QPTD -Thứ Sáu, 03/08/2012, 02:50 (GMT+7)
Điện Biên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội biên phòng thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

 Là tỉnh biên giới trọng điểm trên địa bàn Tây Bắc, những năm qua, Điện Biên đã triển khai toàn diện các mặt công tác nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và đối ngoại ở khu vực biên giới. Trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là một trong những mặt công tác được thường xuyên coi trọng.

alt
Đội tăng cường công tác cơ sở, Đồn Biên phòng Nà Khoa (Mường Nhé) giúp dân làm nhà đoàn kết. (nguồn: baodienbienphu.com.vn)

Là tỉnh vùng cao, biên giới, có hơn 400 km đường biên giới tiếp giáp với hai nước Trung Quốc và Lào; có 3 huyện biên giới (Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé) với 25 xã, 338 thôn, bản; trong đó, một số xã mới được chia tách, nên hệ thống chính trị cơ sở chưa thật ổn định; năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp không đồng đều; các hoạt động chống phá, tội phạm qua biên giới diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “…làm tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”1, Điện Biên đã xác định: xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân, lấy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thực hiện định hướng đó, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đối với nhiệm vụ này và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, chủ quyền biên giới quốc gia (BGQG), an ninh chính trị khu vực biên giới (KVBG) cơ bản được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố ngày càng vững chắc; chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh và đối ngoại có sự phát triển theo chiều sâu; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Lực lượng BĐBP thường xuyên được chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện; thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tăng cường, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH của địa phương. Năm 2011, với sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập mới 18 chi bộ thôn, bản; củng cố 17 Ban Xã đội, 15 tiểu đội dân quân, 29 tổ Mặt trận Tổ quốc, 73 chi hội Phụ nữ, 45 chi hội Nông dân và 20 chi hội Cựu chiến binh thôn, bản, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở KVBG.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Tỉnh cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác nắm, phân tích và dự báo tình hình địa bàn biên giới chưa toàn diện; việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn bất cập; ý thức quốc gia, quốc giới của một bộ phận nhân dân chưa cao.

Thời gian tới, tình hình an ninh trên tuyến biên giới của Tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”; lôi kéo, kích động đồng bào di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, chất nổ và các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân, nhất là BĐBP làm tốt công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ vững ổn định chính trị địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để Điện Biên thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII đã xác định. Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản sau.

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP Tỉnh tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở KVBG vững mạnh toàn diện. Để thực hiện có kết quả mục tiêu, nhiệm vụ này, cùng với việc chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, Tỉnh chú trọng chỉ đạo BĐBP thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở các xã, bản trọng điểm và các xã mới được chia tách. Theo đó, BĐBP tham gia khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, lựa chọn những đồng chí có phẩm chất chính trị, năng lực công tác, trình độ văn hóa và uy tín đối với quần chúng để bố trí vào các chức danh chủ chốt ở xã, thôn, bản; đồng thời, có biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ, không để địch móc nối, lôi kéo làm tha hóa phẩm chất, lối sống đối với cán bộ. Tiếp tục củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động của các đội công tác biên phòng (tăng cường cho các xã) trong đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết các “điểm nóng”, các vụ việc nảy sinh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai có hiệu quả mô hình đưa đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các tổ chức đảng ở thôn, bản biên giới nhằm góp phần xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng vững mạnh.

Hai là, tăng cường chỉ đạo BĐBP tham gia đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ BGQG, trọng tâm là Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng – an ninh ở các xã biên giới và hải đảo; Nghị quyết số 80/2011/NQ-TW của Chính phủ về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 ở các xã biên giới, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo BĐBP Tỉnh triển khai nhiều hoạt động tham gia đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới. Hằng năm, UBND Tỉnh đều có kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ BGQG; trong đó, xác định những nội dung trọng tâm mà BĐBP cần chủ động tham mưu và phối hợp với các lực lượng tổ chức thực hiện có hiệu quả, như: công tác định canh, định cư, nhất là đối với đồng bào thuộc diện tái định cư và các hộ di, dịch cư tự do để họ ổn định cuộc sống; đồng thời, tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ chủ trương phát triển KT-XH vùng biên giới của Đảng và Nhà nước; khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2015, toàn Tỉnh trồng được 10.000 ha cao su; 1.000 ha chè; 4.000 ha cà phê và 2.500 ha nuôi trồng thủy sản… Đối với lĩnh vực công nghiệp, BĐBP cần chủ động tham gia trong việc khảo sát, thăm dò, quản lý, bảo vệ các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bảo đảm chống thất thoát và suy giảm môi trường sinh thái. Trong phát triển kinh tế Vùng, BĐBP tập trung tham gia phát triển vùng kinh tế Mường Chà, Mường Nhé, nhất là trong đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Sín Thầu, cửa khẩu Si Pa Phìn – Huổi Lả và trong quản lý, bảo vệ, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn, Tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư; trong đó, coi trọng đầu tư có trọng điểm và đầu tư cho sự phát triển. BĐBP Tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, phối hợp và tham gia thực hiện tốt các dự án: phát triển các khu kinh tế của khẩu; xây dựng, nâng cấp đường tuần tra biên giới, đường ra các cửa khẩu; phát triển hệ thống thủy lợi, lưới điện, y tế phục vụ và nâng cao đời sống dân sinh. Tiếp tục đa dạng hóa các mô hình giúp dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vùng biên giới ngày càng vững chắc.

Ba là, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và lực lượng có liên quan trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Quản lý, bảo vệ BGQG nói chung, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng là nhiệm vụ tổng hợp, liên quan đến nhiều lực lượng; trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Do đó, phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với các cấp, các ngành, các lực lượng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới là vấn đề cấp thiết. Những năm qua, thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, BĐBP Tỉnh đã cùng lực lượng Quân sự, Công an xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trên địa bàn theo những tình huống dự kiến; phối hợp với dân quân và lực lượng an ninh cơ sở tăng cường tuần tra, bảo vệ biên giới, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả phối hợp còn hạn chế, nhất là trong nắm tình hình địa bàn và xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh. Thời gian tới, Tỉnh tập trung chỉ đạo BĐBP Tỉnh chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng có liên quan, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh những chủ trương, đối sách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trong phối hợp, phải bảo đảm tính toàn diện (nắm tình hình, làm tham mưu và tổ chức thực hiện); trong đó, chú trọng phối hợp hoạt động giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng ở cơ sở, nhất là phối hợp giữa xã, đồn, thôn, bản và hộ gia đình. Các đồn biên phòng, các tổ, đội công tác chuyên trách của BĐBP Tỉnh cần chủ động phối hợp với các lực lượng trên hai tuyến biên giới nắm vững tình hình nội địa, ngoại biên; áp dụng các đối sách đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm nhập, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm, lôi kéo di, dịch cư tự do và các hành vi xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án tác chiến, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, cụm tác chiến biên phòng, nâng cao trình độ và khả năng hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu giữa các lực lượng ở KVBG. Cùng với đó, BĐBP Tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, chủ động tăng cường quan hệ, hợp tác, phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, có biện pháp đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm qua biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

 MÙA A SƠN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 237.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.