QPTD -Chủ Nhật, 11/03/2012, 15:41 (GMT+7)
Hải Dương nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý công tác quốc phòng, quân sự địa phương
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là "phên giậu" phía Đông của Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, Hải Dương giữ vị trí quan trọng trong thế phòng thủ chung của Quân khu 3 và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân trong Tỉnh thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối, các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Đại hội XI và tình hình mọi mặt của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh đã có nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tổ chức, động viên mọi lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương. Nhờ đó, đã đạt được kết quả khá toàn diện, vững chắc; nổi bật là về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện; nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng vũ trang (LLVT). Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân được quan tâm xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tạo cơ  sở để vận hành tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo; chính quyền quản lý, điều hành; các ban, ngành làm tham mưu, cơ quan quân sự, công an là trung tâm phối hợp, hiệp đồng trong công tác QP-AN. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng làm tốt công tác tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, công tác QP,QS và an ninh thời gian qua cũng còn một số hạn chế, trong đó, có cả những hạn chế về nhận thức, tư tưởng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

  Với những thành tích xuất sắc trong công tác (giai đoạn 2006 - 2011), LLVT Hải Dương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Đây là phần thưởng cao quý, thiết thực chào mừng Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của LLVT Tỉnh (27-3-1947 - 27-3-2012) và là niềm vinh dự, nguồn động viên lớn để quân và dân Hải Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Trên địa bàn Tỉnh, tuy tổng thể là ổn định, nhưng sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình" tiếp tục diễn ra trên tất cả các mặt, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; hoạt động của các loại tội phạm, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số địa phương,... nếu không xử lý tốt sẽ tác động xấu tới an ninh, ổn định của Tỉnh. Mặt khác, Tỉnh đang phát triển mạnh theo hướng CNH,HĐH, đô thị hóa nhanh. Điều này tạo ra những điều kiện rất cơ bản, nền tảng để Hải Dương xây dựng thành Tỉnh công nghiệp vào năm 2020; nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác QP,QS địa phương, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nghiên cứu, giải quyết. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xác định: cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý công tác QP,QS địa phương; trong đó, tập trung vào những nội dung chính sau: 

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu 3 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ QP,QS địa phương. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thể chế hóa thành các chủ trương, mục tiêu, giải pháp sát với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của địa phương; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền QPTD vững mạnh. Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của công tác QP,QS địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ QP,QS liên quan tới mọi lĩnh vực và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, nên trong tổ chức thực hiện cần giữ vững nguyên tắc, phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là vai trò trung tâm phối hợp, hiệp đồng của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú ý lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác QP,QS, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Trong tình hình hiện nay, cần coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, củng cố "thế trận lòng dân", khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh (QP-AN), QP-AN với kinh tế, nhất là trong tổ chức xây dựng và hoạt động KVPT Tỉnh. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú ý xây dựng quy hoạch tổng thể, gắn quy hoạch các ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, KVPT vững chắc..., đảm bảo mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN trên địa bàn. Khi triển khai các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn, cần phải có sự thẩm định của cơ quan quân sự, công an về QP-AN theo quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng; tổ chức rà soát, đăng ký và xây dựng kế hoạch dự trữ cơ sở vật chất cho giai đoạn đầu chiến tranh; kế hoạch động viên quốc phòng đối với các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp, nhất là với các ngành có tính lưỡng dụng cao, như Giao thông vận tải, Bưu chính - Viễn thông, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, các nhà máy chế tạo máy móc, chế biến lương thực, nông, lâm, thủy sản,...; đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác QP,QS; sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, khi có tình huống chiến tranh. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN; qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức và thực hiện đúng theo nhiệm vụ, chức trách được giao, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong các giải pháp chủ yếu để xây dựng tiềm lực quốc phòng của địa phương nói riêng, của đất nước nói chung; đồng thời,  cũng là sự kế thừa và phát triển quan điểm "Dựng nước đi đôi với giữ nước" của dân tộc trong điều kiện mới.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng KVPT về chiều sâu, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực, thế trận KVPT, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đã xác định trong Đề án. Hải Dương nằm ở tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phát triển,... nên trong xây dựng thế trận KVPT, các địa phương cần chú ý phát huy lợi thế, tập trung xây dựng KVPT huyện, địa bàn các xã vững chắc, đảm bảo "xã giữ được xã, huyện giữ được huyện", tạo cơ sở xây dựng KVPT tỉnh "cơ bản, liên hoàn, vững chắc". Trong điều kiện ngân sách trên cấp còn hạn hẹp, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư ngân sách để cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật,... Cơ quan quân sự, công an các cấp cần chủ động phát huy vai trò nòng cốt phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương tác tác chiến; tổ chức diễn tập KVPT. Trong luyện tập, diễn tập, chú trọng thuần thục các nội dung chuyển LLVT vào các trạng thái SSCĐ; chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; động viên quốc phòng, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; phòng chống lụt, bão, cháy nổ, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn,... Từ nay tới 2015, Tỉnh phấn đấu tổ chức diễn tập KVPT Tỉnh; 12 huyện (thành phố, thị xã), 100% xã (phường, thị trấn) diễn tập chiến đấu - trị an. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương.

Bốn là, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ QP,QS địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chủ trương, biện pháp phù hợp đổi mới công tác huấn luyện, SSCĐ, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, cải tiến công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật để nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, công an; xây dựng lực lượng thường trực tinh nhuệ, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ "vững mạnh, rộng khắp"; đáp ứng yêu cầu phòng thủ bảo vệ địa phương trong thời bình và sẵn sàng động viên, mở rộng lực lượng khi có chiến tranh. Đồng thời, các cấp, các ngành cần chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Năm là, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN. Đây là vấn đề then chốt quyết định đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương. Trong quá trình công tác, cấp ủy, chính quyền các cấp cần giữ vững nguyên tắc, tuân thủ quy định của pháp luật; coi trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở; kịp thời tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, sức chiến đấu, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  

Thực hiện đồng bộ những nội dung, giải pháp trên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Dương nhất định sẽ phát huy truyền thống quê hương cách mạng, LLVT Anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ QP,QS, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.

BÙI THANH QUYẾN

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.