QPTD -Thứ Hai, 25/05/2020, 08:34 (GMT+7)
Đoàn 326 tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa bàn vững mạnh
Đoàn 326 - Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Sông Mã được giao nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa bàn vững mạnh ở huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và 02 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Đây là địa bàn vùng cao, biên giới, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (người Mông và người Thái chiếm trên 90%); cơ sở hạ tầng chưa phát triển, kinh tế đặc biệt khó khăn. Đây cũng là nơi các thế lực thù địch, các loại tội phạm hoạt động mạnh, tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v.
Phối hợp với địa phương tổ chức lớp xóa mù chữ cho phụ nữ

Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất” và đặc điểm địa bàn, bằng tâm huyết, trách nhiệm cao, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn đã triển khai 06 dự án xây dựng hạ tầng, trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ hàng nghìn ngày công, máy móc, giúp địa phương xây dựng 07 công trình phục vụ dân sinh: đường giao thông, cầu treo, đập thủy điện, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, sản xuất,… trị giá gần 60 tỷ đồng; triển khai và nhân rộng 20 mô hình chăn nuôi, trồng trọt, giúp hàng trăm hộ dân phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 04% đến 05% mỗi năm. Bên cạnh đó, Đoàn đã tham gia bồi dưỡng cho 108 lượt cán bộ các cấp, nâng cao chất lượng tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể địa phương; phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai, các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, v.v.

Trước hết, Đoàn tích cực triển khai có hiệu quả các công trình trong vùng dự án, giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ những đặc điểm về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng,… bảo đảm phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, Đoàn chủ động xây dựng, nhân rộng một số mô hình kinh tế, như: trồng cây dược liệu dưới tán rừng; canh tác cây ăn quả và cây lương thực trên đất dốc; nuôi lợn, gà, thỏ khép kín; nuôi cá nước ngọt; trồng các giống lúa cạn, sắn, ngô cao sản chịu hạn phù hợp thổ nhưỡng vùng cao, nắng nóng, v.v. Để đảm bảo các mô hình có tính khả thi cao, trước khi nhân rộng tại địa phương, Đoàn triển khai thử nghiệm, đánh giá hiệu quả kinh tế và xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn cho từng mô hình; tổ chức cho cán bộ, nhân dân tham quan mô hình mẫu. Điển hình là mô hình trồng dược liệu, Đoàn tổ chức nghiên cứu trồng thử 16 loại cây; trong đó xác định 04 cây chủ lực: Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Đẳng sâm, Tỏi đá rất phù hợp với điều kiện địa hình đất dốc và dưới tán rừng, thổ nhưỡng, khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao, được khuyến khích trồng rộng rãi. Hiện nay, Đoàn đang khảo nghiệm, đánh giá thêm 09 loại dược liệu khác trước khi triển khai, nhân rộng trong vùng, tạo động lực đẩy mạnh sản xuất nông sản ở địa phương. Đoàn chủ động phối hợp với địa phương phân kỳ triển khai thực hiện các dự án theo đúng tiến độ; giúp địa phương thi công các công trình phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, như: hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà công vụ, nhà văn hóa thôn, bản,… nhanh chóng khắc phục khó khăn về giao thông, thủy lợi, cải thiện môi trường sản xuất, sinh sống cho nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các công ty dược tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình vùng sản xuất dược liệu và bao tiêu sản phẩm; từng bước hình thành mạng lưới thương mại, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phá vỡ thế độc quyền của tư thương, xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực, nâng cao lợi nhuận cho đồng bào.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo đó, Đoàn yêu cầu mỗi đội sản xuất triển khai ít nhất từ 01 đến 02 “mô hình điểm” tại đơn vị cho đồng bào tham quan, học tập. Đội ngũ cán bộ của Đoàn tích cực nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, như: ủ phân bón sinh học, sử dụng máy nông nghiệp cầm tay, khoan lấy nước ngầm, sản xuất phân bón lá từ đạm cá,… giúp đồng bào nâng cao chất lượng sản xuất, thu hoạch, sơ chế nông sản và tăng giá thành sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất lao động, với nhiều sản phẩm, như: kìm nhổ sắn, thiết bị lọc nước, máy chế biến thức ăn gia súc,… với giá thành rẻ và sẵn sàng cử cán bộ hướng dẫn giúp dân tự làm từ nguồn nguyên liệu, vật liệu tại chỗ. Đặc biệt, Đoàn nghiên cứu chế tạo thành công Máy bơm thủy luân đưa nước lên cao không cần điện năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất phân bón hữu cơ

Tại các khu vực sản xuất, chăn nuôi tập trung, Đoàn chỉ đạo xây dựng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ - vi sinh, vườn ươm, ao ươm, nhằm cung cấp cây giống, con giống cho nhiều hộ dân, vừa tạo nền tảng sản xuất ban đầu, đem lại hiệu quả kinh tế, vừa làm mô hình để từng hộ, thôn, bản học tập, làm theo. Đoàn tích cực giới thiệu việc làm, hỗ trợ làm hồ sơ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc tại các khu công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập, hạn chế vượt biên, di cư tự do. Với cách làm đó, mỗi năm, Đoàn đón hàng trăm lượt đồng bào tham quan, học tập, giúp nhiều gia đình biết làm kinh tế hộ tại chỗ với những quy mô khác nhau1. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn trực tiếp giúp trên 400 gia đình thoát nghèo đa chiều; hỗ trợ trên 10 nghìn ngày công, trên 300 triệu đồng giúp 54 thôn, bản thực hiện từ 01 đến 02 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; giới thiệu 147 thanh niên đi lao động tại các khu công nghiệp. Riêng năm 2018 và năm 2019, Đoàn sử dụng 04 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, triển khai 06 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho 343 hộ dân đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hút vốn đối ứng từ nhân dân gần 2,3 tỷ đồng.

Ba là, đẩy mạnh công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác dân vận, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, Đảng ủy Đoàn xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/ĐU, ngày 04/6/2015 về “Tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đoàn 326 trong tình hình mới”; bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động với các địa phương. Theo đó, Đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động theo từng giai đoạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù địa bàn; phân công cấp ủy viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phụ trách từng mặt công tác ở từng khu vực. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang địa phương tổ chức tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình phát thanh, chiếu phim, cấp phát băng, đĩa có lời thuyết minh bằng tiếng dân tộc, xây dựng các trang Fanpage,… để đồng bào dễ nhận diện âm mưu, thủ đoạn móc nối, tuyên truyền, lôi kéo của các thế lực thù địch. Đoàn cử cán bộ, nhân viên tham gia các tổ công tác liên ngành của địa phương thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; bám xã, bản, cụm dân cư, trực tiếp tuyên truyền cho đồng bào thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội, giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao, v.v. Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện thực hiện “3 bám, 4 cùng”2, gắn tuyên truyền với tư vấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất,... tạo lòng tin, sự gần gũi gắn bó với đồng bào. Từ đó, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, xa rời tệ nạn, tà đạo; tích cực tố giác tội phạm, không nghe đối tượng xấu kích động, mua chuộc, lôi kéo, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn xây dựng 16 video clip, trên 200 tin, bài, tổ chức 2.013 buổi tuyên truyền cho 12.180 lượt người; tổ chức 15 lớp học xóa mù chữ cho trên 700 người dân, đưa hàng trăm học sinh nghèo bỏ học trở lại trường, vận động hàng nghìn hộ dân không chăn nuôi ở gầm nhà sàn, thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền ăn ốm cho hơn 6.000 lượt người và tặng quà nhân dân tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng.

Thực hiện quy chế phối hợp, Đoàn chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện đánh giá, xác định khâu yếu, mặt yếu trong hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, bản; từ đó, bồi dưỡng cho công chức, viên chức địa phương nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo nguồn phát triển đảng viên, thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, phương pháp vận động quần chúng, v.v. Những năm gần đây, Đoàn mở nhiều lớp học tiếng Mông, tiếng Thái và bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác dân vận cho cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện; đẩy mạnh hoạt động bám địa bàn, giúp địa phương củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của 32 chi bộ bản, 29 chi đoàn, 22 chi hội phụ nữ, xóa 03 bản “trắng” đảng viên, bồi dưỡng phát triển 152 đảng viên mới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Bốn là, tích cực tham gia củng cố quốc phòng, an ninh, phòng, chống, tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đoàn phối hợp với các lực lượng vũ trang tổ chức tuần tra biên giới, trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm tàng trữ, buôn bán ma túy, vũ khí, truyền đạo trái pháp luật. Thời gian qua, Đoàn đã vận động 12 hộ dân bỏ tà đạo; nhiều hộ triệt phá cây thuốc phiện (1,3 ha), tự nguyện giao nộp trên 300 khẩu súng tự chế các loại. Đồng thời, giúp địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc nảy sinh, không để lan rộng, kéo dài, tạo thành điểm nóng. Cùng với đó, Đoàn chú trọng xây dựng và củng cố mạng lưới “cảm tình viên” tại các thôn, bản; biên soạn các chuyên đề về nắm địa bàn để trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho lực lượng “cảm tình viên”, cán bộ bám bản; kịp thời nắm chắc tình hình, tổ chức tuyên truyền và đấu tranh phản tuyên truyền trên không gian mạng về an ninh chính trị, nhất là ý đồ lôi kéo thành lập “nhà nước Mông”. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, Đoàn phối hợp với cơ quan quân sự, biên phòng giúp 15 xã, thị trấn xây dựng, kiện toàn phương án chiến đấu phòng thủ và huấn luyện lực lượng dân quân, dự bị động viên, tuyển chọn công dân nhập ngũ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng3, v.v. Đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ trực, sẵn sàng chiến đấu trong các dịp lễ, Tết,… góp phần cùng các lực lượng quân sự, công an, biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Đại tá NGUYỄN THANH TÙNG, Đoàn trưởng
__________________

1 - Tư vấn và lắp đặt Bơm thủy luân cho 35 hộ dân; nhân rộng các mô hình: 68 hộ nuôi bò sinh sản, 24 hộ nuôi cá nước ngọt, 40 hộ nuôi dê, 37 hộ nuôi lợn, 40 hộ trồng chanh leo và hàng trăm hộ trồng cà gai leo, đẳng sâm, cây ăn quả trên đất dốc,… với hàng nghìn vật nuôi và hàng chục héc ta cây ăn quả, cây dược liệu, v.v.

2 - 3 bám: đơn vị, địa bàn, chủ trương, chính sách; 4 cùng: ăn, ở, làm, nói tiếng dân tộc.

3 - Huy động 1.230 lượt người, hàng trăm lượt phương tiện bảo vệ 32 lần cháy rừng; vận động giúp đỡ 19 hộ dân rời nhà khỏi khu vực sạt lở; hỗ trợ thiên tai trên 42 triệu đồng, v.v.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.