QPTD -Thứ Hai, 22/04/2013, 22:25 (GMT+7)
Đẩy mạnh thực hiện kết hợp quân - dân y

Kết hợp quân - dân y là một chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhằm tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đó còn là truyền thống, nét đặc thù độc đáo trong hoạt động của ngành Quân y cách mạng.

 

Trong nhiều năm qua, cùng với thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Quân y đã phát huy vai trò là lực lượng xung kích trong việc thực hiện kết hợp quân - dân y (KHQDY) và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh (QP-AN).

Mô hình khám chữa bệnh kết hợp quân - dân y mang lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và chiến sỹ nơi vùng sâu, vùng xa (Nguồn: cpv.org.vn)

Từ khi có Chỉ thị số 06/CT-TW, ngày 22-01-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg, ngày 29-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác KHQDY chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới”, hoạt động KHQDY đã có bước phát triển mới, trở thành Dự án trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia, được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, rộng khắp trong toàn quân và đạt hiệu quả thiết thực. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, quân y các cấp đã tích cực phối hợp với các lực lượng có liên quan, chủ động thực hiện KHQDY bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp với tính chất nhiệm vụ, khả năng chuyên môn và đặc điểm địa bàn đóng quân; trong đó, trọng tâm là xây dựng, củng cố y tế cơ sở, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh… Trong 10 năm (2002 - 2012), các lực lượng Quân đội đã tham gia củng cố, nâng cao năng lực hoạt động cho 1.098 trạm y tế xã (có 697 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo); xây dựng được hệ thống cơ sở KHQDY, với 08 bệnh viện, 38 bệnh xá, 03 trung tâm y tế quân - dân y (QDY) huyện đảo, 05 phòng khám đa khoa, phòng khám khu vực và 125 trạm y tế QDY, hình thành mạng lưới y tế liên hoàn, góp phần xoá “vùng trắng về y tế” ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Quân y của các đơn vị và các phân đội quân y cơ động của các bệnh viện tuyến sau đã chủ động phối hợp, sát cánh cùng lực lượng y tế địa phương tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng triệu lượt người dân1, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học; đồng thời, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, như: tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, lực lượng Quân y (LLQY) đã thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân nhân trên tuyến biển, đảo, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đảo ngày càng vững mạnh. LLQY còn luôn đi đầu trong khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Trong 10 năm qua, Quân y các cấp đã tổ chức hơn 05 nghìn lượt tổ, đội công tác, với trên 133 nghìn ngày công, tiến hành cứu trợ, cứu nạn cho 466 nghìn lượt người, khám, chữa bệnh cho hơn 8,8 triệu lượt người và xử lý vệ sinh môi trường trên 10 triệu mét vuông ở các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, bão, lũ. Các cơ sở đào tạo của ngành Quân y đã đào tạo cho ngành Y tế hơn 08 nghìn nhân viên y tế thôn, bản; gần 10 nghìn y tá sơ cấp và trung cấp; gần 06 nghìn dược tá, 04 nghìn dược sĩ trung cấp và gần 03 nghìn bác sĩ; trong đó, có hàng trăm bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2…, góp phần quan trọng vào xây dựng nguồn nhân lực cho các cơ sở dân y. Từ năm 2007 đến nay, Ngành còn tổ chức đào tạo y sĩ chuyên khoa sản, nhi và y tế công cộng cho các đồn biên phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. KHQDY trong nghiên cứu khoa học cũng đạt kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào sự phát triển nền y học Việt Nam. Để bảo đảm cho các hoạt động này, LLQY không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Chương trình KHQDY mà còn chủ động phát huy nội lực và kết hợp huy động các nguồn lực khác. Điều đó cho thấy sự quán triệt sâu sắc và trách nhiệm chính trị cao của Ngành đối với hoạt động KHQDY. Tiêu biểu trong thực hiện KHQDY thời gian qua là các quân khu: 1, 3, 5, 9; các binh đoàn: 15, 16; Bộ đội Biên phòng; Quân chủng Hải quân; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Học viện Quân y, v.v.

Những việc làm và kết quả mà ngành Quân y đạt được trong thực hiện KHQDY có ý nghĩa hết sức to lớn, đem lại hiệu quả thiết thực cả về chính trị, KT-XH và QP-AN. Qua đó, không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết những vấn đề bức xúc về công tác y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn các đơn vị quân đội đứng chân, mà còn góp phần quan trọng vào tăng cường QP-AN, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết quân - dân, tạo cơ sở để Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, cùng với chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện công tác y tế quân đội, ngành Quân y tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp đẩy mạnh KHQDY, để công tác này ngày càng phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, tăng cường công tác giáo dục và thông tin, tuyên truyền về KHQDY, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội, nhất là của cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB,NV) quân y các cấp, cũng như CB,NV y tế địa phương đối với vấn đề này. Để đạt được mục tiêu trên, các đơn vị cần thực hiện đa dạng hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; trong đó, chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về KHQDY, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động KHQDY, cũng như kết quả KHQDY của Quân đội trong những năm qua, tạo sự lan tỏa của hoạt động kết hợp này. Mọi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức rõ, KHQDY là một giải pháp có tầm chiến lược, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng y tế trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình; xây dựng tiềm lực, thế trận y tế quốc phòng của các khu vực phòng thủ, sẵn sàng bảo đảm cho các tình huống về QP-AN, thiên tai, thảm họa... Đối với ngành Quân y, đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, nguyên tắc trong hoạt động chuyên môn; là hành động thiết thực trong việc tham gia phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước. Từ nhận thức đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ CB,NV quân y đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia, thực hiện tốt KHQDY theo phạm vi, nhiệm vụ được phân công.

Hai là, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp về hoạt động KHQDY. Ngành Quân y, trước hết là Cục Quân y tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, cùng các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Y tế về KHQDY và bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, định hướng phát triển sự nghiệp y tế. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cho BQP, cấp ủy, chỉ huy các cấp, các địa phương đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả KHQDY. Trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động KHQDY, nhất là cơ chế điều hành, hoạt động, cơ chế tài chính cho hệ thống bệnh viện, bệnh xá KHQDY; xây dựng lực lượng QDY cơ động, lực lượng dự bị động viên y tế; đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với CB,NV Quân y làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các khu vực đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo… Trước mắt, Ngành tập trung tham mưu cho BQP tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Dự án KHQDY giai đoạn 2011 - 2015; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở QDY đã được xây dựng; đẩy mạnh xây dựng các cơ sở QDY trên tuyến biển, đảo; hoàn thiện Đề án KHQDY đào tạo nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội BQP và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế, nhằm phát huy tối đa nguồn lực y tế vào việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Quân y các đơn vị cần tích cực tham mưu cho Ban QDY các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép nội dung KHQDY với các chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn, đưa KHQDY đi vào chiều sâu.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của quân y các cấp, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện toàn diện các nội dung KHQDY, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kết hợp. Trước hết, các đơn vị cần đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng LLQY theo hướng “mạnh về tổ chức và khả năng cơ động, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về chính trị và y đức”, chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng cơ động của quân y các cấp, nhất là cấp cơ sở. Mặt khác, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch KHQDY trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khẩn cấp khác… Thời gian tới, Cục Quân y tiếp tục chỉ đạo rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình KHQDY hoạt động có hiệu quả; đầu tư nâng cấp bệnh xá của các đoàn kinh tế - quốc phòng, phòng khám thuộc các đồn biên phòng; đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương có liên quan đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở QDY theo Nghị định số 80/NĐ-CP, ngày 19-5-2011 của Chính phủ, ưu tiên tuyến biển, đảo, biên giới bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội. Quân y các cấp đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của BQP về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, bằng các biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, khả năng của đơn vị mình. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho đồng bào; kết hợp khám, chữa bệnh với tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường và thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương. Phấn đấu đến hết năm 2015, cùng các địa phương hoàn thành việc củng cố, nâng cấp toàn diện 150 trạm y tế xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ… Các đơn vị, đặc biệt là đơn vị Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của quân y tuyến cơ sở và các bệnh viện, bệnh xá QDY, để các cơ sở này thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân trong khám, chữa bệnh, cấp cứu người bị thương, bị nạn. Đối với các bệnh viện quân y tuyến sau, bên cạnh việc tăng cường tổ chức LLQY cơ động khám, chữa bệnh cho nhân dân, cần tích cực chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến biên giới, hải đảo; tiếp tục thực hiện việc cử LLQY thay phiên làm nhiệm vụ ở Trường Sa, DK1 theo quy định.

Cục Quân y tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trọng tâm là đào tạo đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản. Để đạt hiệu quả cao, các đơn vị, nhà trường theo nhiệm vụ được phân công, phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt việc quy hoạch đào tạo; chú trọng tạo nguồn đào tạo từ số chiến sĩ hết nghĩa vụ quân sự, con em các dân tộc thiểu số thuộc các địa bàn nêu trên; tích cực đa dạng hóa các loại hình đào tạo, lấy đào tạo theo địa chỉ là chủ yếu; kết hợp giữa đào tạo tập trung với tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CB,NV tuyến y tế cơ sở. Bênh cạnh đó, Ngành tiếp tục tổ chức đào tạo y sĩ chuyên khoa sản, nhi và y tế công cộng cho các đồn biên phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng theo kế hoạch; đồng thời, triển khai đào tạo bác sĩ cho các đồn biên phòng biên giới bộ, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu bức thiết về công tác y tế trên các địa bàn khó khăn, trọng điểm về QP-AN.

Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, ngành Quân y tiếp tục xung kích đẩy mạnh thực hiện KHQDY, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước, tạo động lực phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thiếu tướng, TS. VŨ QUỐC BÌNH

Cục trưởng Cục Quân y

 

___________

1 - Quân y tuyến cơ sở đã khám bệnh cho trên 2,6 triệu lượt người, cấp cứu trên 98 nghìn lượt người, điều trị cho hơn 969 nghìn lượt người. Quân y tuyến bệnh viện đã khám bệnh cho hơn 8,6 triệu lượt người, cấp cứu trên 572 nghìn lượt người, điều trị cho trên 1,5 triệu lượt người.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.