QPTD -Thứ Năm, 03/03/2011, 16:25 (GMT+7)
Hà Nam tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng

         Quản lý nhà nước về quốc phòng là một trong những nội dung quan trọng được xác định trong Luật Quốc phòng. Ý thức rõ điều đó, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam thường xuyên coi trọng chỉ đạo thực hiện công tác này, qua đó góp phần bảo đảm cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP, QS) địa phương đạt hiệu quả thiết thực, đúng quy định của pháp luật.

alt
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP thăm, kiểm tra
công trình quốc phòng tại tỉnh Hà Nam (năm 2010)

Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của Đảng vào tình hình thực tiễn của địa phương, những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đồng thời quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN), trong đó có công tác quản lý nhà nước về quốc phòng và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Về kinh tế, Tỉnh có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân (2005-2010) đạt trên 13%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 16,43 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2003), thu ngân sách tăng hơn 3 lần so với năm 2005. Kết cấu hạ tầng KT-XH của Tỉnh được quan tâm đầu tư, tạo bước phát triển bền vững. Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được nhiều thành tích quan trọng, ngành Giáo dục giữ vững vị trí trong tốp 10 tỉnh đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ đại học, cao đẳng và tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải quốc gia. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên... Công tác QP-AN được triển khai toàn diện, đặt biệt, công tác quản lý nhà nước về quốc phòng thường xuyên được coi trọng ở tất cả các cấp. Điều đáng chú ý ở Hà Nam là, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể chủ động và tích cực tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với công tác QP, QS địa phương. Nhờ đó, nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tiềm lực QP-AN được tăng cường, khu vực phòng thủ (KVPT) Tỉnh, huyện được xây dựng về chiều sâu, ngày càng vững chắc; chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng vũ trang (LLVT) được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi để KT-XH của Tỉnh phát triển.

alt
Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Chủ nhiệm TCCT thăm, động viên
thanh niên thành phố Phủ Lý lên đường nhập ngũ

Bám sát các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản của Đảng, Nhà nước về QP-AN, trong phạm vi, quyền hạn của mình, hằng năm, HĐND Tỉnh quyết định thu, chi ngân sách bảo đảm cho hoạt động quốc phòng ở địa phương; đồng thời, giám sát UBND các cấp và các cơ quan nhà nước ở địa phương trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng. Theo đó, UBND Tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng tại địa phương, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật.

UBND Tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng một cách toàn diện, chặt chẽ, trước hết, tập trung quản lý đối với công tác giáo dục QP-AN, coi đây là một nội dung quan trọng hàng đầu, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác QP-AN, tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QP, QS ở địa phương. Gắn liền với công tác chỉ đạo, UBND Tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ các địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, quân đội và của Tỉnh về công tác giáo dục QP-AN, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới” và Nghị định 116/2007/NĐ-CP ngày 10-7-2007 của Chính phủ về giáo dục QP-AN. Đồng thời, tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, bảo đảm về số lượng, chất lượng, thành phần; xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác sát với đặc điểm, tình hình địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho từng giai đoạn (nhiệm kỳ) và từng năm, bảo đảm đúng và sát đối tượng. Cùng với đó, UBND các cấp tăng cường quản lý việc thực hiện các văn bản, chỉ thị đã ban hành trong công tác này, nhất là về đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục QP-AN phù hợp với từng đối tượng. Nhờ vậy, công tác giáo dục QP-AN của Tỉnh được triển khai chặt chẽ, nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là Hội đồng giáo dục QP-AN và cơ quan thường trực của Hội đồng (cơ quan quân sự). Đến nay, Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức được 248 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 45.844 đồng chí cán bộ, đảng viên (đối tượng 2,3,4,5); khảo sát, tuyên truyền vận động, xây dựng kế hoạch, mở 6 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 500/733 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo; giáo dục QP-AN cho 279.544 lượt học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ 99,9%, trong đó, tỷ lệ khá, giỏi đạt gần 80%. Qua đó, đã nâng cao một bước nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh về quan điểm, đường lối QP, QS của Đảng; ý thức cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời, nhận rõ trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt công tác QP, QS  ở địa phương.

alt

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Tỉnh thăm và tặng quà
các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh xã Quân-dân y của Tỉnh
Quán triệt quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược, Hà Nam đã và đang đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận QPTD, xây dựng KVPT tỉnh, huyện ngày càng vững chắc. Trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay, cũng như các địa phương trên cả nước, nền kinh tế của Tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển nhanh, song, bên cạnh đó cũng xuất hiện những yêu cầu mới, với thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về quốc phòng,  nhất là trong quản lý, thẩm định các dự án, công trình trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài, trong kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN, trong quản lý đất quốc phòng trên địa bàn... Nhận thức rõ đặc điểm đó, UBND Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nhà nước về QP-AN phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình triển khai kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, QP-AN với kinh tế, Tỉnh coi trọng quản lý ngay từ việc thực hiện chủ trương, định hướng, quy hoạch tổng thể, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, UBND Tỉnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan chức năng của Tỉnh thẩm định kỹ các dự án phát triển KT-XH, nhằm đạt cả mục tiêu phát triển KT-XH và mục tiêu tăng cường QP-AN trên địa bàn Tỉnh. Chủ trương của Tỉnh là việc kết hợp trên phải đảm bảo được yêu cầu: mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất-kỹ thuật KVPT và thế trận QPTD trên địa bàn, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP, QS địa phương trong thời bình và sẵn sàng bảo đảm nhu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân BVTQ (nếu xảy ra). Căn cứ vào mệnh lệnh của Quân khu và thực tế địa phương, hằng năm, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp, các ngành xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các văn kiện, kế hoạch tác chiến phòng thủ, kế hoạch phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, kế hoạch phòng, chống khủng bố... Bên cạnh đó, Tỉnh coi trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn ngân sách của trên, kết hợp với huy động nguồn ngân sách địa phương bảo đảm cho nhiệm vụ QP, QS, nhất là trong hoạt động quốc phòng ở cơ sở và đầu tư xây dựng, củng cố các khu căn cứ hậu phương, các cụm kho của Tỉnh, huyện, các trạm sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, tu sửa và xây dựng mới các công trình quốc phòng trong KVPT, đảm bảo nhu cầu hoạt động thực hiện nhiệm vụ QP-AN của LLVT trong thời bình và thời chiến. Đáng chú ý là, những năm qua, Hà Nam chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm phát triển KT-XH gắn với tăng cường, củng cố QP-AN trên địa bàn, nhất là Đề án: Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng vùng kinh tế mới Lê Chân, huyện Kim Bảng, đã được UBND Tỉnh phê duyệt.

alt
Đồng chí Nguyễn Như Lâm, Phó Chủ tịch Tỉnh
kiểm tra công tác chuẩn bị học cụ huấn luyện của LLVT Tỉnh
Gắn liền với công tác chỉ đạo, UBND Tỉnh đã phát huy vai trò của cơ quan quân sự trong công tác quản lý việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở các địa phương, các sở, ban, ngành trong Tỉnh. Trong đó, nhờ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra những chủ trương, biện pháp sát đúng trong thực hiện công tác QP, QS. Trong 5 năm qua, Tỉnh đã chỉ đạo tiến hành 384 cuộc kiểm tra, 9 cuộc thanh tra về thực hiện công tác QP, QS đối với các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn Tỉnh. Công tác huấn luyện, diễn tập KVPT cũng được chỉ đạo, quản lý chặt chẽ. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, ban, ngành làm tham mưu theo chức năng; cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng và phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện; chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất LLVT thuộc quyền không ngừng được hoàn thiện, vận hành tốt. Thực hiện Nghị định 152 của Chính phủ về xây dựng KVPT và căn cứ vào chỉ tiêu Quân khu giao, Tỉnh phấn đấu hằng năm, tổ chức diễn tập KVPT cho 2 huyện (thành phố) và diễn tập tác chiến-trị an cho 25% số xã (phường, thị trấn) của Tỉnh, đạt hiệu quả thiết thực. Trong diễn tập KVPT, Tỉnh chú trọng phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực vận hành cơ chế của các cấp, các ngành, các lực lượng; qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề mới để xác định các giải pháp phù hợp, nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý QP-AN.

Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương cũng là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở Hà Nam. Theo đó, Tỉnh tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của HĐND, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của UBND các cấp trong xây dựng lực lượng quân sự, công an vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ ngày càng cao. Trong quá trình chỉ đạo, quản lý, Tỉnh coi trọng cả tổ chức xây dựng và hoạt động của LLVT, nhất là sự phối hợp hoạt động giữa quân sự và công an theo Quyết định 107/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ) bảo đảm gắn bó và hiệu quả. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung xây dựng các tổ chức đảng, đảng bộ quân sự, công an trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt có phẩm chất và năng lực toàn diện; gắn xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan quân sự, công an vững mạnh toàn diện. Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBDV) được chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, thực hiện theo Luật DQTV và Pháp lệnh về lực lượng DBDV, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao. Đối với lực lượng DBDV, Tỉnh coi trọng thực hiện tốt từ công tác tạo nguồn, đăng ký, quản lý đến sắp xếp nguồn vào các đơn vị theo biên chế (đạt 98,4% chỉ tiêu). Tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng huấn luyện, chất lượng chuyên nghiệp quân sự, tổ chức động viên, kiểm tra SSCĐ, diễn tập theo đúng quy định. Đối với lực lượng DQTV, Tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý, xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” phù hợp với các loại hình cơ sở; chú trọng tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình điểm DQTV; khảo sát, chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, bảo đảm số lượng hợp lý, đúng Luật. Cùng với đó, cơ quan quân sự còn chủ trì phối hợp, tham mưu cho UBND Tỉnh trong chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện các đề án đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (phường, thị trấn).

Với những chủ trương, giải pháp đồng bộ đó, công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở Hà Nam đã và đang được tăng cường, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ trong thời kỳ mới.

MAI TIẾN DŨNG

Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Chủ tịch UBND Tỉnh


 

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.