QPTD -Thứ Hai, 26/10/2015, 08:13 (GMT+7)
Đẩy mạnh công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và địa phương

Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, Cục Dân quân tự vệ - cơ quan thường trực công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng - đã tham mưu cho Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nhà nước về công tác quốc phòng, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác quốc phòng, đạt được kết quả khá toàn diện trên các nội dung quy định tại Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Nổi bật là việc kiện toàn hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, với cấp tỉnh là 63, cấp huyện trên 700, cấp xã trên 11.100. Hội đồng giáo dục các cấp đều bố trí đúng, đủ thành phần, có quy chế, kế hoạch hoạt động và phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về công tác này. Cơ quan quân sự địa phương các cấp, ban chỉ huy quân sự của bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các tổ chức ở cơ sở đã chủ động tham mư­u cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cùng cấp kịp thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ của từng bộ, ngành và địa phương có chuyển biến tích cực; việc kiện toàn ban chỉ huy quân sự được thực hiện thường xuyên. Công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt kết quả tốt, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Việc rà soát, khảo sát, đánh giá khả năng, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch động viên quốc phòng, động viên công nghiệp được các bộ, ngành và địa phương triển khai, bảo đảm chất lượng. Quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của các bộ, ngành, địa phương luôn có sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, gắn quốc phòng - an ninh với kinh tế và đối ngoại. Cơ quan quân sự địa phương các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng cấp thực hiện tốt việc thẩm định các dự án đầu tư, nhất là các dự án có yếu tố nước ngoài.

Kết quả đó đã góp phần quan trọng củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác quốc phòng của các bộ, ngành và địa phương còn bộc lộ một số hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng chưa đồng bộ; một số cán bộ chủ trì nhận thức về công tác quốc phòng chưa đầy đủ. Ban chỉ huy quân sự một số bộ, ngành chưa phát huy hết vai trò tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu về công tác này; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quân sự nhìn chung còn bất cập; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với cơ quan quân sự địa phương chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; công tác đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên, sắp xếp lực lượng, vũ khí, trang bị và phương tiện vào các đơn vị động viên có nơi thực hiện chưa thật tốt.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực thì hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, khó lường; sự cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt; tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ở khu vực gia tăng. Đối với nước ta, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nhiều hình thức mới thâm độc, nguy hiểm; chúng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có sự phát triển mới. Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với công tác quốc phòng nói chung, ở các bộ, ngành, địa phương nói riêng ngày càng cao hơn, nặng nề hơn. Để hoàn thành tốt công tác này, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và các văn bản quy phạm pháp luật về động viên quốc phòng, động viên quân đội, động viên công nghiệp, v.v. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp và cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm đảm bảo thực hiện công tác quốc phòng đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục; kết hợp tốt giữa quán triệt thường xuyên với tổ chức học tập và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chính trị tại cơ quan, tổ chức, sinh hoạt cộng đồng.

2. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch luôn tranh thủ, lợi dụng những sơ hở trong quản lý, điều hành đất nước (nhất là về kinh tế - xã hội) của Đảng, Nhà nước ta để chống phá. Bởi vậy, các cấp ủy, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương cần coi trọng việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác quốc phòng. Đây là một nội dung quan trọng, nhân tố quyết định thắng lợi của công tác này. Đó cũng là nhân tố bên trong quyết định sự thành bại của cách mạng, sự mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế cho thấy, ở đâu, khi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm và cơ quan quân sự địa phương, ban chỉ huy quân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thì ở đó, khi đó, công tác quốc phòng đạt chất lượng, hiệu quả.

3. Thấu suốt quan điểm của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các bộ, ngành và địa phương cần phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong mọi hoạt động. Đồng thời, phải nắm chắc quan điểm: nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp, được hình thành trên cơ sở sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh nội lực là chính. Do đó, phải coi trọng xây dựng và phát huy mọi nguồn lực của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Thực hiện công tác quốc phòng, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo kết hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; các dự án trọng điểm quốc gia; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, biển, đảo; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế; xây dựng căn cứ chiến lược, hậu phương chiến lược, công trình quốc phòng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ ở trình độ cao; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; trong đó, cần coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án. Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, quy hoạch, dự án trong từng lĩnh vực, bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường quốc phòng - an ninh; đồng thời, thường xuyên luyện tập các phương án để kịp thời khắc phục những hạn chế và hoàn thiện phù hợp với thực tế. Để đảm bảo thực hiện sẵn sàng động viên nền kinh tế phục vụ cho thời chiến, các bộ, ngành và địa phương cần phải tích cực chuẩn bị ngay từ trong thời bình.

4. Đối với bộ, ngành, cần phải thường xuyên coi trọng việc củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của ban chỉ huy quân sự và đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng; tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ có số lượng hợp lý, nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị. Nâng cao khả năng phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở để rà soát, bổ sung phương án chiến đấu bảo vệ cơ sở, xây dựng kế hoạch phòng, chống cháy nổ, bão, lũ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và phòng thủ dân sự tại địa phương, cơ sở. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tuyển quân, đăng ký nghĩa vụ quân sự; công tác xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng thực hiện động viên quốc phòng, động viên quân đội, động viên công nghiệp theo kế hoạch. Để thực hiện tốt công tác quốc phòng, các bộ, ngành còn phải coi trọng, quan tâm chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở nghiên cứu, đổi mới công tác đăng ký, quản lý, điều chỉnh, sắp xếp các phương tiện kỹ thuật, nguồn dự bị động viên vào các đơn vị dự bị động viên theo đúng quy định.

5. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bảo đảm ngân sách đối với sự nghiệp quốc phòng, thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách xã hội có liên quan đến công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, nhằm đảm bảo cho công tác quốc phòng được triển khai ngày càng hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng NGUYỄN DUY NGUYÊN, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.