hải quân thăm BTL Hải quân Miền Đông Ấn Độ nhân dịp Lễ Bế giảng khóa huấn luyện kíp tàu ngầm số 1.
Biển nước ta có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, là nơi có đường hàng hải quốc tế đi qua, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Vì vậy, vấn đề an ninh khu vực, an toàn hàng hải và nguồn lợi từ biển được nhiều nước quan tâm, nhất là các nước trong khu vực. Hiện tại, tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông diễn biến phức tạp, tồn tại những nhân tố gây bất ổn, khó lường, có lúc căng thẳng. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại của Quân chủng Hải quân trên hướng biển là một bộ phận của Đối ngoại quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Quân chủng Hải quân đã và đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhằm không ngừng nâng cao thế và lực cho Quân chủng, Quân đội và đất nước. Mục tiêu của hội nhập là để phát triển, để xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Quán triệt Nghị quyết 806-NQ/QUTW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã chủ động, tích cực phát triển và mở rộng quan hệ với Hải quân các nước theo xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập, ngăn ngừa nguy cơ xung đột trên biển, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Hải quân và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, từng bước đưa Hải quân Việt Nam hòa nhập cùng Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.
Trải qua quá trình hợp tác, phát triển, Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đối ngoại quốc phòng, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, cả song phương lẫn đa phương, với tinh thần “biến sức mạnh đối ngoại thành sức mạnh vật chất cho Quân chủng”; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của Hải quân các nước, để phát triển lực lượng Hải quân Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với chủ trương hợp tác, hội nhập để phát triển, hằng năm, Quân chủng Hải quân đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế; hàng chục đoàn cấp Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, cấp cơ sở và các ngành chuyên môn kỹ thuật; hàng chục đoàn tàu quân sự, với hàng ngàn thủy thủ của các nước tới thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam; hàng chục đoàn doanh nghiệp quốc phòng, với hàng trăm lượt người nước ngoài tới thăm và làm việc; nhiều dự án với Hải quân các nước được triển khai. Quân chủng Hải quân cũng đã tổ chức cho hàng chục đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh và các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng, với hàng trăm lượt người đi thăm, làm việc, nghiên cứu, học tập, khảo sát kỹ thuật... tại nước ngoài. Thông qua các hoạt động đối ngoại, Hải quân Việt Nam đã mang thông điệp hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập đến với Hải quân các nước, làm cho Hải quân các nước ngày càng hiểu và tin cậy Việt Nam hơn. Và, Hải quân Việt Nam cũng đã tiếp thu những tri thức, khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, những kinh nghiệm tốt của Hải quân các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân.
Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác, trao đổi đoàn và thăm viếng lẫn nhau cấp Bộ Tư lệnh với Hải quân hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Ấn Độ, Nga, Ốt-xtrây-li-a, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... và là thành viên của Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương (chính thức từ năm 1994). Đặc biệt, Quân chủng đã tổ chức thành công Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN 5 tại Hà Nội (tháng 7-2011). Đây cũng là sáng kiến của Hải quân Việt Nam, nhằm tạo ra một diễn đàn chính thức được tổ chức thường niên cấp Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, để cùng nhau đánh giá, thảo luận, trao đổi, góp phần xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển (trước đó chỉ là các cuộc gặp gỡ giao lưu của Hải quân các nước ASEAN). Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN 5 với chủ đề: Hợp tác Hải quân các nước ASEAN vì hòa bình, an ninh biển, sáng kiến của Hải quân Việt Nam đưa ra là: Thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân các nước trong ASEAN; Tàu thuyền và máy bay Hải quân trong ASEAN gặp nhau trên biển, trên không đánh tín hiệu chào nhau; Giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân đã được Hội nghị đánh giá cao và ủng hộ tuyệt đối, trở thành hoạt động được triển khai tích cực trong Hải quân các nước ASEAN. Sáng kiến “Tàu thuyền và máy bay Hải quân trong ASEAN gặp nhau trên biển, trên không đánh tín hiệu chào nhau” là tiền đề tốt để Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương thông qua “Bộ quy ước ứng xử trên biển giữa tàu thuyền, máy bay Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương gặp nhau không có kế hoạch - CUES” tại Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc (tháng 4-2014). Đây là những hoạt động có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hợp tác; đồng thời, đưa ra phương hướng phối hợp hoạt động, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị và giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trên biển, duy trì và giữ vững an ninh, trật tự trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các hội nghị, phiên họp, các chuyến thăm, nhiều nội dung hợp tác đã được thực hiện tốt và thiết lập được kênh thông tin liên lạc giữa Bộ Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, góp phần giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biển, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong các nước ASEAN.
Để hiện thực hóa những điều mà lãnh đạo Hải quân đã thống nhất qua các chuyến thăm, Hải quân Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Hải quân các nước, tăng cường hoạt động phối hợp, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc phối hợp triển khai các hoạt động chung trên biển là một trong những hình thức hoạt động đối ngoại đặc thù của Hải quân, nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biển, duy trì trật tự, an ninh trên các vùng biển, cùng nhau ứng phó với các thảm họa do thiên tai gây ra. Hải quân Việt Nam đã ký thỏa thuận về tuần tra chung với Hải quân 03 nước: Trung Quốc, Thái Lan và Cam-pu-chia. Việc duy trì tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ, với Hải quân Thái Lan trên vùng biển giáp ranh và với Hải quân Cam-pu-chia trên vùng nước lịch sử, đã góp phần làm giảm thiểu các hoạt động phi pháp trên biển, tăng cường sự tin cậy và phối hợp hoạt động trong tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, duy trì và giữ vững ổn định, an ninh, an toàn trên các vùng biển của Tổ quốc. Ngoài các thỏa thuận về tuần tra chung, Hải quân Việt Nam đã ký 08 thỏa thuận hợp tác với Hải quân các nước, như: Với Xin-ga-po, về Thiết lập nhóm công tác Hải quân hai nước, Thỏa thuận về hợp tác và cứu nạn tàu ngầm, Bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến hàng hải phi quân sự. Với In-đô-nê-xi-a, về cơ chế đối thoại Hải quân song phương. Với Nga, về hợp tác trong lĩnh vực Hải quân. Với Bru-nây, về hợp tác Hải quân song phương. Với Phi-líp-pin, về hợp tác Hải quân song phương và chia sẻ thông tin, Quy chế giao lưu nhân sự trên đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông, v.v. Ngoài ra, Hải quân Việt Nam còn có cơ chế đối thoại, tham vấn Hải quân song phương hằng năm với Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, họp nhóm công tác với Hải quân Ấn Độ. Những thỏa thuận và cơ chế trên là cơ sở để Hải quân Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hải quân các nước; phối hợp ứng phó với các vấn đề về an ninh phi truyền thống, cứu hộ cứu nạn, tăng cường xây dựng và phát triển lực lượng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên hướng biển và trong khu vực.
Hoạt động đối ngoại của Quân chủng đã góp phần xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân không ngừng lớn mạnh. Qua các hoạt động đối ngoại, Hải quân Việt Nam đã triển khai hàng loạt các dự án, nhằm hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, nâng cấp vũ khí, trang bị, các cơ sở huấn luyện kỹ thuật, bảo đảm kỹ thuật; đồng thời, tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của các nước, chia sẻ được kinh nghiệm về xây dựng và phát triển lực lượng của Hải quân các nước, để xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân Việt Nam, nhất là lực lượng mới, như: không quân hải quân, tàu ngầm…; tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới qua các lớp, khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, chỉ huy tham mưu… với hàng trăm lượt cán bộ tại các nước: Nga, Ấn Độ, Xin-ga-po, Pháp, Ca-na-đa, New-di-lân, Ốt-xtrây-li-a.…, bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng kiến thức khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự của Hải quân Việt Nam.
Hoạt động tàu quân sự thăm nhau luôn được triển khai, với nhiều hình thức phong phú và hết sức có ý nghĩa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hoạt động giao lưu và triển khai các hoạt động luyện tập chung, để ứng phó với sự cố trên biển, thảm họa thiên tai, v.v. Hằng năm, Hải quân Việt Nam đón hàng chục đoàn tàu Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới đến thăm và giao lưu tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Trong các chuyến thăm, Hải quân Việt Nam đã tổ chức luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, về thông tin liên lạc và vận động đội hình với tàu Hải quân các nước: Xin-ga-po, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp…; tổ chức các hoạt động trao đổi chuyên môn về y học Hải quân, về đảm bảo sức sống tàu, khắc phục sự cố trên tàu với tàu Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài ra, Quân chủng Hải quân cũng đã cử sĩ quan trẻ, có trình độ tiếng Anh tốt, cùng với các sĩ quan trẻ của Hải quân các nước, tham gia huấn luyện đường dài trên biển với tàu Hải quân các nước, như: Nhật Bản, Ấn Độ, Xin-ga-po, Pháp. Năm 2008, Hải quân Việt Nam lần đầu tiên đưa tàu đi thăm và giao lưu với Hải quân Thái Lan. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra hướng mới trong hoạt động đối ngoại của Hải quân Việt Nam và là tiền đề để Quân chủng Hải quân tổ chức thành công các chuyến thăm, giao lưu và triển khai các hoạt động phối hợp chung, tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển với các nước: Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia. Và gần đây, là chuyến thăm thành công 03 nước: In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin của Biên đội tàu HQ-011 và HQ-012 Hải quân Việt Nam (tháng 11-2014). Ngoài ra, Hải quân Việt Nam còn tích cực tham gia hội nhập quốc tế, qua các diễn đàn, hoạt động đa phương, như: hội thảo, hội nghị quốc tế về an ninh biển, hợp tác đa phương bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn, đối phó với thảm họa thiên tai, chống cướp biển, tham gia diễn tập đa phương với tư cách quan sát viên, giao lưu giữa các học viện, nhà trường Hải quân, v.v. Đặc biệt, tháng 3-2014, Quân chủng Hải quân đã cử Tàu Bệnh viện HQ-561 tham gia hoạt động diễn tập đa quốc gia KOMODO về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại In-đô-nê-xi-a; đưa tàu và máy bay tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 của hãng Hàng không Ma-lai-xi-a bị mất tích (tháng 3-2014); cử sĩ quan tham gia nhóm chỉ huy tham mưu cùng tàu Hải quân Xin-ga-po tham gia lực lượng chống cướp biển ở Aden, v.v.
Hải quân Việt Nam đưa tàu đi thăm và tham gia các hoạt động chung trong khu vực, là bước đi sâu hơn trong tiến trình hội nhập. Việc đưa tàu Hải quân đi thăm không chỉ đòi hỏi phải có những con tàu tốt, hiện đại, đảm bảo được các yêu cầu về lễ tân đối ngoại, mà đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trên tàu phải có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ nhận thức chính trị cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, sự phối hợp nhịp nhàng và có kiến thức về truyền thống, văn hóa, lịch sử của đất nước, am hiểu văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của nước đến thăm...; nhất là, phải có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp. Thông qua các hoạt động trong chuyến thăm, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, xây dựng niềm tin về chính trị, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động với Hải quân các nước; đồng thời, nâng cao khả năng nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết về đất nước, con người của các quốc gia láng giềng biển cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Qua đó, làm cho lực lượng Hải quân hiểu nhau hơn, tăng thêm khả năng phối hợp hoạt động trên biển với Hải quân các nước, là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng ứng xử trong giao tiếp, là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam thể hiện bản lĩnh và trình độ chuyên môn trước các đồng nghiệp nước ngoài, tăng thêm khả năng hội nhập sâu hơn với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể khẳng định rằng, thông qua hoạt động đối ngoại quốc phòng, với tinh thần tích cực, chủ động Hải quân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ quý báu bằng cả vật chất và tinh thần của Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong các chuyến thăm Việt Nam, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Xin-ga-po đã tặng cho Hải quân Việt Nam vật tư, phụ tùng tàu, trị giá hàng chục triệu USD. Cũng qua hoạt động này, Hải quân Việt Nam đã giúp Hải quân Cam-pu-chia sửa chữa tàu thuyền, xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh xá, trường Hải quân và một số công trình khác, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Hải quân hai nước.
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân chủng tiến lên “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đang trở nên nặng nề, khẩn trương hơn bao giờ hết. Điều đó, càng đòi hỏi Quân chủng Hải quân tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Đồng thời, tích cực, chủ động phát huy các cơ chế hợp tác đã có, triển khai sâu rộng và có hiệu quả các hoạt động đối ngoại; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung, xây dựng và phát triển cơ chế hợp tác mới, tích cực hội nhập, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại trên hướng biển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng các vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc./.
Chuẩn Đô đốc, ThS. NGUYỄN VĂN NINH
Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng