QPTD -Thứ Hai, 15/07/2013, 14:57 (GMT+7)
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 vững vàng trên tuyến biên giới Đông bắc Tổ quốc

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 đã có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp trong triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, tạo ra diện mạo, sức sống mới trên địa bàn chiến lược Đông Bắc Tổ quốc.

Đại diện Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 tặng cây Mít Thái cao sản cho học viên lớp nghề trồng trọt xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 327 - Quân khu 3 triển khai thực hiện đồng thời 02 dự án khu KT-QP Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái và Bắc Hải Sơn. Vùng Dự án do Đoàn quản lý có diện tích tự nhiên gần 65.000 ha, trải dọc 118,8 km đường biên giới trên bộ và 13,2 km đường biên giới trên biển giáp với Trung Quốc, thuộc địa bàn 10 xã biên giới của 02 huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn: dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số; trình độ dân trí không đồng đều, một số tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại; tỷ lệ hộ đói nghèo cao; hệ thống chính trị ở cơ sở mỏng, yếu. Đặc biệt, sau chiến tranh tháng 02-1979, khu vực vành đai biên giới hầu như “trắng dân”; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; hoạt động xâm canh, xâm cư, khai thác lâm sản trái phép của người dân phía bên kia biên giới diễn ra phức tạp, v.v..

Nắm vững đặc điểm đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn luôn quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 về xây dựng khu KT-QP, sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình địa bàn. Đồng thời, coi trọng kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, trước hết là về chính trị, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Đoàn tập trung đẩy mạnh công tác dân vận, làm cho cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương thấu suốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng khu KT-QP, về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng và mục tiêu mà Dự án hướng tới, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Để đạt hiệu quả, Đoàn đưa các lâm trường ra đứng chân sát đường biên trên các khu vực trọng điểm, vừa làm hạt nhân tổ chức thực hiện Dự án, vừa làm những “cột mốc” bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chỉ đạo gắn các lâm trường với xã, các đội sản xuất, cơ quan lâm trường với các thôn, bản, thực hiện “3 bám”, “4 cùng”1, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương cùng vào cuộc tham gia thực hiện Dự án.

Nhằm triển khai thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của Dự án, Đoàn bám sát quy hoạch tổng thể 02 khu KT-QP đã được Chính phủ phê duyệt, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu, với cấp ủy, chính quyền và các ngành của tỉnh Quảng Ninh, tiến hành khảo sát, xây dựng quy hoạch chi tiết về phát triển KT-XH gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong vùng Dự án và kế hoạch phân kỳ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng - một nội dung trọng tâm, tiền đề để thực hiện các mục tiêu của Dự án - được Đoàn chỉ đạo triển khai đi trước một bước, gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và định hướng quy hoạch, bố trí lại dân cư trên vành đai biên giới. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn, Đoàn tích cực huy động, khai thác, kết hợp các nguồn vốn; chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (các chương trình: 134, 135, 327, 120…) của địa phương với các hạng mục, công trình thuộc Dự án của Đoàn. Trong đó, ưu tiên các địa bàn xung yếu, trọng điểm, các công trình quan trọng, cấp thiết, như: đường giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, trường học, bệnh xá và các công trình thiết yếu khác phục vụ cho di dân, giãn dân, phát triển sản xuất.

Nhờ định hướng đúng và cách làm sáng tạo nên mặc dù nguồn ngân sách đầu tư cho Dự án còn hạn hẹp nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở 02 khu KT-QP đạt nhiều kết quả tốt. Đoàn đã cùng với địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp gần 60 km đường giao thông nội bộ vùng Dự án kết nối với đường tuần tra biên giới; hơn chục công trình thủy lợi, trên 34 km kênh, mương; cùng hàng chục nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học, bệnh xá… tạo ra diện mạo mới, động lực phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên vùng biên giới Đông Bắc.

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, Đoàn đẩy mạnh quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư, nhằm thực hiện mục tiêu đưa 2.000 hộ dân ra sinh sống trên tuyến biên giới, hình thành các cụm dân cư khép kín vành đai biên giới. Đoàn đã phối hợp với địa phương triển khai thực hiện theo hướng phục hồi lại các thôn, bản cũ và xây dựng các điểm dân cư mới nằm sát biên giới ở những vị trí trọng yếu về QP-AN thông qua vận động tách hộ, giãn dân tại chỗ kết hợp di dân từ nơi khác đến (chủ yếu là di dân nội tỉnh). Theo đó, Đoàn đã cùng với địa phương tổ chức khảo sát, quy hoạch, tiến hành rà phá mìn, vật nổ, mở rộng được gần 1.300 ha, khai hoang phục hóa được hơn 1.100 ha đất phục vụ di, giãn dân. Từ năm 2002 đến nay, Đoàn đã tổ chức tiếp nhận, sắp xếp định cư cho 1.682 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, hình thành 16 cụm dân cư trên tuyến biên giới, khôi phục lại một số đơn vị hành chính trên địa bàn. Tại Khu KT-QP Bắc Hải Sơn, có 03 xã (Thản Phún, Pò Hèn, Lục Phủ) bị “trắng dân” sau năm 1979, đến nay, đã khôi phục được 02 xã: Bắc Sơn và Hải Sơn. Khu vực Lục Lầm, Móng Cái (có bãi Tục Lãm và cồn Tài Xẹc), trước đây không có dân sinh sống, thường xuyên bị người dân bên kia biên giới xâm canh, xâm cư, đến nay Đoàn cùng với địa phương đã đưa được 357 hộ gia đình  ra định cư, nuôi trồng thủy, hải sản, lập nên Khu 9, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, góp phần ổn định tình hình ở điểm nhạy cảm trên. Hiện nay, Đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới giai đoạn 2012 - 2017, nhằm thực hiện tốt hơn nữa nội dung này.

Một trong những mục tiêu xuyên suốt của dự án khu KT-QP là giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường QP-AN trên địa bàn. Để thực hiện điều đó, vấn đề cốt lõi là phải bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho dân và xác định đúng phương thức giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, bên cạnh việc phối hợp với địa phương tổ chức khai hoang, phục hóa, tạo quỹ đất sản xuất giao cho các hộ gia đình sử dụng lâu dài, Đoàn đẩy mạnh triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo, trọng tâm là tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phù hợp với đặc điểm vùng Dự án. Các lâm trường đã tích cực xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào theo cách “cầm tay chỉ việc”, kết hợp cử các tổ công tác xuống tận các thôn, khe, bản, giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều dự án, mô hình giảm nghèo, như: trồng chè, mít Thái cao sản, dong riềng, trồng nấm; chăn nuôi lợn nái, dúi sinh sản, nuôi lợn rừng, nhím, cua biển, cá song… đã được nhân rộng, bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Đoàn còn là đơn vị đầu tiên trong 23 đoàn KT-QP xây dựng thành công mô hình nuôi trồng hải sản. Từ quy mô ban đầu với trên 20 ha, Đoàn đã hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân đầu tư phát triển được hơn 200 ha đầm nuôi tôm, cua, sò… trên khu vực bãi Tục Lãm. Nhiều đầm nuôi đã cho năng suất đạt từ 07 đến 08 tấn tôm/ha/năm, trở thành mô hình sản xuất giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo nhanh và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình2.

Dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là phát triển rừng vành đai biên giới được Đoàn tích cực triển khai và cho kết quả tốt. Đến nay, Đoàn đã trồng mới được trên 5.470 ha rừng; hỗ trợ nhân dân hàng triệu cây giống, trồng hơn 1.500 ha rừng sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Năm 2012, Đoàn bàn giao 1.191 ha rừng trồng thuộc Dự án 661 cho huyện Bình Liêu và thành phố Móng Cái quản lý, khai thác, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh thực hiện các dự án phát triển KT-XH, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao và đẩy mạnh công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương. Đoàn đã phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương, ký kết các quy chế phối hợp công tác, gắn thực hiện nhiệm vụ KT-QP với xây dựng địa bàn. Các đơn vị thường xuyên tổ chức các tổ, đội công tác, kết hợp cùng lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tăng cường về cơ sở, bám địa bàn, bám dân, tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục. Đồng thời, tham mưu, giúp địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chủ hộ gia đình khu vực biên giới, tập huấn kiến thức nghiệp vụ quản lý địa bàn, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ các xã, thôn, khe, bản, thiết thực nâng cao chất lượng cơ sở chính trị, tăng cường thế trận QP-AN ở địa phương. Mặt khác, Đoàn tích cực triển khai và thực hiện tốt Chương trình kết hợp quân - dân y, tạo bước chuyển quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trong vùng Dự án. Bên cạnh việc xây dựng, đưa vào hoạt động 05 bệnh xá quân - dân y, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân mỗi năm, Đoàn đã mở 24 lớp tập huấn cho gần 300 lượt nhân viên y tá thôn, bản, góp phần đáng kể vào việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cho địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới, v.v..

Những kết quả mà Đoàn KT-QP 327 đạt được mới chỉ là bước đầu, nhưng mang lại hiệu quả toàn diện cả về KT-XH và QP-AN, tạo động lực phát triển mới cho vùng đất “phên dậu” Đông Bắc Tổ quốc. Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ, Đoàn có một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về xây dựng các khu KT-QP: Một là, cần xây dựng quy chế xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng khu KT-QP, đảm bảo cho địa phương thực sự bắt tay vào cuộc, gắn kết chặt chẽ với các đoàn KT-QP trong thực hiện dự án. Hai là, Nhà nước nên có chính sách đặc thù cho di dân ra khu vực biên giới. Trước mắt, nghiên cứu nâng mức đầu tư cho các hộ dân thuộc diện này2, nhằm đảm bảo tính vững chắc của các dự án di dân. Ba là, các địa phương cần quan tâm thích đáng đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tham gia thực hiện dự án, tạo điều kiện để nhân dân ổn định phát triển sản xuất. Bốn là, nâng mức đầu tư và tiến độ cấp vốn, nhất là nguồn ngân sách nhà nước cho khu KT-QP, phù hợp tiến độ thực hiện dự án, theo hướng tập trung, đồng bộ, khắc phục việc đầu tư nhỏ giọt hoặc tràn lan, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí nguồn lực. Năm là, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý đầu tư của các khu KT-QP phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xây dựng các khu KT-QP là chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó Quân đội ta giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện. Ý thức sâu sắc vấn đề đó, Đoàn KT-QP 327 tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Dự án, góp phần xây dựng địa bàn biên giới Đông Bắc Tổ quốc mạnh về KT-XH, vững về QP-AN.

Đại tá VŨ QUANG LONG

Đoàn trưởng
__________        

1 - Ba bám: 1. Bám cơ sở; 2. Bám cấp ủy, chính quyền địa phương; 3. Bám dân.
  Bốn cùng: 1. Cùng ăn; 2. Cùng ở; 3. Cùng làm; 4. Cùng nói tiếng dân tộc.

2 - Năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trong vùng Dự án là 28%, đến nay giảm xuống còn 22,94%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.