QPTD -Thứ Năm, 29/07/2021, 08:42 (GMT+7)
Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược và khu vực phòng thủ

Huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược và khu vực phòng thủ là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược, cũng như chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, toàn quân cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quan trọng này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trước sự phát triển và yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, cùng với đẩy mạnh chấn chỉnh tổ chức biên chế, tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nổi bật là, cơ quan chức năng thường xuyên nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; xác định rõ đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phân tích, dự báo các tình huống, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Lãnh đạo chặt chẽ, kiên quyết và có bước đi phù hợp trong việc điều chỉnh chiến lược; bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến; tổ chức bố trí lực lượng trên hướng chiến lược và tăng cường tổ chức phòng thủ trên các hướng, địa bàn, khu vực trọng điểm.

Các cơ quan, đơn vị duy trì thực hiện nghiêm Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tăng cường tổ chức và thực hành huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo các phương án trong quyết tâm, kế hoạch tác chiến đã được phê duyệt. Tổ chức tập huấn chỉ huy, tham mưu chiến dịch, chiến lược toàn quân cho cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành, địa phương và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, đã tổ chức thành công các cuộc diễn tập: chỉ huy - tham mưu một bên, hai cấp trên bản đồ có thực binh huy động nhân lực, tàu, thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân; phòng, chống dịch Covid-19; diễn tập chỉ huy - tham mưu một bên, hai cấp trên bản đồ, có một phần thực binh cho lực lượng chuyên trách chống khủng bố, tác chiến không gian mạng; diễn tập “Thiết quân luật, giới nghiêm” cấp huyện, v.v. Qua đó, nâng cao năng lực tư duy và khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của chỉ huy và cơ quan chiến dịch, chiến lược góp phần củng cố, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch tác chiến trên từng địa bàn, hướng chiến lược và phạm vi cả nước.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới cao hơn trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi toàn quân phải triển khai quyết liệt, toàn diện các nội dung, biện pháp; trong đó, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược và khu vực phòng thủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước hết, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, nhất là Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh số 917/CL-TM, ngày 04/12/2020 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về công tác quân sự, quốc phòng năm 2021; Hướng dẫn số 8433/HD-TC, ngày 08/12/2020 của Cục trưởng Cục Tác chiến, về thực hiện nhiệm vụ công tác tham mưu, tác chiến năm 2021. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị đối với công tác huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược, diễn tập tác chiến phòng thủ. Xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên trong thời bình, cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Để đạt hiệu quả, quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị chú trọng gắn công tác giáo dục, quán triệt với duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp sẵn sàng chiến đấu, tăng cường huấn luyện, luyện tập theo các phương án đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, tạo động lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng công tác kế hoạch, quản lý, điều hành huấn luyện chiến dịch, chiến lược, đảm bảo đồng bộ với kế hoạch sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Kế hoạch là công cụ để tổ chức, chỉ huy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong triển khai thực hiện. Trong kế hoạch xác định rõ phương hướng, nội dung, thời gian, phương pháp, biện pháp để các cấp, các ngành, các lực lượng tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Theo đó, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của trên, cơ quan tham mưu các cấp cần nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính trị, hậu cần, kỹ thuật cùng cấp để triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu thực tiễn huấn luyện của từng cơ quan, đơn vị, ngành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược và khu vực phòng thủ theo hướng: tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo, phân rõ trách nhiệm ở cơ quan chiến lược, chiến dịch. Đồng thời, thực hiện nghiêm phân cấp huấn luyện, gắn phân cấp với phân quyền, phân rõ trách nhiệm của cơ quan, chỉ huy các cấp và tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan, đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện. Trong đó, cơ quan tác chiến các cấp phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp người chỉ huy cấp mình quản lý, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch huấn luyện; đồng thời, làm trung tâm hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị để triển khai kế hoạch huấn luyện, bảo đảm đúng ý định, chỉ thị của người chỉ huy.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược phù hợp điều kiện tác chiến mới. Vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu của công tác huấn luyện chiến dịch, chiến lược là bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy và khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của chỉ huy và cơ quan chiến dịch - chiến lược, góp phần củng cố, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch tác chiến trên từng địa bàn, hướng chiến lược cũng như phạm vi cả nước; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận quân sự Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Thực hiện điều đó, Cục Tác chiến phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương trong chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược, diễn tập phòng thủ tỉnh, thành phố, phòng thủ quân khu; nâng cao khả năng nghiên cứu, đánh giá, nhận định tình hình, trình độ tham mưu, đề xuất, tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng của người chỉ huy và cơ quan các cấp. Đồng thời, kiểm tra và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, tổ chức chuẩn bị cơ động cơ quan chiến dịch, chiến lược, bộ, ngành và địa phương; hoàn thiện, bổ sung phương án tác chiến phòng thủ chiến lược.

Thực hiện chủ đề năm 2021: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc diễn tập; hội thao, hội thi trong nước, khu vực và quốc tế”, Cục Tác chiến phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Quốc phòng tổ chức, chỉ đạo các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng,... luyện tập, diễn tập tác chiến chiến dịch, chiến lược, diễn tập theo các phương án tác chiến trên các hướng chiến lược, chiến trường, môi trường tác chiến, bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới, vùng trời, biển, đảo; tổ chức diễn tập thực nghiệm; diễn tập chống khủng bố, v.v. Hướng dẫn, chỉ đạo các quân khu, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với khả năng, sát với thực tế của địa phương, nâng cao khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo cơ chế của các ban, bộ, ngành và trình độ làm tham mưu của cơ quan quân sự, công an, các sở, ngành; khả năng lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, quy định để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh. Trọng tâm là cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy trong các tình huống mới, cụ thể; tổ chức diễn tập thực nghiệm; khái quát thành tài liệu để phổ biến cho các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án, chuẩn bị trước về mọi mặt từ thời bình.

Bốn là, tăng cường công tác nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược, tác chiến phòng thủ chiến lược, phù hợp với từng đối tượng trong các hình thái chiến tranh và loại hình tác chiến. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, nhiều loại hình chiến tranh mới đã xuất hiện, với các loại vũ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh, triển khai chiến lược, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển. Điều đó đòi hỏi cơ quan chức năng phải làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo chiến lược, thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động của nước ngoài, nhất là các cường quốc và các nước có liên quan; dự báo sát, đúng mức độ, xu hướng phát triển tình hình để tham mưu, đề xuất kịp thời với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tập trung nghiên cứu, đề xuất hướng nghiên cứu, biên soạn tài liệu về nghệ thuật chiến dịch, hoạt động của lực lượng vũ trang trong tác chiến phòng thủ quân khu, phòng thủ chiến lược.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, toàn quân cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục khâu yếu, mặt yếu; bổ sung, hoàn thiện nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược và khu vực phòng thủ, bảo đảm cho các lực lượng trong toàn quân luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC CĂN, Cục trưởng Cục Tác chiến

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.