QPTD -Thứ Ba, 16/02/2016, 08:01 (GMT+7)
Công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt trong Quân đội năm 2016 - mấy nội dung lớn

Công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt là một nội dung cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong năm 2016, cần xác định nội dung trọng tâm triển khai thực hiện; coi đó vừa là trách nhiệm chính trị, vừa thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”, những năm qua, công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt trong Quân đội có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, hoạt động đúng định hướng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, đến với mọi tầng lớp nhân dân, vận dụng cụ thể sát với từng đối tượng, địa bàn và điều kiện của từng đơn vị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị với các lực lượng làm công tác dân vận thường xuyên được chú trọng và thực hiện theo một cơ chế thống nhất. Nội dung, hình thức công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt đa dạng, phong phú, hướng về cơ sở, tập trung vào những địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng dân tộc, tôn giáo, v.v. Với chức năng “đội quân công tác”, toàn quân đã tích cực tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,… làm ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân - dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt ở một số đơn vị còn có mặt hạn chế cần khắc phục. Đó là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì đối với công tác này chưa được quan tâm đúng mức; công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tiến hành, nhất là trong giải quyết các vụ việc phức tạp có lúc, có nơi chưa sát, thiếu nhạy bén. Hiệu quả hoạt động của tổ công tác dân vận ở một số nơi chưa cao; nội dung, biện pháp công tác dân vận ở một số đơn vị chưa phong phú, thiếu chiều sâu, v.v.

2016 là năm đầu quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp và tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng những khó khăn về kinh tế; vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo,... để chống phá ta quyết liệt hơn. Tình hình đó đặt ra đối với công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt trong Quân đội yêu cầu rất cao và cấp thiết, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chủ động nắm, dự báo tình hình, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, vận dụng linh hoạt các nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp. Cơ quan dân vận, cán bộ dân vận và cơ quan chính trị các cấp phải thường xuyên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát địa bàn; dự báo đúng tình hình để tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong thực hiện, cần vận dụng linh hoạt các hình thức; chú ý lồng ghép, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt” gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội,… để triển khai các chương trình, kế hoạch bảo đảm đạt hiệu quả, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm, địa bàn tôn giáo, v.v. Nội dung trọng tâm là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Năm 2016, cấp ủy các cấp cần hết sức coi trọng tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động công tác dân vận trong dịp bầu cử Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021; tiếp tục phát huy vai trò cán bộ tăng cường cơ sở của Bộ đội Biên phòng; đẩy mạnh công tác dân vận của lực lượng thường trực và dân quân tự vệ ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo (trọng điểm là các địa bàn chiến lược). Tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đặc biệt trong các nhiệm vụ. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 154-CT/ĐUQSTW, ngày 09-4-2008 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Hướng dẫn 445/HD-CT của Tổng cục Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới”. Đồng thời, hướng dẫn, triển khai các hoạt động công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch chống phá bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Hướng dẫn 617/HD-DV, ngày 21-10-2013 của Cục Dân vận về “Công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt trong nâng cao cảnh giác, sẵn sàng xử lý các tình huống trước những diễn biến mới”; Hướng dẫn 690/HD-DV, ngày 19-8-2014 của Cục Dân vận về “Công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chủ động nghiên cứu, nắm chắc đối tượng, tham mưu đề xuất với trên và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền đặc biệt sát với nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng, tuyên truyền để bộ đội và các tầng lớp nhân dân nắm, hiểu rõ quan điểm, đường lối trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và công tác dân tộc, tôn giáo trong Quân đội. Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ thị 36-CT/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác tôn giáo; Chỉ thị 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các Đề án thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong Quân đội đến năm 2020. Trong thực hiện, hết sức coi trọng việc phát huy vai trò người có uy tín trong các dân tộc, các chức sắc, chức việc tôn giáo; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng, tham gia xử lý linh hoạt, kịp thời, đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các vấn đề phức tạp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo và các hoạt động “tà đạo”, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cục Dân vận phải chủ động tham mưu, đề xuất với Tổng cục Chính trị và Quân ủy Trung ương các giải pháp thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng trong Quân đội, nhất là trong nhiệm vụ tuyển quân, đào tạo, phát triển cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có đạo, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho Quân đội và địa phương; đồng thời, xây dựng các chuyên đề tiến hành công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt của Quân đội trên địa bàn chiến lược.

Bốn là, nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị 590-CT/ĐUQSTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong Quân đội”; Thông tư 111/2009/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân; mở rộng dân chủ trong các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân. Đồng thời, gắn thực hiện công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; duy trì nền nếp sinh hoạt đối thoại dân chủ, khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, giữ nghiêm kỷ luật, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Năm là, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân vận, đội ngũ cán bộ dân vận các cấp. Theo đó, cấp ủy các cấp phải thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan dân vận cấp mình theo Quy chế công tác dân vận; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận cả về trình độ lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất đạo đức cách mạng; khắc phục tình trạng cử cán bộ có phẩm chất, năng lực yếu và không đủ uy tín đi làm công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt. Đồng thời, lựa chọn, bố trí những cán bộ tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm làm công tác dân vận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế - xã hội, dân chủ, pháp luật, dân tộc, tôn giáo và năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ tăng cường cơ sở, các tổ công tác dân vận, đảm bảo cho họ thông thạo tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc. Các cấp cần hết sức chú trọng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân vận và cán bộ dân vận, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với thuyết phục, nêu gương, làm tốt công tác dân vận trong nội bộ Quân đội, củng cố phong cách văn hóa quân sự “Bộ đội Cụ Hồ”, làm nền tảng cho phong cách công tác dân vận của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cho công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong Quân đội.

Quán triệt, nắm vững nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị và nhiệm vụ công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt năm 2016, toàn ngành Dân vận Quân đội tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện công tác dân vận, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng NGÔ VĂN BÍCH, Cục trưởng Cục Dân vận

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.