QPTD -Thứ Năm, 10/12/2020, 07:44 (GMT+7)
Đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách  phát triển khoa học quân sự

Khoa học và công nghệ quân sự là bộ phận của nền khoa học và công nghệ quốc gia, một mặt công tác quan trọng liên quan mật thiết đến xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với cơ chế, chính sách phát triển khoa học của Nhà nước và đặc thù nhiệm vụ quốc phòng góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học quân sự.

Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, sức mạnh đất nước, điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhận thức đó, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ1. Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Khoa học quân sự đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các thông tư về Điều lệ công tác khoa học và công nghệ quân sự; tư vấn đặt hàng, tuyển chọn, đánh giá nghiệm thu, quản lý, đăng ký, lưu giữ kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quân sự. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học quân sự; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động quân sự, quốc phòng, nhất là lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ quân sự có tính đột phá.

Nổi bật là, trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đã kịp thời nghiên cứu, dự báo chính xác các vấn đề về chiến lược quân sự, chiến tranh kiểu mới, làm rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần phát triển lý luận, đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến mới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, đường lối, xây dựng nghị quyết, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; hoàn thiện Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam và các chiến lược chuyên ngành khác. Từ đó, chủ động các giải pháp về chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Công tác khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, hậu cần, y dược quân sự,… đã bám sát yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Toàn quân đã triển khai nhiều chương trình, đề án quy mô lớn, nhằm nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; khai thác làm chủ vũ khí, trang bị công nghệ cao; cải tiến hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, v.v. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất loạt để phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Đơn cử như: việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù. Các nhà máy công nghiệp quốc phòng đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường từ nhiều năm nay, nhưng các viện nghiên cứu vẫn thực hiện cơ chế dự toán. Cơ chế quản lý tài chính, quy định về chế độ chi tiêu, tiến độ cấp kinh phí chưa đồng bộ. Ngoài ra, cơ chế quản lý quyền sở hữu, quyền tác giả, sử dụng kết quả nghiên cứu, cũng như cơ chế phối hợp giữa các tổ chức khoa học công nghệ Quân đội với các cơ sở, trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế còn nhiều nút thắt, v.v.

Để đẩy mạnh phát triển khoa học quân sự, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đổi mới cơ chế, chính sách là một trọng tâm, bảo đảm mọi hoạt động trong lĩnh vực này đồng bộ với quy định của Nhà nước, sự phát triển của xã hội, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đem lại hiệu quả cao.

Thực hiện mục tiêu đó, trước hết, Cục Khoa học quân sự phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, giai đoạn 2021 - 2030 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 theo Kết luận số 62-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ trong Quân đội, nhằm tăng tính chủ động, tự chủ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trong Quân đội; giảm dần chi ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý bộ máy thường xuyên, tăng kinh phí trực tiếp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao thực hiện. Trên cơ sở thí điểm chuyển đổi một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Cục tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức khoa học - công nghệ có khả năng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Quân đội mua công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, tháo gỡ những khó khăn trong ứng dụng, chuyển giao, đưa các sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất trang bị cho Quân đội theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, ngày 14/6/2016 của Chính phủ.

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển khoa học quân sự, tăng tính tự chủ đối với các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng, Cục tiếp tục đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù trong triển khai các chương trình, dự án, đề án khoa học và công nghệ nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, quy mô lớn. Đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình lưỡng dụng trong công nghiệp quốc phòng, nhất là các ngành tiềm năng, như: không gian mạng và không gian vũ trụ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quân sự, với cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng; gắn đặt hàng với cam kết sử dụng kết quả nghiên cứu; rút ngắn thời gian nghiên cứu, đẩy nhanh đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh và ứng dụng kết quả trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển lực lượng vũ trang và khả năng phòng thủ của đất nước. Cục đẩy nhanh tiến độ biên soạn, ban hành bộ quy chế cấp vốn, đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng vào hoạt động theo Thông tư số 122/2015/TT-BQP, ngày 15/12/2015 của Bộ Quốc phòng, tạo thêm nguồn lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu và khắc phục tình trạng chậm cấp kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Cùng với đó, Cục tập trung nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quân sự. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến và khai thác làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới được tăng cường; chế độ, chính sách đối với đội ngũ những người làm công tác khoa học, công nghệ quân sự cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật quân sự ở nước ta tuy có gia tăng về số lượng, nhưng chất lượng còn nhiều mặt hạn chế, còn thiếu những kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành và chưa có các tổng công trình sư trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao; chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học chưa tương xứng, vẫn còn dàn trải, cào bằng, thiếu những công cụ đặc biệt cho số ít tinh hoa là cán bộ có trình độ cao, v.v. Khắc phục vấn đề này, Cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu giúp Bộ Quốc phòng triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học giỏi ở các nước có trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự tiên tiến; đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật trong Quân đội; tăng cường cử cán bộ đi thực tập sinh tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật ở các nước tiên tiến để học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Song song với đó, Cục tiếp tục sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tôn vinh, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài để thu hút chuyên gia trong các ngành khoa học - công nghệ trọng điểm, nhất là các ngành công nghệ cao. Trước mắt, Cục tập trung nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn và quy chế xét duyệt, bãi miễn chức danh sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ trong Quân đội; quy chế và tiêu chuẩn chuyên gia khoa học và công nghệ; quy chế và tiêu chuẩn các giải thưởng, như giải thưởng khoa học và công nghệ, Tuổi trẻ sáng tạo, sáng kiến, sở hữu trí tuệ. Điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ tại Việt Nam theo Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, ngày 22/9/2014 của Chính phủ và Chỉ thị số 85/CT-BQP, ngày 22/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị trong Quân đội; cơ chế, chính sách hợp tác giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ban, ngành, các trường đại học, các viện nghiên cứu ngoài Quân đội và cơ chế hợp tác quốc tế, tạo bước chuyển biến mới trong việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự tại Việt Nam.

Cục tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động khoa học và công nghệ quân sự; xây dựng chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ bằng ngân sách nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi các cơ chế, chính sách của các tổ chức, cá nhân trong toàn quân; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề mới nảy sinh, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy hoạt động khoa học quân sự phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGÔ VĂN GIAO*

Đại tá, ThS. PHẠM VĂN KHẮC*
_______________
* - Cục trưởng Cục Khoa học quân sự.

* - Phó Trưởng phòng Tiềm lực Khoa học quân sự, Cục Khoa học quân sự.

1 - Như: Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013), Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2017), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2019), v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.