QPTD -Thứ Hai, 25/03/2013, 10:43 (GMT+7)
Gia Lai đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đối với Gia Lai, đây là nhiệm vụ trọng yếu, được Tỉnh thường xuyên coi trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

         

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân (QPTD) của Đảng và trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, những năm qua, Gia Lai đã chủ động xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND), thế trận biên phòng toàn dân theo hướng: thiết thực, hiệu quả, sát với đặc điểm địa bàn và khả năng thực tế của địa phương, đạt được kết quả tương đối toàn diện. Nổi bật là, công tác giáo dục quốc phòng – an ninh (QP-AN) cho toàn dân ngày càng nền nếp, hiệu quả; tổ chức xây dựng các tiềm lực khu vực phòng thủ có sự phát triển về chiều sâu; việc bố trí lực lượng, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch tác chiến của các lực lượng ở tất cả các cấp được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương được nâng lên một bước mới… Qua đó, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững.

Giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng trongDiễn tập KVPT Tỉnh (năm 2012)

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tình hình QP-AN trên địa bàn Tỉnh cũng có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để móc nối, kích động biểu tình, chống đối chính quyền, phá hoại sản xuất và cuộc sống yên bình của nhân dân. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về QP-AN nói chung, xây dựng thế trận QPTD nói riêng còn hạn chế; năng lực của hệ thống chính trị ở một số cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới còn bất cập. Hơn nữa, quá trình phát triển KT-XH trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng đặt ra yêu cầu mới đối với nhiệm vụ QP-AN của Tỉnh và tác động trực tiếp đến việc xây dựng thế trận QPTD trên địa bàn. Từ đặc điểm tình hình trên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và LLVT trong Tỉnh xác định: phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động xây dựng thế trận QPTD vững chắc ở từng khu vực và trên toàn địa bàn; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhận thức: thế trận QPTD trên địa bàn Tỉnh chỉ có thể vững chắc trên nền tảng từng cơ sở vững mạnh. Do đó, Tỉnh đặc biệt coi trọng xây dựng cơ sở; trong đó, việc tập trung củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QP-AN nói chung, thế trận QPTD nói riêng là vấn đề then chốt. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thiết thực, việc củng cố, xây dựng hệ thống này vừa phải tuân thủ những nguyên tắc chung, vừa có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn và khả năng thực tế của từng địa phương, cơ sở. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo LLVT địa phương, nhất là cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình thực tiễn, nhất là thực trạng các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, thấy rõ khâu yếu, mặt yếu để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp củng cố, xây dựng kịp thời. Trong đó, trọng tâm là củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy cơ sở, nhất là ở cấp chi bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” theo hướng: làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm chất lượng, không chạy theo phong trào. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp; tích cực bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, nâng tỷ lệ lãnh đạo ở các cơ sở, xóa tình trạng thôn, làng “trắng” đảng viên. Bên cạnh đó, căn cứ vào đặc điểm địa bàn và nguồn cán bộ hiện có, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kết hợp chặt chẽ công tác tuyển quân với quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng phát huy dân chủ, bảo đảm khách quan, chất lượng nhằm lựa chọn những đồng chí ưu tú (ưu tiên người địa phương) để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao ở cơ sở. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hướng về cơ sở, nhất là tăng cường công tác giáo dục QP-AN cho đội ngũ cán bộ xã (phường, thị trấn) và các thôn, làng; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng nhằm nâng cao khả năng giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đến nay, toàn Tỉnh có 55% xã (phường, thị trấn) vững mạnh toàn diện và vững mạnh về QP-AN; 100% thôn, làng có đảng viên; 100% xã, phường, thị trấn có Đảng ủy thành lập chi bộ quân sự, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững chắc.

Hai là, đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng thế trận QPTD vững chắc. Đây là hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Có phát triển kinh tế mới tạo được nền tảng vật chất kỹ thuật cho xây dựng thế trận; có thế trận vững chắc mới tạo được môi trường ổn định để phát triển kinh tế bền vững. Do đó, Tỉnh hết sức coi trọng sự kết hợp này. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN trên địa bàn Tây Nguyên, Tỉnh tập trung đầu tư phát triển KT-XH cả về bề rộng và chiều sâu; trọng tâm là phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và thương mại, dịch vụ. Trong đó, Tỉnh chủ trương phát triển nông – lâm nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, kết hợp giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung phát triển, hiện đại hóa các ngành công nghiệp có lợi thế, như: công nghiệp chế biến, năng lượng và khai khoáng; tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghiệp: Trà Đa, Lệ Thanh – Đức Cơ, thị xã An Khê… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành các vùng chuyên canh về cao su, hồ tiêu, cà phê và rừng nguyên liệu. Bên cạnh đó, Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, lưỡng dụng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, y tế, thông tin liên lạc… Trước mắt, tập trung quy hoạch Thành phố Plây-cu và các thị xã: An Khê, Ayun Pa; nâng cấp các tuyến quốc lộ (14, 19), các tuyến tỉnh lộ và hệ thống đường giao thông đến các xã, thôn, làng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới bảo đảm đi lại được trong các mùa (nhất là về mùa mưa). Về lâu dài, Tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không; trong đó, tập trung vào các tuyến đường bộ huyết mạch, cảng hàng không Plây-cu và hệ thống đường tuần tra biên giới… Các công trình này, khi thực hiện sẽ được thẩm định kỹ về QP-AN, bảo đảm vừa phục vụ phát triển KT-XH và đời sống dân sinh, vừa đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong xây dựng thế trận phòng thủ và khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, Tỉnh coi trọng việc quy hoạch thế trận quân sự của khu vực phòng thủ; quy hoạch, điều chỉnh dân cư, đưa nhân dân ra sát biên giới; phối hợp với Binh đoàn 15 và các doanh nghiệp khác, tạo việc làm và thu nhập cho người dân gắn với xây dựng các khu dân cư mới, tạo lực lượng tại chỗ và thế trận phòng thủ rộng khắp, vững chắc trên địa bàn.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của LLVT địa phương trong xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND. Để xây dựng thế trận đạt được mục tiêu, yêu cầu đã xác định, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; trong đó, LLVT địa phương đóng vai trò nòng cốt. Muốn vậy, LLVT phải vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền và trong tổ chức triển khai thực hiện. Thấu suốt quan điểm đó, những năm qua, Gia Lai tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương. Trước hết, Tỉnh tập trung chấn chỉnh tổ chức, biên chế LLVT bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa các lực lượng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với lực lượng thường trực, Tỉnh tập trung xây dựng theo hướng: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ làm then chốt, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện làm trọng tâm; trong đó, chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI), nâng cao năng lực làm tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng của cơ quan quân sự các cấp.

Đối với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh thực hiện tốt việc tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện và sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị theo quy định, bảo đảm tỷ lệ đúng và gần đúng về chuyên nghiệp quân sự ngày càng cao, sẵn sàng động viên khi có tình huống xảy ra. Lực lượng dân quân, tự vệ của Tỉnh được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” theo đúng Luật Dân quân tự vệ; thường xuyên được rà soát, bổ sung đủ số lượng đã xác định, bảo đảm cơ cấu cân đối giữa lực lượng cơ động, thường trực và lực lượng rộng rãi; đồng thời, nâng cao chất lượng tổng hợp, độ tin cậy về chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn.

Cùng với đó, Tỉnh coi trọng việc khảo sát địa bàn, xây dựng quy hoạch các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ; thường xuyên rà soát bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, cháy rừng; tăng cường công tác luyện tập, diễn tập khu vực phòng thủ huyện (thành phố) và diễn tập tác chiến trị an các xã (phường, thị trấn) theo hướng chất lượng, thiết thực, tiết kiệm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Phấn đấu hằng năm, công tác huấn luyện cho các đối tượng phải bảo đảm nội dung, thời gian theo quy định, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% đạt khá và giỏi; có 4 huyện (thành phố) và 25% xã (phường, thị trấn) tham gia diễn tập theo các phương án, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ địa phương, cơ sở trong mọi tình huống.

 

Đại tá DƯƠNG VĂN TRANG

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.