QPTD -Thứ Sáu, 07/05/2021, 13:47 (GMT+7)
Chuẩn bị thế trận Hải quân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Hải quân là lực lượng nòng cốt trong thế trận liên hoàn bờ - biển - đảo bảo vệ đất nước trên hướng biển. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, việc chuẩn bị thế trận Hải quân là hết sức quan trọng và cần thiết.

Là quốc gia biển, Việt Nam có vùng biển rộng không những chứa nhiều tài nguyên, khoáng sản, mà còn là cửa ngõ giao thương thế giới. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị và giá trị cao về quân sự. Ngược dòng lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên, các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, kẻ thù thường tiến công từ hướng biển; ở thế kỷ XX, hai cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đều vào từ hướng biển. Vì thế, hướng biển luôn được xác định là hướng phòng thủ chiến lược. Hệ thống quần đảo và đảo trên các vùng biển nước ta cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, cụm điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu,... hình thành tuyến phòng thủ vững chắc, liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp từ đảo xa vào đến đất liền, bảo đảm cho lực lượng Hải quân kiểm soát và làm chủ toàn bộ vùng biển, sẵn sàng ứng cứu, giúp ngư dân làm ăn trên biển; đồng thời đánh thắng mọi lực lượng xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Lễ thượng cờ cho tàu ngầm số hiệu 187 Bà Rịa - Vũng Tàu tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: zingnew.vn

Thực tiễn các cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta cho thấy, Việt Nam luôn phải “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”; đánh địch không chỉ bằng “lực”, mà còn bằng cả “mưu kế”, “thế trận” để giành thắng lợi. Thời gian qua, để phát triển kinh tế, việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở kinh tế của các địa phương ven biển ít nhiều ảnh hưởng tới thế trận Hải quân. Do đó, để lực lượng Hải quân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cả trong thời bình và thời chiến, đòi hỏi phải điều chỉnh, bố trí lại lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với một số nội dung chủ yếu cần tập trung thực hiện là:

1. Xây dựng hệ thống phòng thủ, khu sơ tán, trú đậu ven biển, trên đảo, ven bờ, ven đảo. Để bảo toàn lực lượng, tiến hành các hoạt động tác chiến thuận lợi, phát huy hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cần nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hệ thống phòng thủ, công sự, trận địa, khu sơ tán, sơ tán bí mật, trú đậu ven biển, trên đảo, ven bờ, ven đảo. Trên cơ sở nền tảng thế trận chung trên hướng biển, triệt để tận dụng thế có lợi của địa hình ven biển, trên đảo, ven bờ, ven đảo, các lực lượng Hải quân phối hợp chặt chẽ với các quân khu, tỉnh, thành phố ven biển, nghiên cứu khảo sát, quy hoạch các khu vực, vị trí bố trí lực lượng, cải tạo và xây dựng các công trình quân sự, chuẩn bị trước các thiết bị, công trình cần thiết để bố trí, sơ tán, che giấu lực lượng, nhất là các lực lượng trên biển. Kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, nâng cấp với xây dựng mới các công trình bảo vệ, vật cản, che khuất, ngụy trang, nghi binh, công sự trận địa trên bờ, trên đảo, khu tập kết, khu sơ tán bí mật, trú đậu để triển khai, bố trí các lực lượng cho phù hợp; giữ ổn định, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng bước vào tác chiến. Củng cố hoặc xây dựng chướng ngại ngầm hoặc nổi, không nổ, thu hẹp các bãi đổ bộ từ hướng biển; khảo sát lập kế hoạch triển khai, bố trí chướng ngại nổ chống đổ bộ đường biển tại khu vực địch có khả năng đổ bộ khi tiến công xâm lược nước ta, v.v.

2. Xây dựng hệ thống trinh sát, cảnh giới, thông tin liên lạc trên biển, đảo. Tùy thuộc vào tính năng kỹ thuật, chiến thuật của các phương tiện quan sát, trinh sát có thể triển khai ở những điểm cao thuận lợi ven biển, trên các đảo hoặc trên các tàu hoạt động trên biển. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu cải tạo, nâng cấp, triển khai bổ sung các trạm ra đa quan sát đặt trên các điểm cao ven biển và trên đảo của các vùng Hải quân. Phối hợp với các doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thay thế các loại ra đa cũ bằng các phương tiện quan sát biển tầm xa, độ tin cậy cao hơn, có khả năng chống tác chiến điện tử; nâng cấp, cải tạo và bổ sung phương tiện hiện đại cho lực lượng trinh sát, quan sát cơ động trên biển.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc khu vực ven biển, trên đảo có khả năng chống tác chiến điện tử của địch và duy trì thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống. Tổ chức bảo đảm đầy đủ, chất lượng hệ thống thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, truyền tin,… tập trung trên hướng chủ yếu của từng chiến trường, từng khu vực tác chiến Hải quân. Chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng để triển khai các đài, trạm, tổng trạm, trung tâm,... của hệ thống chỉ huy các lực lượng, như: thông tin liên lạc, quan sát, trinh sát, thông báo, báo động, truyền thông, cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và địa phương chia sẻ thông tin tình hình trên biển; nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng các mạng thông tin, truyền thông trong và ngoài Quân đội khi có tình huống.

