Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:58 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Từ nhiều năm qua, việc tái cấu trúc doanh nghiệp (TCTDN) được Bộ Quốc phòng tích cực triển khai và đã thu được kết quả bước đầu. Hiện nay, trước yêu cầu hội nhập quốc tế và tiến trình TCTDN nhà nước, việc TCTDN quân đội cần được đẩy mạnh, thực hiện toàn diện, đồng bộ, khoa học và hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) là một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là lực lượng nòng cốt của Quân đội thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, giữ gìn, phát triển năng lực sản xuất phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Những năm qua, quán triệt và thực hiện các nghị quyết: Trung ương 3, Trung ương 9, khóa IX; Trung ương 4, khoá X về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Quốc phòng đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tích cực triển khai thực hiện các đề án sắp xếp, đổi mới DNQĐ đến năm 2010. Theo đó, tiến trình sắp xếp, đổi mới DNQĐ được cụ thể hoá trong từng giai đoạn; các DNQĐ từng bước được củng cố, bố trí, sắp xếp lại phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, pháp luật của Nhà nước và thế bố trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Có thể nói, đây là bước khởi đầu thực hiện TCTDN quân đội, nhất là về định chế. Việc sắp xếp, đổi mới các DNQĐ đã được thực hiện theo các hình thức: cổ phần hoá; chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (100% vốn nhà nước); sáp nhập, giải thể một số doanh nghiệp… bước đầu thu được những kết quả tích cực. Tại thời điểm cuối năm 2001, toàn quân có 169 doanh nghiệp, sau các bước sắp xếp lại, đến hết năm 2009 còn 115 doanh nghiệp và hiện nay còn 91 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó, 67 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức độc lập, 24 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con). Toàn quân đã hoàn thành việc cổ phần hóa trên 40 doanh nghiệp…
Quá trình sắp xếp, đổi mới DNQĐ đã được thực hiện theo đúng các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, quy định của Bộ Quốc phòng và đảm bảo đúng quy trình, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Chúng ta đã giảm được đáng kể số lượng đầu mối doanh nghiệp, hình thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội, các tổng công ty có quy mô lớn để có điều kiện tập trung đầu tư, phát triển và đổi mới công nghệ, tăng cường tiềm lực, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SX,KD); đồng thời, đáp ứng tốt hơn cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN).
Đáng ghi nhận nữa là, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động, tuy phải chịu sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, nhưng các DNQĐ vẫn giữ được ổn định và phát triển. Phần lớn các DNQĐ đã năng động, sáng tạo, tìm được hướng phát triển phù hợp; hoạt động SX,KD có mức tăng trưởng khá; lợi nhuận và thu nộp ngân sách của doanh nghiệp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước; thu nhập và đời sống của người lao động được đảm bảo. Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đã thực hiện cơ chế quản lý, điều hành, giám sát phù hợp, phát huy tốt quyền tự chủ hạch toán trong SX,KD và đạt hiệu quả cao hơn. Một số doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả, trở thành đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, góp phần thúc đẩy tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, đã xuất hiện những thương hiệu mạnh của DNQĐ tham gia hoạt động kinh tế ở một số lĩnh vực mà Quân đội có tiềm năng, thế mạnh, khẳng định sự phát triển vững chắc và định hướng chiến lược ngành, nghề đúng đắn, như: viễn thông, dịch vụ cảng biển, xây dựng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn chiến lược, khai thác khoáng sản, đóng tàu, dệt may, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình TCTDN quân đội cũng còn có những hạn chế nhất định. Đó là: chúng ta mới chỉ chú trọng đến góc độ định chế, thực hiện khá nhanh việc tách, nhập, giải thể, thành lập mới các tổng công ty; trong khi đó, các thể chế và thiết chế chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp và chế tài quy định trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành các cấp trong doanh nghiệp. Thiết chế quy định nội bộ, như: điều lệ, quy chế, nội quy và quy trình quy phạm kỹ thuật để quản lý, điều hành doanh nghiệp chưa rõ ràng, minh bạch. Một số doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ QP-AN chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng vốn chủ sở hữu thấp nên hạn chế về sức cạnh tranh; hiệu quả SX,KD của một số doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu...
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá XI, thời gian tới, việc TCTDN nhà nước sẽ được tập trung đẩy mạnh và xác định là một trong 3 lĩnh vực quan trọng nhất nhằm tái cấu trúc nền kinh tế đất nước. Để góp phần thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình TCTDN quân đội; trong đó, tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 3, khoá XI về TCTDN nhà nước (trong đó có DNQĐ). Cấp ủy, chỉ huy các cấp, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp nắm vững, hiểu đúng chủ trương TCTDN cùng những thuận lợi, khó khăn; từ đó, tạo sự đồng thuận về nhận thức và tổ chức thực hiện. Về nhận thức, cần thấy rõ, đây là một đòi hỏi khách quan trước điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả SX,KD của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở đó, tập trung rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện TCTDN với bước đi phù hợp, cách làm chặt chẽ, khoa học, tránh hình thức, nóng vội hoặc bảo thủ, trì hoãn. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đã được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định; coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh kiện toàn hệ thống tổ chức với hoàn thiện đồng bộ các thể chế, thiết chế, phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp mình; đồng thời, giải quyết kịp thời những tồn đọng, vướng mắc, không làm gián đoạn hoạt động SX,KD.
2. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp phù hợp với mô hình hoạt động mới. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định tới mục tiêu tái cấu trúc của các doanh nghiệp. Theo đó, các DNQĐ cần tập trung xây dựng, hoàn chỉnh và ban hành chiến lược phát triển của doanh nghiệp cùng các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm của công ty sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Đồng thời, ban hành các quyết định liên quan đến công tác quản lý, điều hành hoạt động SX,KD theo quy định pháp luật, như: quyết định việc xây dựng và sử dụng thương hiệu, các giải pháp phát triển thị trường và công nghệ; phân công chuyên môn hóa, hợp tác, tiếp cận, mở rộng và chia sẻ thông tin, thị trường; quyết định phương án huy động vốn theo quy định của pháp luật; cơ cấu tổ chức, phương án tổ chức kinh doanh, quy chế quản lý nội bộ, biên chế bộ máy quản lý; quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật và lợi ích khác đối với bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp… Một điểm cần chú ý là, do tính chất đặc thù nên DNQĐ sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn không tách rời sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, mọi quy chế, quy định quản lý, điều hành của doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
3. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, tạo cơ cấu tổ chức hợp lý làm động lực nâng cao hiệu quả SX,KD và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng đổi mới một cách đồng bộ, trọng tâm là xây dựng khung pháp lý và duy trì thực hiện các quy định, quy chế, chuẩn mực và kinh nghiệm thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm, tính công khai và minh bạch trong quản lý, điều hành của bộ máy quản lý doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu, người lao động và các bên có liên quan. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát nội bộ và giám sát bên ngoài, thông qua các công cụ, như: kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, minh bạch hóa thông tin, minh bạch hóa giao dịch nội bộ và giao dịch kinh doanh với các bên có lợi ích liên quan, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động giao dịch.
4. Phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ QP-AN, gắn với hiệu quả SX,KD và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tái cấu trúc DNQĐ cần đặc biệt quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Các DNQĐ cần tạo bước chuyển cơ bản về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, kiến thức QP-AN và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, từ cán bộ chỉ huy, quản lý, nghiên cứu đến kỹ thuật viên, công nhân trực tiếp sản xuất; trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao và công nhân kỹ thuật lành nghề, làm mũi nhọn dẫn hướng cho quá trình phát triển. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi, thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao để họ yên tâm công tác, phát huy tốt khả năng quản lý, điều hành, nghiên cứu, sản xuất, làm cơ sở để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DNQĐ, đảm bảo cho doanh nghiệp hội nhập, phát triển nhanh, bền vững.
5. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp cần có sự ưu tiên và đầu tư bài bản cho các hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu, chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường. Cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội DNQĐ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ tới các tổ chức, nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động đúng định hướng, tận dụng thời cơ, hạn chế rủi ro để ổn định và nâng cao hiệu quả SX,KD, sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Thiếu tướng, PGS, TS. TRẦN TRUNG TÍN
Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng