Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Vừa qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng đã tiến hành tổng kết 5 năm Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn, đồng thời đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ Quân đội, tạo mọi điều kiện cho sự tiến bộ và trưởng thành về mọi mặt của phụ nữ trong môi trường Quân đội.
Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phụ nữ, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020,... Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quan trọng này trong Quân đội. Trong quá trình thực hiện, các cấp luôn xác định rõ nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với tình hình, nhiệm vụ đơn vị và triển khai đồng bộ các giải pháp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Để thực hiện tốt công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thường xuyên được kiện toàn, làm tốt việc tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy triển khai các biện pháp nâng cao năng lực hoạt động công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội phụ nữ các đơn vị phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, khẳng định vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện cho sự phấn đấu, phát triển trong môi trường Quân đội và làm tốt thiên chức của người phụ nữ đối với gia đình. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và hội viên phụ nữ. Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động liên quan đến vấn đề bình đẳng giới phù hợp với tình hình thực tiễn các cơ quan, đơn vị và điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19. Biên tập, phát hành tờ rơi, poster, áo truyền thông, sổ tay tuyên truyền và các đầu sách, đĩa hình DVD cấp tới 100% Hội phụ nữ trong toàn quân làm tài liệu học tập, trao đổi, sinh hoạt Hội về bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới; tuyên truyền về “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực trong gia đình” và Ngày Gia đình Việt Nam. Thường xuyên bổ sung nội dung nhận thức giới vào chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ngoại khóa trong các nhà trường Quân đội. Đội ngũ báo cáo viên toàn quân tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho nữ quân nhân và công nhân viên chức, lao động quốc phòng theo chương trình, kế hoạch chung của toàn quân. Các cơ quan báo chí và truyền thông trong và ngoài Quân đội kịp thời phản ánh, tuyên truyền về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, các tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Quân đội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động và tuần hành hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” cấp quốc gia năm 2020, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong và ngoài Quân đội. Các cơ quan, đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tham gia phòng, chống các hành động vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em. Thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống các tệ nạn xã hội, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; nâng cao chất lượng tổ chức Hội phụ nữ, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, củng cố đoàn kết quân - dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ổn định, vững mạnh.
Thực hiện Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội thời gian qua đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trên các mặt hoạt động, lĩnh vực công tác của Quân đội. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy phù hợp được tăng cường, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị1 và lao động, việc làm2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo3; trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, v.v.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc thực hiện Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đó là, một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, vì thế hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ chưa cao, việc tham mưu, đề xuất còn thiếu chủ động, nhạy bén. Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu còn thấp so với mục tiêu đã xác định. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ở một số đơn vị chưa cụ thể, chưa có nhiều giải pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu của công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới vào hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, v.v.
Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giúp nhiều phụ nữ không phải tham gia các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, v.v. Công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để phụ nữ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, những thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; việc điều chỉnh tổ chức, biên chế, cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp Quân đội; nhiệm vụ xây dựng Quân đội và công tác xây dựng Hội phụ nữ đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn. Theo đó, mục tiêu thực hiện Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội thời gian tới là: phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng và công tác lãnh đạo, quản lý các cấp nhất là ở các đơn vị đạt trên 30% quân số. Thu hẹp dần khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm; tỷ lệ nữ lao động mới được tuyển dụng đạt trên 40% so với tổng số mới tuyển dụng; giảm tỷ lệ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xuống dưới 1,8%. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng từ 05% - 10% so với tổng số cán bộ nữ; 100% quân số được khám sức khỏe định kỳ, v.v. Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 thành kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với đặc thù của Quân đội. Đồng thời, có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch hành động vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy. Chú trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ có đủ phẩm chất, năng lực được đào tạo, bồi dưỡng khẳng định vị thế của mình trên các lĩnh vực công tác.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội; trước hết là tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng và người lao động. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách có liên quan đến bình đẳng giới; tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” hằng năm (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12) với nội dung, hình thức phù hợp đặc điểm, tình hình cơ quan, đơn vị.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp với các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện, nhất là trong rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ để tham mưu, đề xuất công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với phụ nữ; ưu tiên đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động nữ trong thực hiện cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp Quân đội.
Bốn là, duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Ở từng cấp tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức nhằm phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu về công tác bình đẳng giới; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; đồng thời, phê phán, đấu tranh, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Năm là, phát huy vai trò Ban Phụ nữ Quân đội, cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong việc tham mưu, tổ chức các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Quân đội, địa phương và các tổ chức đoàn thể phát động. Gắn việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội với phong trào thi đua của phụ nữ Quân đội và phong trào Thi đua Quyết thắng, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ Quân đội trong hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Đại tá, TS. PHÙNG THỊ PHÚ, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội ________________
1 - Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ cán bộ nữ trong Quân đội tăng từ 2,43% (năm 2016) lên 2,97% (vượt chỉ tiêu 0,47%); kết nạp vào Đảng trung bình mỗi năm đạt 9,11%, tham gia cấp ủy các cấp đạt 2,62%; 03/10 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy; 04 nữ sĩ quan quân hàm cấp tướng, v.v.
2 - Tỷ lệ lao động nữ trên tổng số lao động mới được tuyển dụng đạt trên 50%; được nâng loại, chuyển nhóm lương đạt 47,83%; chuyển chế độ phục vụ từ công nhân, viên chức quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp đạt 55,55% so với tổng quân số được chuyển, v.v.
3 - Tỷ lệ cán bộ nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tăng từ 99,8% (năm 2016) lên 100% (năm 2020), trong đó trên 40% có trình độ sau đại học; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề hằng năm đạt 15% trên tổng số lao động nữ, v.v.
Phụ nữ Quân đội,Sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng