QPTD -Thứ Hai, 22/05/2023, 08:29 (GMT+7)
Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Là tỉnh miền núi, biên giới và nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng của Quân khu 2 và miền Bắc. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trong đó, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh vững chắc là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Trong những năm qua, với các giải pháp khoa học, phù hợp, các tiềm lực nói chung, tiềm lực quốc phòng của Hà Giang nói riêng được xây dựng khá vững chắc. Điều đó được thể hiện ở nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực; niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh luôn ổn định; kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ từng bước phát triển1; Khu kinh tế - quốc phòng 313 được xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được gắn kết chặt chẽ; lực lượng vũ trang Tỉnh được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh2; các công trình quân sự được xây dựng cơ bản, kết hợp với việc điều chỉnh thế bố trí lực lượng, tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ chung của Tỉnh, v.v.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ chưa thật đầy đủ, sâu sắc; nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình quân sự theo quy hoạch còn hạn chế. Việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh có nội dung chưa đạt yêu cầu; công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, v.v.

Thời gian tới, để giữ ổn định địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng khu vực phòng thủ. Theo đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nòng cốt là Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, về xây dựng khu vực phòng thủ3, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ các cấp và vai trò thường trực của cơ quan quân sự.

Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh rà soát các văn bản hướng dẫn của cấp trên, phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân khu, các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ, bảo đảm sát với đặc điểm và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, quý, năm tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những sai sót, khuyết điểm và tháo gỡ vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiền đề xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch,…. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung khai thác thế mạnh của từng vùng, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ. Theo đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu; khai thác và chế biến khoảng sản; chế biến nông, lâm sản; dịch vụ du lịch, v.v. Cùng với đó, tích cực triển khai công tác lập quy hoạch Tỉnh, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, chú trọng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch của một số dự án cho phù hợp; thiết lập vùng chè tập trung gắn với đầu tư các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu tại các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình; quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm,…; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm thân thiện hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường.

Từ những thành tựu đạt được về kinh tế, Tỉnh chủ trương đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ; trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, trước mắt phục vụ nhu cầu dân sinh, sau là phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, như: giao thông, giáo dục, y tế, viễn thông, v.v. Bên cạnh đó, coi trọng việc giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ. Đây là giải pháp cơ bản, nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ. Vì vậy, Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có số lượng hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, xây dựng lực lượng thường trực theo biểu tổ chức, biên chế mới, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh”; lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”; dự bị động viên “hùng hậu, chất lượng cao”; lực lượng Công an có số lượng phù hợp, chất lượng tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, là lực lượng nòng cốt giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Bộ đội Biên phòng vững mạnh về mọi mặt, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Tỉnh hết sức coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; trọng tâm là chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào các dân tộc Hà Giang trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang; tổ chức các cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ, sát với đặc điểm địa bàn rừng núi, nhiệm vụ và khả năng, sở trường của từng đơn vị, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng hiệp đồng của các đơn vị. Các lực lượng thường xuyên nắm và dự báo chính xác tình hình an ninh chính trị, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quân sự, quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đảm bảo việc xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Bốn là, hoàn chỉnh quy hoạch và xây dựng các công trình quân sự trong khu vực phòng thủ vững chắc, có chiều sâu. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “bảo đảm quốc phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; rà soát, điều chỉnh và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất gắn với lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu hoàn thành quy hoạch xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, từ đó tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo xây dựng các công trình quân sự trong khu vực phòng thủ theo hướng “cơ bản, vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu”, phù hợp đặc điểm địa bàn và thế bố trí lực lượng vũ trang; ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, cấp thiết và mang tính lưỡng dụng, như: căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy cơ bản, cụm điểm tựa phòng ngự, đường cơ động, v.v. Tiếp tục cải tạo, sửa chữa các hang động tự nhiên trở thành căn cứ hậu phương, kho hậu cần, kỹ thuật; quản lý chặt chẽ hệ thống công trình chiến đấu, các hang động tự nhiên, cải tạo, sửa chữa, đảm bảo các công trình luôn trong trạng thái ổn định, sẵn sàng huy động phục vụ cho các tình huống về quốc phòng, an ninh khi có tình huống.

NGUYỄN VĂN SƠN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
__________________

1 - Năm 2022, tổng sản phẩm ước đạt 7,8%; giá trị sản phẩm bình quân đầu người khoảng 34 triệu đồng; thu ngân đạt 132,7% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh khoảng 13.790 tỉ đồng (tăng 18,5% so với năm 2021).

2 - Năm 2022, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ; triển khai củng cố 280/280 cơ sở dân quân tự vệ; đăng ký, quản lý 100% số quân nhân dự bị, trong đó đủ điều kiện động viên đạt 99,45%, v.v.

3 - Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Thông tư số 41/2020/TT-BQP, ngày 31/3/2020 của Bộ Quốc phòng về quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.