QPTD -Thứ Sáu, 10/03/2023, 16:29 (GMT+7)
Công tác quốc phòng ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 105/2018/NĐ-CP, ngày 08/8/2018 của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Tập đoàn là tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh than - khoáng sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với quy mô: 66 công ty con, đơn vị trực thuộc và hơn 94.000 cán bộ, công nhân viên, hằng năm, Tập đoàn sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục triệu tấn than - khoáng sản, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, khẳng định vai trò là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Xuất phát từ đặc thù địa bàn sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi, biên giới, ven biển - nơi có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nên cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng và đạt được những kết quả khá toàn diện. Điều đó được thể hiện rõ trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không ngừng được nâng cao; việc phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh được coi trọng; hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành công tác quốc phòng từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị cơ sở được xây dựng, củng cố, kiện toàn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Lực lượng tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, chất lượng cao; lực lượng dự bị động viên được xây dựng, biên chế phù hợp với đặc điểm tình hình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sẵn sàng động viên trong mọi tình huống, v.v. Đến nay, Tập đoàn có trên 8.600 đồng chí tự vệ, 3.400 đồng chí dự bị động viên, được tổ chức, biên chế phù hợp vào các đơn vị, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn, v.v.

Thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn chủ trương: tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, trong đó có công tác quốc phòng, với những nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, công nhân viên nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Nội dung giáo dục toàn diện, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Luật Quốc phòng năm 2018, Nghị định số 168/2018/NĐ-CP, ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương, v.v. Cùng với đó, Tập đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhằm bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự cường, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nội dung mới về quốc phòng và an ninh để mọi người hiểu rõ và thực hiện tốt công tác này tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Quá trình thực hiện, Ban Chỉ huy Quân sự Tập đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ số cán bộ, đảng viên thuộc diện được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh để xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng theo quy định, đảm bảo chất lượng, không để sót đối tượng. Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về các hoạt động công tác quốc phòng, truyền thống công nhân vùng mỏ và truyền thống ngành than1, v.v. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng tự vệ pháo phòng không của Tập đoàn luyện tập sẵn sàng chiến đấu

Hai là, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành than - khoáng sản Việt Nam là “sản xuất và cung ứng thỏa mãn các nhu cầu về than của nền kinh tế” và xuất phát từ môi trường kinh doanh, Tập đoàn huy động mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tập trung đầu tư theo chiều sâu, tích cực đổi mới công nghệ và thiết lập các cơ chế quản lý phù hợp, nhằm tạo bước đột phá mới về năng suất lao động, chất lượng, hàm lượng tri thức trong từng sản phẩm. Do đặc điểm phân bố than và khoáng sản nước ta thường nằm ở những địa bàn có giá trị về quốc phòng, an ninh, nên việc kết hợp hài hòa giữa mục tiêu, yêu cầu phát triển Ngành theo hướng hiện đại với bảo đảm yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước được tập đoàn hết sức coi trọng. Để không ngừng nâng cao hiệu quả của sự kết hợp này, Tập đoàn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển chiến lược của Ngành phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp than - khoáng sản, Tập đoàn đều tính đến yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh cả trong thời bình và khi có chiến tranh. Các mỏ than lớn hiện nay đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là khu vực phòng thủ chiến lược của đất nước, nên Tập đoàn rất chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao năng lực khai thác, chế biến, tiêu thụ để vừa thỏa mãn nhu cầu cung ứng than cho các thành phần kinh tế trong nước và xuất khẩu, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, củng cố thế trận phòng thủ trong khu vực; khi có chiến tranh, các mỏ than sẽ trở thành các cứ điểm, cụm cứ điểm, tuyến phòng thủ vững chắc của địa phương và đất nước. Hiện nay, các dự án lớn khai thác quặng bôxit ở Đắk Nông và mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) được đầu tư phát triển, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn. Các nhà máy cơ khí do Tập đoàn quản lý cũng đang được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại hóa để nâng cao năng lực chế tạo và sửa chữa thiết bị mỏ, thiết bị công nghiệp và sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng các công trình quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ trên từng địa bàn và cả nước, nhất là xây dựng mới và nâng cấp các tuyến vận tải đường bộ, đường thủy; điều chỉnh, bố trí các khu dân cư, xây dựng trường học, bệnh viện; mở mang, nâng cấp hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và tăng cường tiềm lực, sức mạnh phòng thủ ven biển của đất nước.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự và lực lượng tự vệ, dự bị động viên các cấp trong thực hiện công tác quốc phòng. Để nâng cao chất lượng của cơ quan quân sự, cũng như của lực lượng tự vệ, dự bị động viên, Tập đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiện toàn ban chỉ huy quân sự, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quốc phòng, chỉ huy lực lượng tự vệ các cấp, biên chế lực lượng dự bị động viên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Ban chỉ huy quân sự các cấp một mặt chủ động tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quốc phòng phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Mặt khác, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, các đơn vị liên quan trong nắm tình hình địa bàn, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ ứng phó thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống cháy, nổ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn; gắn huấn luyện với hội thi, hội thao, diễn tập, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập chiến đấu bảo vệ cơ quan, đơn vị, có kế hoạch, phương án huy động, động viên lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết.

Để lực lượng tự vệ, dự bị động viên hoạt động hiệu quả, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tập đoàn chủ động cân đối hợp lý kinh phí bảo đảm hậu cần tại chỗ, huy động nguồn lực cho công tác quốc phòng, các hoạt động của lực lượng tự vệ, dự bị động viên theo quy định của pháp luật; tổ chức mua sắm trang phục tự vệ, bảo vệ, trang bị, công cụ hỗ trợ bảo đảm các điều kiện cần thiết cho lực lượng tự vệ, dự bị động viên phát huy vai trò nòng cốt trong làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cơ quan, doanh nghiệp. Ban chỉ huy quân sự các cấp nâng cao chất lượng tuyển chọn, gọi công nhân nhập ngũ, bảo đảm đúng, đủ chỉ tiêu được giao, đón nhận và quan tâm bố trí việc làm ổn định cho công nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về; phối hợp với cơ quan quân sự, chính quyền địa phương trên địa bàn thu hút thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tham gia vào đội ngũ sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Qua đó, xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên của Tập đoàn không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

VŨ ANH TUẤN, Phó Tổng giám đốc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Tập đoàn
_________________

1 - Ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những người công nhân làm việc trong ngành than, bắt nguồn từ cuộc tổng bãi công của 03 vạn thợ mỏ Quảng Ninh vào ngày 12/11/1936.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.