QPTD -Thứ Năm, 15/03/2018, 09:06 (GMT+7)
Hà Nam tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên từng khu vực, địa bàn và cả nước là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đối với Hà Nam - địa bàn có vị trí chiến lược cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, Tỉnh hết sức chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Trong đó, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn được các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân chăm lo, đạt kết quả quan trọng. Nổi bật là, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ quốc phòng từng bước được nâng lên; “thế trận lòng dân” thường xuyên được giữ vững, tăng cường, tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của Tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra1; việc xây dựng hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang có chuyển biến tích cực; tình hình an ninh - chính trị ổn định; trật tự, kỷ cương xã hội được giữ vững; công tác chính sách xã hội, hậu phương quân đội được quan tâm2; diện mạo đô thị và đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc. Tiềm lực, lực lượng và thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng được củng cố vững chắc; chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang tặng quà lực lượng tự vệ ngành Y tế tham gia diễn tập Phòng không nhân dân Tỉnh năm 2016

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí cả với một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự có mặt còn hạn chế; năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương của cơ quan quân sự cấp huyện trong xây dựng, quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và quy hoạch, kế hoạch xây dựng công trình quân sự khu vực phòng thủ có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc xây dựng các nguồn lực và cơ chế huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, nhất là khi có tình huống xảy ra còn bất cập. Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chủ trương: tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng tăng cường các nguồn lực cho quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc,… tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái; sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữ vững ổn định về chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quá trình thực hiện bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tiềm lực quốc phòng, trước hết là tiềm lực kinh tế và chính trị - tinh thần. Đây là nội dung quan trọng, tạo cơ sở nền tảng để tăng cường sức mạnh quốc phòng địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng ngay trong thời bình và sẵn sàng huy động trở thành thực lực quốc phòng khi chiến tranh. Để làm được điều đó, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm địa bàn, Tỉnh chủ trương: tích cực tận dụng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong Tỉnh. Trong đó, Tỉnh chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu, mũi nhọn (công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp vật liệu xây dựng,…) làm động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, cả trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, điều chỉnh thế bố trí dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các khu, cụm công nghiệp, hệ thống giao thông vận tải, đô thị, bưu chính viễn thông, nông thôn mới,… bảo đảm tính lưỡng dụng, sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong thời bình, sẵn sàng chuyển sang thời chiến. Thực hiện phương châm: mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh và ngược lại, vững mạnh về quốc phòng - an ninh sẽ là một đảm bảo quan trọng để giữ môi trường ổn định, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh, bền vững. Về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Coi trọng lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là tổ chức đảng, chỉ huy trong lực lượng vũ trang vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao; quản lý, điều hành hoạt động quốc phòng, quân sự một cách hiệu quả. Phát huy vai trò của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp trong giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ bối cảnh quốc tế, khu vực, tình hình đất nước, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch,... quan điểm, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng; nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, v.v. Trên cơ sở đó, khơi dậy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần tích cực, tự giác tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và toàn dân trong Tỉnh. Đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thường xuyên quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tích cực chăm lo xây dựng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề mấu chốt của tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần là xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, nhân dân sẵn sàng cống hiến sức người, sức của cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh kiểm tra bắn đạn thật đối với lực lượng dân quân
tự vệ thành phố Phủ Lý năm 2017

Hai là, xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt quan điểm, tư duy mới của Đảng về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, Tỉnh thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng lực lượng quốc phòng, trọng tâm là xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với lực lượng thường trực, Tỉnh tập trung xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên bảo đảm đúng, đủ chỉ tiêu trên giao, phù hợp với khả năng, đặc điểm của địa phương. Thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra quân số dự bị động viên, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế để sẵn sàng động viên thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” theo Luật Dân quân tự vệ và Đề án “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ giai đoạn 2016 - 2020” của Tỉnh, bảo đảm yêu cầu có số lượng, tổ chức trang bị, quy mô phù hợp; trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng dân quân cơ động, dân quân tự vệ binh chủng. Cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo, thành lập ban chỉ huy quân sự và lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống ngay từ cơ sở. Cùng với đó, Đảng ủy Quân sự Tỉnh đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết chuyên đề 580-NQ/ĐU, ngày 10-4-2014 của Đảng ủy Quân sự Tỉnh về đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện cho các đối tượng. Tập trung huấn luyện làm chủ các loại vũ khí, trang bị trong biên chế, nhất là vũ khí mới sát với tình huống, phương án tác chiến phòng thủ, bảo vệ địa bàn, địa phương, làm cơ sở để vận dụng vào diễn tập khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, tỉnh; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, phường, thị trấn theo Đề án 27 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về “Diễn tập khu vực phòng thủ các cấp giai đoạn 2016 - 2020”; diễn tập phòng không; phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn,… nhằm nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân trong từng khu vực, địa bàn. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, phương án tác chiến của từng địa phương. Trong đó, việc xây dựng thế trận quốc phòng phải bảo đảm linh hoạt, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa thế trận lực lượng tại chỗ với thế phòng thủ của Quân khu và thế trận của các đơn vị chủ lực của Bộ đứng chân trên địa bàn. Thế trận đó phải đáp ứng yêu cầu vừa rộng khắp, vừa hướng vào khu vực, mục tiêu chủ yếu, địa bàn chiến lược quan trọng. Thời gian tới, cùng với thực hiện có hiệu quả Đề án về đẩy mạnh công tác quốc phòng, quân sự địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành chức năng triển khai xây dựng một số công trình quân sự trong khu vực phòng thủ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa làm mới với tu bổ, nâng cấp những hang động, công trình có sẵn trên địa bàn thành hệ thống liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu; trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình thiết yếu, quan trọng trước, các công trình còn lại sẽ từng bước thực hiện theo kế hoạch. Thường xuyên coi trọng phát huy vai trò tham mưu của Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân, Hội đồng cung cấp,… giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ngay từ khâu ra nghị quyết, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đến tổng kết rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ các công trình. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng các công trình có tính lưỡng dụng cao, vừa đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, vừa nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, theo quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng.

Thực hiện tốt những nội dung trên, chính là hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng vào thực tiễn của địa phương, góp phần xây dựng Tỉnh ổn định về an ninh - chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN ĐÌNH KHANG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
______________

1 - Tổng sản phẩm năm 2017 tăng 10,84%, thu ngân sách tăng 31% so với năm 2016.

2 - Năm 2017, Tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 100 Nhà tình nghĩa, khám và cấp thuốc miễn phí cho 1.326 đối tượng chính sách với trị giá trên 8 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.