3. Bố trí các lực lượng của Hải quân. Tại từng khu vực biển, đảo được phân công quản lý và bảo vệ, các vùng Hải quân phối hợp với quân khu, tỉnh, thành phố ven biển nghiên cứu xác định vị trí bố trí các lực lượng của vùng, gồm: vị trí đóng quân thường xuyên, khu sơ tán, trú đậu, v.v. Khi nghiên cứu vị trí bố trí các lực lượng Hải quân phải đáp ứng yêu cầu: (1) giữ vững thế trận có lợi cho tất cả lực lượng; (2) giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa lực lượng Hải quân với các lực lượng của Bộ, địa phương; (3) chuyển hóa thế trận nhanh chóng, linh hoạt trong quá trình tác chiến; (4) chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm thuận lợi, linh hoạt, vững chắc, liên tục.

Các lực lượng Hải quân được bố trí cả ở trên biển (ven bờ) và trên bộ (trên đất liền, trên đảo). Đối với các lực lượng trên biển (gồm lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm) bố trí theo phương án tác chiến và tuân thủ nguyên tắc “tiện cơ động, triển khai chiến đấu, khi cần nhanh chóng phân tán lực lượng, nhưng tập trung hỏa lực”. Trong đó, bố trí lực lượng tàu mặt nước phải triệt để lợi dụng địa hình ven biển, thế thiên hiểm của địa hình, như: khu vực có nhiều núi, đảo, hang động tự nhiên, vách đá dựng đứng, các vịnh, vũng,… hình thành thế trận có lợi, bí mật, phòng tránh hiệu quả các đòn tiến công hỏa lực của địch, bảo toàn lực lượng. Với những nơi trống trải, dễ bộc lộ lực lượng, phải cải tạo địa hình, tổ chức ngụy trang, nghi binh, che giấu lực lượng, bảo đảm an toàn và duy trì sức chiến đấu. Lực lượng tàu ngầm có thể bố trí tại các vị trí thuận lợi ven bờ hoặc xung quanh các đảo lớn gần bờ. Các đơn vị hải quân đánh bộ, đặc công hải quân bố trí tại các khu sơ tán, tốt nhất là gần vị trí triển khai tác chiến. Các khu sơ tán phải tận dụng triệt để điều kiện địa hình, thảm thực vật để che giấu, bảo toàn lực lượng, đồng thời tiện cơ động lực lượng đánh địch. Các lực lượng phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ được bố trí theo ý định tác chiến và nhiệm vụ được giao. Các đơn vị bảo đảm khác bố trí ở các khu vực thuận tiện bảo đảm chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng.

4. Xây dựng hệ thống căn cứ hậu cần, kỹ thuật. Hệ thống căn cứ hậu cần, kỹ thuật bố trí ở các địa điểm thuận lợi cho tác chiến của lực lượng Hải quân, song cũng phải phù hợp với thế bố trí của các lực lượng, nhằm bảo đảm tốt nhất cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra, chú trọng bảo đảm các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, vật chất đặc chủng của từng lực lượng. Để làm được điều đó, lực lượng Hải quân cần phối hợp chặt chẽ với các quân khu, tỉnh, thành phố ven biển tổ chức khảo sát, xác định các vị trí dự kiến bố trí hậu cần, kỹ thuật trong tác chiến (khu vực trú đậu, cầu cảng,…); chuẩn bị hệ thống hầm chứa, kho, phân kho, trạm, phân trạm hậu cần, kỹ thuật,... để dự trữ cơ sở vật chất tại chỗ, cơ động phục vụ công tác sửa chữa, cung ứng, bảo dưỡng, điều trị, bổ sung lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược; nghiên cứu chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các vị trí tiếp nhận, cung cấp tên lửa, ngư lôi cho các lực lượng tác chiến.

Các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế, sẵn sàng chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ kỹ thuật, hậu cần phục vụ các ngành kinh tế biển tại các vũng, vịnh ven bờ, ven đảo, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế trong thời bình, sẵn sàng phục vụ các hoạt động tác chiến trên biển, đảo khi có chiến tranh.

Bên cạnh đó, cần tận dụng triệt để hệ thống đảo lớn, nhỏ, hình thành các tuyến phòng thủ ven bờ, gần bờ, xa bờ gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Tuy nhiên, do các đảo phân bố không đều, nhiều đảo không có hoặc có rất ít dân, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa kém chất lượng hoặc xuống cấp, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Vì vậy, muốn xây dựng các đảo thành khu vực phòng thủ phải có nhiều giải pháp để tăng số lượng nhân dân sinh sống trên đảo, bảo đảm cho họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, hơn thế đảm bảo ngày càng tốt hơn tương lai của họ; có cơ chế thu hút ngày càng nhiều người dân đến làm ăn, sinh sống, kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để xây dựng thế trận Hải quân trong tình hình mới, cần phải xây dựng “thế trận lòng dân” địa bàn ven biển, trên biển, đảo ngày càng vững chắc. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân địa phương ven biển. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch động viên quốc phòng, bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng và kế hoạch bảo đảm cho các hướng chiến lược, đặc biệt là hướng biển, đảo.

Thực hiện các giải pháp trên, góp phần xây dựng thế trận Hải quân nhân dân Việt Nam toàn diện, vững chắc, liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc.

Đại tá, TS. LÊ QUỐC DŨNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.