Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:28 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
“Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đất nước” là mục tiêu xuyên suốt được mọi cán bộ, hội viên Cựu chiến binh luôn quán triệt, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả hoạt động giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, thu được nhiều kết quả quan trọng.
Trong những năm qua, nhất là từ năm 2016 đến nay, trước không ít khó khăn từ thiên tai, dịch bệnh, Thường trực Trung ương Hội và Hội Cựu chiến binh các cấp luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, tuân thủ pháp luật; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “cựu nhưng không cũ”, tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Đồng thời, chủ động tổ chức học tập, nâng cao nhận thức cho hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và địa phương; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp của Hội. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, có năng suất, sản phẩm chất lượng, cạnh tranh cao, gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn. Phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp do Cựu chiến binh làm chủ, tranh thủ thời cơ, môi trường thuận lợi, phát huy lợi thế, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, khoa học và công nghệ, thị trường, sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh thương mại nội địa, xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, v.v. Các cấp Hội định kỳ sơ kết, tổng kết, tổ chức rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng điển hình, mô hình tốt; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên khích lệ, tôn vinh các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Thông qua Phong trào, nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được xây dựng và nhân rộng. Đơn cử, như: tỉnh Hội Bến Tre, có Mô hình “5+1”1 đã được nhân rộng trong cả nước. Tỉnh Hội Gia Lai có mô hình: “2 xóa, 3 giúp”2 đã nhân rộng ra khu vực Tây Nguyên. Nhiều Hội cấp xã, phường xây dựng các câu lạc bộ: “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”; “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế hiệu quả”. Nhiều địa phương có mô hình: “Góp vốn xoay vòng”; “Góp vốn xoay vòng, chuyển đổi cây trồng”; VAC, VACR, trang trại, gia trại chuyên canh; Trồng rừng, bảo vệ rừng; Sản xuất, chế biến nông, lâm, hải sản, v.v. Bên cạnh đó, các mô hình là: “Tổ hợp tác, Hợp tác xã”, Tổng công ty, Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn,… được nhiều Cựu chiến binh làm chủ, phát triển. Đến nay, số lượng, chất lượng mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được nâng lên mạnh mẽ, toàn Hội có: 8.350 doanh nghiệp, 1.604 hợp tác xã, 3.265 tổ hợp tác, 174.240 trang trại, gia trại (tăng 25% so với 05 năm trước) thu hút 704.728 lao động; 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội doanh nhân Cựu chiến binh hay Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh; mỗi năm, hàng chục nghìn hội viên đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Việc phát triển mô hình kinh tế đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh; đó là, lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu phát triển, tạo thương hiệu; phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay để thích ứng với những biến động của nền kinh tế thị trường, v.v. Qua đó, giúp hội viên nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào an sinh xã hội, các quỹ từ thiện, nhân đạo, tri ân đồng đội; nâng cao hiệu quả tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, v.v. Tổng kết Phong trào giai đoạn 2016 - 2021, có 18 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 24 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 04 tập thể, 283 cá nhân được Trung ương Hội tặng Bằng khen.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả, sự lan tỏa sâu, rộng của Phong trào, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, Nghị quyết Đại hội VI của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cấp Hội, hội viên tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt Phong trào, chăm lo, giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên. Các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp, động viên hội viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến cho hội viên chủ trương, định hướng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương; kiến thức kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... nâng cao nhận thức, năng lực vận dụng vào phát triển kinh tế bền vững. Khích lệ, động viên hội viên tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, vượt khó khăn, thách thức, không cam chịu đói nghèo. Chăm lo giúp đỡ hội viên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển các mô hình kinh tế, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Để đạt hiệu quả, hằng năm, căn cứ chỉ tiêu của toàn Hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, các cấp Hội xây dựng, giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo đến từng chi hội; trong đó, cần phân tích làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo của hội viên, đặc biệt là hộ hội viên nghèo ở xã, huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều khó khăn; có biện pháp giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất, dạy nghề,... tạo điều kiện để họ tự vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo. Chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giúp đỡ cơ sở khắc phục khó khăn, phổ biến kinh nghiệm hay để hoạt động kinh tế phát triển sâu rộng, đảm bảo Phong trào có sức lan tỏa sâu rộng.
Thứ hai, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, tạo động lực để các cấp Hội nói riêng, Hội Cựu chiến binh nói chung thực hiện thành công mục tiêu xuyên suốt của mình. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển số lượng các mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả cao do Cựu chiến binh làm chủ, phù hợp với từng vùng, địa phương; mô hình kinh tế doanh nghiệp, có khả năng thích ứng, năng suất lao động cao, có lợi thế cạnh tranh, đủ sức chống chịu với cơ chế thị trường. Chú trọng phát triển mô hình kinh tế gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm hỗ trợ, theo mùa, vụ, phục vụ thị trường địa phương,… đảm bảo vệ sinh, an toàn. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa trong nước và quốc tế. Tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển đa dạng ngành nghề để mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm. Gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, biển đảo, cứu hộ, cứu nạn, du lịch, trồng rừng và bảo vệ môi trường,… góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực gắn với đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế đối ngoại, kinh tế số. Các cấp Hội và hội viên thường xuyên phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của chính quyền, đoàn thể địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, thường xuyên trao đổi thông tin, quản lý chắc nguồn vốn vay ưu đãi, sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác, không để thất thoát, chiếm dụng vốn. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu tăng tỷ lệ tổ tốt, khá, giảm tổ trung bình, không còn tổ yếu kém. Huy động nguồn vốn do hội viên đóng góp, vốn đầu tư cho các mô hình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các dự án kinh tế; ưu tiên hỗ trợ, cho vay đối với hội viên là đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, hộ hoàn cảnh khó khăn. Chủ động quản lý chặt chẽ các nguồn vốn bằng các quy chế, quy định cụ thể. Phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đi đôi với đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0; tập trung chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, du lịch; đào tạo nguồn nhân lực,… để làm ra sản phẩm chất lượng cao, phát triển sản xuất an toàn, hướng vào phục vụ thị trường nội địa và có lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh. Coi trọng hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ với Cựu chiến binh các nước, kết hợp hoạt động đối ngoại với phát triển kinh tế, ưu tiên hợp tác với các nước bạn bè truyền thống. Thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân tạo điều kiện giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp Cựu chiến binh phát triển thị trường, đối tác nước ngoài.
Thứ tư, gắn hoạt động kinh tế với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, xây dựng Hội vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, góp phần xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh. Phối hợp lồng ghép với các chương trình, cuộc vận động, nhất là về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu để Phong trào phát triển ngày càng sâu rộng, chất lượng cao. Phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh thực hiện tốt quy chế theo chương trình phối hợp, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, Hội Cựu chiến binh thực hiện tốt Phong trào là góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam __________________
1 - 05 hội viên khá hoặc giàu giúp 01 hội viên thoát nghèo.
2 - Xóa nghèo, xóa nhà dột nát; giúp công sức, giúp vốn, giúp việc làm.
Cựu chiến binh,phong trào,giảm nghẩo,làm kinh tế giỏi
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng