Thứ Ba, 10/09/2024, 01:17 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Những năm gần đây, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại cả về con người và vật chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống con người. Vì thế, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cần có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị,… theo phương châm: tích cực, chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả. Đây là nhiệm vụ không thể coi nhẹ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết đã thúc đẩy diễn biến thiên tai toàn cầu ngày càng gia tăng, theo chiều hướng cực đoan. Trong khi đó, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả về mức độ, tính chất cũng như các loại hình thiên tai xảy ra. Điều đáng nói là, hiện tượng này chưa đạt đến đỉnh điểm, mà tiếp tục tăng cao, diễn biến phức tạp, với quy mô, cường độ và mức độ ảnh hưởng lớn, nhất là các hiện tượng: mưa lớn trên diện rộng, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, v.v. Chỉ tính riêng năm 2017, thiên tai đã tăng ở mức kỷ lục, với các biểu hiện cụ thể, như: bão nhiều, mưa lớn kéo dài (khu vực Bắc Bộ), sạt lở đất nghiêm trọng (khu vực Tây Bắc); nắng nóng gay gắt kéo dài, làm cạn kiệt nguồn nước, gây hạn hán phạm vi rộng (khu vực Nam Trung Bộ, địa bàn Tây Nguyên),… và đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản
Theo thống kê, trung bình 30 năm gần đây, mỗi năm thiên tai đã làm thiệt hại ước tính gần 1,5% GDP cả nước; năm 2017, con số thiệt hại về kinh tế đã lên tới gần 60 nghìn tỷ đồng. Hơn thế nữa, thiên tai còn tác động trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái; quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế, cũng như sự ổn định về quốc phòng - an ninh,… đất nước. Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời; các cấp, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở tích cực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện việc phòng, chống thiên tai và sự chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân, của cả hệ thống chính trị, nên giảm đáng kể thiệt hại, góp phần quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai của một số cấp, ngành, lực lượng, địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đó là, nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, người dân còn hạn chế; thậm chí, có cấp ủy, chính quyền còn chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác quan trọng này. Năng lực ứng phó của lực lượng phòng, chống thiên tai với một số tình huống lớn còn bất cập, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, v.v. Trong khi đó, dự báo thiên tai những năm tới có thể diễn biến phức tạp, bất thường, trái quy luật, phạm vi rộng và khốc liệt hơn. Vì thế, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai đòi hỏi các bộ, ngành, lực lượng và địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong tình hình mới.
Hiện nay, do đặc thù công tác, hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp thường thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm, nên hầu như không có cán bộ chuyên trách, bởi thường xuyên bị thay đổi. Do vậy, các cấp, ngành và địa phương cần hết sức coi trọng việc củng cố tổ chức này cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo đủ sức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong mọi tình huống. Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ đảm nhiệm công tác này là phải có trình độ, năng lực giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, luôn gắn với quyền lợi của người dân, hướng tới nhân dân. Đồng thời, phải được tổ chức chặt chẽ, phân công, xác định rõ trách nhiệm cho từng thành viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là yếu tố cần thiết, cơ sở nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như năng lực điều hành của bộ máy; đảm bảo để công tác chỉ đạo, chỉ huy, quản lý nhà nước chủ động, thống nhất, liên tục, hiệu quả cao, khắc phục được tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong phòng, chống thiên tai, nhất là Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Đây còn là yếu tố cần thiết, giúp các cấp xác định nhiệm vụ, nhất là xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro sát với thực tế. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống thiên tai một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, chính sách tài chính hỗ trợ,… nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, nhất là việc khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia theo mô hình xã hội hóa công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần quan trọng vào giảm thiểu thiệt hại.
2. Tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng chỉ đạo, điều hành và khắc phục hậu quả.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp,... hệ thống phương tiện, trang bị phòng, chống thiên tai các cấp trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên những địa bàn trọng điểm về thiên tai từng bước được củng cố, theo hướng ngày càng hiện đại, góp phần ứng phó, giảm thiểu đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy vậy, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thiên tai, nhất là trong các tình huống khẩn cấp, ở môi trường, địa hình phức tạp, thì nhu cầu về trang bị, thiết bị hiện đại phục vụ cho chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm, cứu nạn của các cấp, các lực lượng chuyên trách đang còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng nhiệm vụ. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung mọi nguồn lực của xã hội và có kế hoạch, dự án từng bước nghiên cứu, áp dụng khoa học - kỹ thuật tự sản xuất, kết hợp với mua sắm những trang, thiết bị chuyên dùng phục vụ đắc lực công tác này trong mọi tình huống. Trước mắt, cần tập trung nâng cấp trụ sở của cơ quan chỉ đạo, điều hành các cấp với hệ thống theo dõi, kiểm soát thiên tai bằng các phương tiện hiện đại để cập nhật, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu,… phục vụ điều hành theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm chính xác, kịp thời, hiệu quả. Lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ khắc phục, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cần được trang bị những phương tiện hiện đại để nâng cao khả năng ứng phó, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện, nhất là những tình huống phức tạp. Ở các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai, cần đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng đủ khả năng dự báo các hiện tượng thiên tai một cách chính xác, kịp thời. Các công trình phòng, chống thiên tai, như: hồ chứa, đập, đê, kè, công trình thủy lợi, tiêu úng,… cần được áp dụng khoa học, kỹ thuật mới trong xây dựng, bảo dưỡng đạt tiêu chí về độ bền để nâng cao khả năng chống chịu và tiện lợi trong vận hành.
3. Không ngừng nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng phòng ngừa là chính.
Những năm gần đây, các cấp, các ngành và các địa phương đã triển khai, thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, song kết quả chưa được như mong muốn, nhiều nơi khi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Thực tế cho thấy, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra một phần do hạn chế về nhận thức của một số cán bộ cơ sở, nhân dân đối với nhiệm vụ quan trọng này, dẫn đến chủ quan, coi nhẹ, bất cẩn; thiếu các biện pháp, kỹ năng về phòng tránh, ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, nên nhiều trường hợp thiệt hại về người và vật chất không đáng có vẫn xảy ra. Vì vậy, thời gian tới, để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác này, cần huy động nhiều thành phần, lực lượng và vận dụng các phương pháp, hình thức một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền các chuyên đề có giá trị thực tiễn cao, với nhiều thể loại phong phú, phù hợp với văn hóa, nhận thức, đặc điểm từng địa phương. Các tổ công tác, lực lượng tuyên truyền chuyên trách cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ, vùng ít xảy ra thiên tai lớn. Đồng thời, phát huy cao độ đội ngũ cán bộ cơ sở - những người nắm chắc đặc điểm, điều kiện, tâm lý, khả năng nhận thức của người dân trên địa bàn để tuyên truyền, giáo dục, giúp họ nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến ngoài quan điểm, đường lối, pháp luật, quy định,… của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cần tập trung vào tác hại của từng loại hình và biện pháp phòng, chống loại hình thiên tai đó; coi trọng các tình huống cụ thể, sát với địa phương. Thông qua đó làm cho cộng đồng nhận thức rõ những tác động của thiên tai đối với tính mạng, sức khỏe, môi trường sống, sự phát triển của kinh tế - xã hội và ngược lại, những tác động của các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội đến thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đây là những giải pháp rất quan trọng, thiết thực để các cấp, các ngành và địa phương chủ động, tích cực nâng cao khả năng phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các bộ, ngành và địa phương chú trọng lồng ghép các nội dung vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường huấn luyện, diễn tập, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế,… để xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, phát triển đất nước bền vững.
NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai
thiên tai,phòng,chống
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo