Thứ Năm, 21/11/2024, 00:39 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, v.v. Là đơn vị có chức năng quan trọng trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ, cứu nạn đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh luôn là thách thức lớn đối với mọi quốc gia, dân tộc; giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh là một ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách của các quốc gia. Đối với nước ta, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có một cơ quan ở cấp chiến lược, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết đó, ngày 09/8/2004, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/QĐ-BQP thành lập Cục Cứu hộ, cứu nạn và ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Cục Cứu hộ, cứu nạn được bổ sung nhiệm vụ là Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Hiện nay, trước sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục đang thực hiện đồng thời 03 chức năng: (1). Tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; (2). Tham mưu giúp lãnh đạo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc; (3). Tham mưu giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Cục đã thực hiện đồng bộ các chức năng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là đã chủ trì tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia ban hành và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch cấp nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Cục đã giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động 4.162.629 lượt người và 164.941 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện; trong đó, Quân đội tham gia 3.441.043 lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%), cứu được 56.788 người (chiếm 77%), 4.815 phương tiện (chiếm 76%), góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và của nhân dân. Qua đó, từng bước xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết - Chủ động - Vượt khó - Kịp thời - An toàn - Hiệu quả” và xây dựng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Với những thành tích đã đạt được, Cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2024), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2014), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2021); Thủ tướng Chính phủ tặng 03 Cờ Thi đua, 08 Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng 08 Cờ Thi đua, 12 Bằng khen; Bộ Tổng Tham mưu tặng 06 Cờ Thi đua, 08 Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, sự cố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,... sẽ ngày càng gia tăng với tính chất, quy mô ngày càng phức tạp, đặt ra thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ, thậm chí còn là một trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta vừa phải triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu để phát triển bền vững, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn trong tình hình mới. Để làm được điều đó, Cục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác; trong đó, chú trọng thực hiện tốt mốt số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tích cực, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đây là chức năng cơ bản của Cục trong việc giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đề ra các chủ trương, quyết sách chính xác, kịp thời, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống. Để nâng cao năng lực tham mưu, Đảng ủy, chỉ huy Cục xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Nghị định về phòng thủ dân sự, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng nắm bắt tình hình và nghiên cứu, phân tích, đưa ra dự báo chính xác, bảo đảm tham mưu đúng, trúng, kịp thời trên từng mặt công tác được giao.
Trước mắt, cùng với việc tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, như: các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, Kế hoạch, Chiến lược Quốc gia phòng thủ dân sự, Luật Tình trạng khẩn cấp, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tình trạng khẩn cấp,... Cục tập trung nghiên cứu, tham mưu kiện toàn, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp; kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc tổ chức có chất lượng lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, phải tập hợp được lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn,... trong mọi tình huống.
Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các địa bàn. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 444/QĐ-TTg, ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Quyết định số 535/QĐ-TTg, ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Cục chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng của từng đơn vị về thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Từ đó, hướng dẫn các đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, các phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo tính chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng thủ dân sự, giúp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức điều hành, vận hành cơ chế linh hoạt khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra, Cục tăng cường chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, phương án của các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, phù hợp với đặc điểm địa bàn và điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học, công nghệ về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Có thể nói, chưa bao giờ nhân loại phải đối phó với nhiều mối hiểm họa, thách thức như hiện nay, bên cạnh những nguy cơ về an ninh truyền thống là các hiểm họa của an ninh phi truyền thống, nổi lên là thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự cố môi trường gây nên. Để ứng phó, đòi hỏi các nước phải mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, cùng phối hợp giải quyết, đã hình thành một xu hướng toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Là một đầu mối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Cục tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và thế giới, nhằm huy động, kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, cùng chung tay giải quyết vấn đề thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn quốc tế, khu vực, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự, phối hợp với nhóm thường trực quân sự ASEAN trong ứng phó với thiên tai, thảm họa và tiếp tục tham gia các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn quốc tế, v.v. Thông qua đó, tạo cơ hội tăng cường tiếp xúc, chia sẻ thông tin, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, hiện đại, nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Cùng với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Cục chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự theo quy hoạch, kế hoạch; nâng cao năng lực theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v. Để thực hiện hiệu quả, Cục tăng cường chỉ đạo số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và chủ trì, phối hợp xây dựng, phát triển, ứng dụng các phần mềm phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như tăng cường năng lực chỉ huy, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đồng bộ, thống nhất, nhanh chóng từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng thủ dân sự.
Bốn là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Trước nguy cơ sự cố, thảm họa ngày càng lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và nhân dân, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi trong Quân đội cũng như toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về cứu hộ, cứu nạn, nhận thức về pháp luật, cơ chế, chính sách phòng thủ dân sự. Đồng thời, tích cực giáo dục phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng tổ chức luyện tập các tình huống cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố, thảm họa phù hợp với điều kiện vùng miền, đặc thù của từng địa phương cho các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân để mọi người hiểu đúng, đầy đủ và có khả năng chủ động thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, xây dựng Cục vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Với đặc thù quân số ít lại phải thực hiện khối lượng công việc lớn, thời gian khẩn trương, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi Cục phải được xây dựng vững mạnh về mọi mặt. Với nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các phòng, ban, trung tâm thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ, nhất là năng lực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, phương pháp, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài với tăng cường bồi dưỡng tại chỗ thông qua hoạt động thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao năng lực làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và chủ động hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Trung tướng DOÃN THÁI ĐỨC, Cục trưởng
Cục Cứu hộ,cứu nạn; năng lực tham mưu; ứng phó,khắc phục sự cố,thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng thủ dân sự
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng