QPTD -Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:07 (GMT+7)
Đổi mới công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thông tin quân sự

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kỹ thuật trong tiến trình hiện đại hóa hệ thống thông tin quân sự, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc đã tích cực chỉ đạo đổi mới công tác này ở tất cả các cấp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm thông tin liên lạc cho các nhiệm vụ.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
kiểm tra sản phẩm quốc phòng của Binh chủng Thông tin liên lạc. (Nguồn: qdnd.vn)

Qua hơn 20 năm đầu tư phát triển hệ thống thông tin (HTTT) quân sự (từ năm 1993 đến nay), trang bị thông tin (TBTT) quân sự cơ bản được đổi mới, chuyển từ thế hệ đèn điện tử sang bán dẫn - vi mạch, từ kỹ thuật tương tự sang kỹ thuật số, đặc biệt là hệ thống viễn thông. Hiện nay, HTTT quân sự có nhiều loại trang bị ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, như: hệ thống VSAT, thiết bị quang đường trục, các tổng đài trung tâm, hệ thống truyền số liệu, viba số, Trunking,… Từ những thay đổi có tính bước ngoặt đó, HTTT quân sự đã cung cấp nhiều dịch vụ: thoại, báo, truyền số liệu tốc độ cao, truyền ảnh, truyền hình, v.v.

Tuy nhiên, sự phát triển của các TBTT kỹ thuật số công nghệ cao cung cấp đa dịch vụ đã tác động, chi phối rất lớn đến công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT). Các trang bị có độ tích hợp rất cao, hàm lượng phần mềm lớn, lại không được chuyển giao công nghệ nên việc BĐKT thường phải phụ thuộc vào các hãng sản xuất, dẫn đến giá thành bảo trì, sửa chữa lớn. TBTT viễn thông kỹ thuật số có tính hệ thống và tính liên kết chặt chẽ, phần lớn được quản lý, điều hành thông qua phần mềm quản lý mạng tập trung, làm việc liên tục 24/24 giờ; do đó, công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống rất phức tạp (tiến hành trong điều kiện hệ thống đang hoạt động, BĐKT cho các trang bị phải tiến hành đồng thời với BĐKT cho hệ thống). Đây là điểm mấu chốt trong công tác BĐKT đối với các trang bị, khí tài kỹ thuật số công nghệ cao; vì vậy, yêu cầu hệ thống BĐKT phải thống nhất ở cả 03 cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật) và phải được đồng bộ với hệ thống chỉ huy, điều hành. Mặt khác, trang bị trong hệ thống viễn thông quân sự hầu hết được dùng trong dân sự (chưa được quân sự hóa), nên rất nhạy cảm trước tác động của môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, độ bụi, độ ổn định điện áp, điện từ trường, tiếp đất chống sét,… điều kiện khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, cất giữ rất khắt khe.

Để công tác kỹ thuật có thể theo kịp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa HTTT quân sự đòi hỏi phải tiến hành đồng thời nhiều nội dung, biện pháp BĐKT; trong đó, Binh chủng đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thay đổi cơ chế quản lý, điều hành và thực hiện phân cấp BĐKT phù hợp theo từng giai đoạn. Khi TBTT kỹ thuật số bắt đầu được đưa vào sử dụng, trình độ công nghệ nói chung và công nghệ điện tử nói riêng của bộ đội rất hạn chế, việc triển khai hệ thống tổng đài Alcatel, Siemens, Viba Fujitsu, Viba Siemens,… đều phải dựa vào chuyên gia nước ngoài và kỹ thuật viên của các nhà cung cấp thiết bị, nên việc BĐKT gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Binh chủng đã thành lập 02 tổ “mũi nhọn” chuyên ngành chuyển mạch và viba, đảm nhiệm việc BĐKT cho toàn quân. Khi trang bị hoặc hệ thống gặp sự cố, Binh chủng cử tổ “mũi nhọn” đến thay thế, thu trang bị, khối card hư hỏng gửi hãng sửa chữa. Từ khi HTTT quân sự phát triển trên diện rộng, trang bị kỹ thuật số đưa vào sử dụng nhiều ở các đơn vị, lực lượng cán bộ kỹ thuật không đủ thời gian trực tiếp BĐKT cho toàn quân, Binh chủng thành lập 04 tổ BĐKT cơ động, sau đó phát triển lên đến 16 tổ BĐKT cơ động của các đơn vị toàn quân, 11 tổ BĐKT cơ động trực thuộc Binh chủng, cùng với nâng cấp các trạm, xưởng sửa chữa thông tin và thực hiện việc phân cấp BĐKT. Trong đó, cấp chiến lược điều hành xử lý các sự cố phức tạp mang tính hệ thống, tập trung sửa chữa hư hỏng nặng mà các cơ sở BĐKT cấp dưới không đủ khả năng và phương tiện để giải quyết; nghiên cứu, thiết kế, chế thử, cải tiến và sản xuất trang bị, chế tạo thiết bị đo kiểm các bảng mạch và viết tài liệu hướng dẫn quy trình sửa chữa. Ở cấp chiến dịch, các trung tâm BĐKT khu vực đảm nhiệm việc sửa chữa, thay thế các bộ phận hoặc các bảng mạch chức năng; bảo dưỡng trang bị và các trạm thông tin kỹ thuật số; cơ động khắc phục các sự cố hệ thống trên địa bàn và hỗ trợ xưởng sửa chữa của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cấp chiến thuật làm công tác bảo quản, bổ sung, thay thế phụ tùng đồng bộ tại chỗ.HH Với cách làm đó, hệ thống BĐKT các cấp được triển khai đồng bộ, HTTT được vận hành đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống.

2. Chú trọng nâng cấp, xây dựng cơ sở BĐKT các cấp, tạo thành hệ thống có chiều sâu, hỗ trợ nhau theo khu vực. Để tự chủ trong công tác BĐKT, Binh chủng chú trọng đầu tư nâng cao năng lực toàn diện cho các cơ sở BĐKT. Tư lệnh Binh chủng đã ra Chỉ thị 2052/CT-BTL chỉ đạo việc kiện toàn, quy hoạch các cơ sở BĐKT trong toàn quân theo từng vùng, miền, hướng chiến lược. Thời gian qua, Binh chủng đã huy động, tận dụng các nguồn lực, đầu tư nâng cấp toàn diện các cơ sở BĐKT do Binh chủng trực tiếp quản lý và các trạm, xưởng cấp chiến dịch, chiến thuật trong toàn quân. Qua đó, hình thành hệ thống BĐKT thông tin hoàn chỉnh ở 03 cấp, tạo cơ sở để Binh chủng đổi mới phương thức BĐKT thông tin theo hướng phân cấp mạnh cho cấp chiến dịch, chiến thuật và theo khu vực; kết hợp bảo đảm tập trung với tại chỗ và cơ động. Thực hiện chủ trương đó, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, đến nay, Binh chủng đã hoàn thành giai đoạn 1 đầu tư nâng cấp các cơ sở BĐKT cấp chiến lược (Trung tâm Kỹ thuật thông tin Công nghệ cao (KTTTCNC), Công ty Điện tử Z755), 31 trạm, xưởng cấp chiến dịch, 37 trạm sửa chữa cấp chiến thuật. Trong đó, các cơ sở BĐKT cấp chiến lược và 03 trung tâm BĐKT khu vực (phía Bắc, phía Nam, Tây Nguyên) được đầu tư có chiều sâu về công nghệ, đủ khả năng thực hiện BĐKT thông tin tuyến cuối cho toàn quân. Các cơ sở cấp chiến dịch, chiến thuật đảm bảo sửa chữa được 100% TBTT thế hệ cũ và một phần trang bị mới theo phân cấp. Trong thời gian tới, Binh chủng thực hiện việc quy hoạch sử dụng TBTT toàn quân theo hướng tập trung, kịp thời bảo đảm trang bị kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, các khu vực trọng điểm; duy trì chất lượng và đồng bộ các trang bị ở tất cả các cấp theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quân sự và hoàn thiện các quy trình, quy chế, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, đảm bảo thống nhất trong toàn Binh chủng và các đơn vị thông tin toàn quân.

3. Thực hiện đổi mới phương thức sửa chữa kết hợp với đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế thử và sản xuất các loại trang bị, vật tư kỹ thuật. Khác với thiết bị thông tin công nghệ Analog trước đây, TBTT kỹ thuật số có đặc thù riêng (mỗi thiết bị có phần cứng và phần mềm điều khiển); do đó, phương thức BĐKT bắt buộc phải thay đổi phù hợp với các trang bị kỹ thuật số. Do TBTT kỹ thuật số được cấu tạo bởi các bộ vi xử lý tốc độ cao, mật độ linh kiện lớn, mạch in nhiều lớp hoạt động bởi các phần mềm điều khiển phức tạp, vì vậy, công tác sửa chữa không thể đo đạc các tham số vật lý để thay thế từng linh kiện rời. Mặt khác, việc sửa chữa đòi hỏi phải có dây chuyền công nghệ hiện đại, với đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề. Trước thực trạng đó, Binh chủng đã đổi mới phương thức sửa chữa chuyển từ thay thế linh kiện theo quy mô tiểu tu, trung tu, đại tu sang sửa chữa bằng phương pháp thay thế khối (cấp chiến lược sản xuất, cải tiến vật tư dạng bảng mạch, khối kiện và can thiệp đến linh kiện). Thực tiễn cho thấy, các cơ sở sửa chữa hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐKT theo phân cấp, rút ngắn thời gian, hạn chế và ngăn chặn hư hỏng phát sinh.

Cùng với đổi mới phương thức sửa chữa, Binh chủng chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến, thiết kế, chế thử và sản xuất trang bị, vật tư kỹ thuật thông tin, coi đây là giải pháp then chốt giúp chủ động trong công tác BĐKT, nhất là cho TBTT thế hệ mới, hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài. Theo đó, hoạt động này đã được đẩy mạnh ở tất cả các cấp; trong đó, Trung tâm KTTTCNC và Công ty Điện tử Z755 được giao làm nòng cốt. Để đạt hiệu quả cao, Binh chủng chỉ đạo đầu tư nghiên cứu, cải tiến có lựa chọn. Cùng với nghiên cứu, cải tiến các TBTT thế hệ cũ còn trong quy hoạch sử dụng, Binh chủng hướng mũi nhọn vào nghiên cứu, cải tiến, thiết kế, chế thử và phối hợp với các cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất các loại TBTT công nghệ cao, vật tư kỹ thuật, phụ tùng đồng bộ chuyên dụng,… Thời gian qua, Binh chủng đã nghiên cứu, nội địa hóa, chế tạo thành công các bảng mạch máy vô tuyến điện (VTĐ): XD-D9B1, PRC25, XD-D18; các loại máy VTĐ sóng ngắn dùng cho cấp chiến dịch, chiến thuật; một số loại vật tư kỹ thuật: MUX quang 4E1; tổng đài IP,… cùng nhiều thiết bị công nghệ cao phục vụ công tác BĐKT cho cấp chiến dịch, chiến thuật. Thời gian tới, Binh chủng sẽ tích cực phối hợp với các cơ sở trong và ngoài Quân đội nghiên cứu phát triển, cải tiến, sản xuất các TBTT công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2020, 100% các TBTT cấp chiến dịch, chiến thuật sản xuất được trong nước, giảm mạnh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Cùng với đó, Binh chủng giao Trung tâm KTTTCNC nghiên cứu phát triển các thiết bị tích hợp thông tin, thiết bị điều khiển, thiết bị đầu cuối công nghệ cao, thiết bị thông tin vệ tinh, truyền hình, máy VTĐ công nghệ mới SDR. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội nghiên cứu, sản xuất máy VTĐ đạt tiêu chuẩn quân sự; phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Quân sự nghiên cứu, sản xuất các tổng đài điện tử kỹ thuật số cấp chiến dịch, chiến thuật.

4. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (CMKT) có trình độ chuyên môn giỏi, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Để duy trì HTTT vững chắc đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi Binh chủng luôn phải đối mặt với nguy cơ bị các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông thu hút nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, Binh chủng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn giỏi, cơ cấu ngành nghề hợp lý, có tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các cơ sở BĐKT cấp chiến lược, chiến dịch và nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi ở đơn vị cơ sở. Thực hiện sự chỉ đạo của Binh chủng, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và định hướng sử dụng phù hợp với lộ trình hiện đại hóa TBTT. Những năm qua, Binh chủng đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT; kết hợp huấn luyện, đào tạo tại Binh chủng với đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở trong nước và nước ngoài. Trong huấn luyện, đào tạo, Binh chủng coi trọng kết hợp huấn luyện toàn diện với chuyên sâu, lý thuyết với thực hành, tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, tổ chức BĐKT cho trang bị, khí tài mới, BĐKT trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử mạnh,... Cùng với đó, Binh chủng quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật đầu ngành, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên CMKT yên tâm công tác lâu dài.

Những đổi mới mạnh mẽ trong công tác kỹ thuật mà Binh chủng Thông tin liên lạc đang thực hiện là một thành tố, tiền đề quan trọng để hiện đại hóa HTTT quân sự, góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thiếu tướng LÊ BÁ TẤN

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng TTLL

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.