Thứ Ba, 26/11/2024, 05:19 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất thực thi chủ quyền một cách liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế với nhiều bằng chứng pháp lý, lịch sử thuyết phục.
1. Việt Nam là quốc gia đầu tiên, duy nhất xác lập chủ quyền và quản lý liên tục, hòa bình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa
Việt Nam có vùng biển rộng, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa nằm trong khu vực biển có vị trí từ 15o45’ đến 17o15’ độ vĩ Bắc và 111o đến 113o độ kinh Đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý; Quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực biển ở vị trí từ 6o50’ đến 12o độ vĩ Bắc và 111o30’ đến 117o20’ độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 203 hải lý. Đây là hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc; là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Theo nhiều cứ liệu lịch sử, đến đầu thế kỷ XVII, Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là hai quần đảo vô chủ. Đến nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa” (lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa (với khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng mỗi năm) để thu lượm hàng hóa trôi dạt trên biển, đánh bắt hải sản quý hiếm; đồng thời, đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo. Cũng với nhiệm vụ này, vào nửa đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn tổ chức thêm “đội Bắc Hải” (lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) để tiến ra quần đảo Trường Sa. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.
Thực tế này đã được các tài liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới lưu giữ dưới dạng: tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của nhà nước cùng các bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686) của Đỗ Bá; Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn; Lịch triều hiến chương loại chí (năm 1821) của Phan Huy Chú; Hải ngoại ký sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán và An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Lu-ít Ta-bơ,… Đặc biệt, Việt Nam còn có các Châu bản triều Nguyễn mà các quốc gia khác không thể có được. Đó là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII) về cử các đội thuyền của Việt Nam đi khảo sát, đo đạc, khai thác và tuần phòng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản này dưới dạng chỉ dụ, đều có bút phê và đóng dấu son của nhà Vua. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định, từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền cần thiết đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Pa-tơ-nốt (năm 1884), Chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hoạt động cụ thể củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 1925 đến năm 1927, Pháp đã tổ chức điều tra về khí hậu, thổ nhưỡng, nghiên cứu mỏ và duy trì tuần tra trên quần đảo Hoàng Sa. Liên tục trong các năm 1930 - 1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Để tiện quản lý, năm 1933, Pháp đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ); thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên (năm 1938). Cũng trong thời gian này, Pháp còn cho đặt cột mốc, xây ngọn hải đăng và các trạm: khí tượng, vô tuyến điện trên hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14-10-1950, Pháp đã chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Đặc biệt, tại Hội nghị Xan Phan-xít-xcô (năm 1951), trước đại diện của 51 quốc gia (trong đó có Trung Quốc), đại diện của chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào của các nước tham dự Hội nghị.
Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, như: đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang,… thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Để tiếp tục thể hiện các hoạt động chủ quyền trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1982). Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo1.
Từ những phân tích trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu thật sự và quản lý hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
2. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa
Gần đây, với việc viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 1958), Trung Quốc đã diễn giải về cái gọi là “Việt Nam công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa”. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử, Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc, ngộ nhận này. Bởi lẽ: Thứ nhất, nội dung Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Đây chỉ là tài liệu thông báo về việc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Thứ hai, là một bên tham gia ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng, theo Hiệp định, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của Việt Nam cộng hòa (vào thời điểm năm 1958). Sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), Cộng hòa XHCN Việt Nam mới kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử. Do vậy, không thể nói rằng, vào năm 1958, Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Song trên thực tế, năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và Chính phủ Việt Nam cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc. Việt Nam cộng hòa còn khẩn thiết yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) họp khẩn cấp về hành vi sử dụng vũ lực của Bắc Kinh. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ không thể tạo ra chủ quyền thật sự. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
3. Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng biện pháp hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế
Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này được thể hiện trong Luật Biên giới quốc gia (năm 2003); Luật Biển Việt Nam (năm 2012); Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố ngày 12-11-1982 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1994) phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 cùng các tuyên bố chính thức khác của Việt Nam.
Tại các hội nghị khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện lập trường xây dựng, nhằm thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tích cực thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đẩy mạnh đối thoại nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, bất chấp luật pháp của Việt Nam, luật pháp quốc tế, việc xâm phạm chủ quyền, an ninh đối với vùng biển, đảo nước ta của nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Vậy mà, từ đầu tháng 5-2014 đến nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 cùng nhiều tàu hộ tống và máy bay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Để bảo vệ cho hành động phi pháp này, các tàu của Trung Quốc đã chủ động ngăn cản, đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam khi đang thực thi nhiệm vụ pháp luật trong vùng biển của mình. Thậm chí, các tàu của Trung Quốc còn cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường trong ngư trường truyền thống Hoàng Sa, làm hàng chục dân thường bị thương. Không những thế, họ còn tìm mọi cách vu cáo tàu của Việt Nam đâm các tàu Trung Quốc tới 1.500 lần mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào trên thực địa. Ngược lại, Việt Nam đã cho công bố nhiều bằng chứng chứng minh trước công luận về các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Những hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiến chương LHQ, DOC, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và đi ngược lại Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cộng đồng trong nước và quốc tế đã bày tỏ kịch liệt phê phán hành động vi phạm trên của Trung Quốc.
Trong hơn một tháng qua, phù hợp với quy định của Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, DOC và Thỏa thuận cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam đã nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình; kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin, đối thoại ở các cấp với Trung Quốc để yêu cầu nước này rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đây là nỗ lực, thiện chí không mệt mỏi của Việt Nam, nhằm mục tiêu cao nhất là, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực.
TRẦN DUY HẢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia ____________________
1 - Tháng 4-2007, Chính phủ quyết định thành lập thị trấn Trường Sa cùng 2 xã đảo: Song Tử Tây và Sinh Tồn.
Hoàng sa,Trường Sa,Chủ quyền Việt Nam
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại 25/11/2024
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại