QPTD -Thứ Sáu, 26/10/2018, 08:16 (GMT+7)
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - mục tiêu, bối cảnh Chiến lược

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: “khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành các Chiến lược quốc gia: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”1, sau một thời gian khá dài nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, hoàn thành việc xây dựng Chiến lược Quốc phòng trình Bộ Chính trị (khóa XII) thông qua. Cùng với đó, các chiến lược chuyên ngành: Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, Chiến lược Tác chiến trên không gian mạng và Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018 lần lượt được ban hành đã tạo nên hệ thống chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng khá hoàn chỉnh, đồng bộ.

Như vậy, đây là lần đầu tiên các quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được thể chế hóa một cách đồng bộ bằng các văn bản, đảm bảo cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, có tính khả thi cao. Kết quả đó, một mặt phản ánh sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; mặt khác, nó đánh dấu bước phát triển về tư duy - lý luận của Đảng trong lĩnh vực quan trọng này, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và trong nước chúng ta phải đương đầu với những thách thức không nhỏ, trọng điểm là sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang hết sức thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch.

Tin rằng, với việc ban hành các chiến lược quốc gia, chiến lược chuyên ngành cũng như Luật quốc phòng sẽ tạo những thuận lợi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

1. Mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng

Chiến lược Quốc phòng là chiến lược quốc gia trọng yếu nhằm thể chế hóa các quan điểm cơ bản của Đảng ta về Quốc phòng; được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, mà tập trung nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Cùng với Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2009), Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018, Chiến lược Quốc phòng còn khẳng định nhất quán chính sách quốc phòng minh bạch, hòa bình, tự vệ của nhà nước ta.  Căn cứ vào bối cảnh tình hình thế giới và trong nước, nhất là những tác động, chi phối đối với sự nghiệp quốc phòng của nước ta, cũng như khả năng, thực lực quốc phòng của đất nước, Chiến lược Quốc phòng xác định mục tiêu, gồm mục tiêu tổng quátmục tiêu cụ thể như sau:

Mục tiêu tổng quát, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mà cốt lõi là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sức mạnh quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của đất nước (nội lực) được tạo nên bởi các nguồn lực từ các lĩnh vực: kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa, an ninh, đối ngoại, khoa học - công nghệ,… kết hợp với nguồn lực được khai thác từ bên ngoài (ngoại lực) thông qua hợp tác quốc tế về quốc phòng.

Chiến lược quốc phòng được xây dựng nhằm phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định. Khi tình hình, nhiệm vụ có sự phát triển thì Chiến lược Quốc phòng cũng có sự thay đổi thích ứng (điều chỉnh, bổ sung, hoặc có chiến lược mới). Mặc dù vậy, trong điều kiện đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược Quốc phòng không thay đổi, xuyên suốt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Đó là nền quốc phòng do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước trong suốt quá trình xây dựng, hoạt động. Nền quốc phòng đó mang đậm tính nhân dân “do dân, vì dân” và tính chất hòa bình, tự vệ, được xây dựng trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước kết hợp với nguồn lực từ nhân dân; đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài, nhằm không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc – lợi ích cao nhất của quốc gia – lợi ích đó thống nhất với lợi ích của nhân dân: được sống trong một quốc gia có chủ quyền, hòa bình, độc lập, thống nhất trong sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Từ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và nội dung của Chiến lược Quốc phòng có thể thấy nổi lên mấy đặc trưng chủ yếu sau: Thứ nhất, tính chất và mục đích của nền quốc phòng là hòa bình, tự vệ. Thứ hai, là nền quốc phòng toàn dân, trong đó nhân dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng. Thứ ba, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng theo hướng vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Thứ tư, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng và vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Thứ năm, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng với sức mạnh quốc phòng không ngừng được tăng cường nhằm để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; sẵn sàng giải quyết tốt các xung đột và đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù dưới mọi hình thức, quy mô, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, phải thường xuyên gắn với an ninh chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Thứ sáu, tạo cơ sở cho việc nước ta tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các vấn đề liên quan của cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

2. Bối cảnh chiến lược

Việc ban hành Chiến lược Quốc phòng đầu năm 2018 là một điểm nhấn quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đặc biệt, nó ra đời trong bối cảnh tình hình thế giới tuy xu thế chung là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố và các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, môi trường ngày càng gia tăng. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau và vì lợi ích quốc gia họ sẵn sàng thỏa hiệp sau lưng các nước khác; cục diện thế giới đa cực hình thành ngày càng rõ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, nhưng cũng là khu vực cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn. Cộng đồng ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò và hội nhập sâu rộng, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Điều đáng quan ngại nữa là gần đây có dấu hiệu xuất hiện những loại hình chiến tranh mới cả vũ trang và phi vũ trang rất khó đoán định. Tất cả những vấn đề đó đang là những thách thức gay gắt với mọi quốc gia, mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc và xem thường.

Đối với nước ta, bên cạnh mặt tích cực, thuận lợi là chủ yếu: tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng - an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao,… cũng đồng thời đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mà nếu không được ngăn chặn, loại bỏ kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Trong đó, đặc biệt là thách thức từ sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang ta của các thế lực thù địch. Cùng với đó, tình hình Biển Đông gần đây tuy mức độ căng thẳng về tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các bên tạm thời có lắng xuống, nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường. Hơn nữa, đây là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên biển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khó có thể có kết cục trong “một sớm một chiều”, mà sẽ còn lâu dài với nhiều khó khăn, phức tạp.

Trên cơ sở đánh giá đúng bối cảnh chiến lược đó, nhất là sự tác động nhiều chiều (tích cực và tiêu cực) đến cách mạng nước ta, trực tiếp là nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng xác định các tình huống quốc phòng, đối tượng cách mạng, những giải pháp chiến lược, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo quốc phòng,… nhằm đảm bảo sự chủ động chiến lược, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Quán triệt và thấu suốt tư duy mới của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Chiến lược nhấn mạnh quan điểm: vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; coi đó là lợi ích cao nhất của đất nước và là nguyên tắc chiến lược cần phải được giữ vững trong quan hệ quốc tế nói chung, trong hợp tác và đấu tranh quốc phòng nói riêng. Đề cập về mối quan hệ hợp tác và đấu tranh trong lĩnh vực quốc phòng, Chiến lược còn nhấn mạnh phải kết hợp chặt chẽ và linh hoạt hợp tác với đấu tranh; tiếp tục thúc đẩy mở rộng quan hệ, hợp tác quốc phòng để góp phần không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước, đồng thời không coi nhẹ vấn đề đấu tranh quốc phòng. Chiến lược Quốc phòng cũng xác định rõ kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh quốc phòng, gồm: đấu tranh phi vũ trang và đấu tranh vũ trang; trong đó, coi trọng đấu tranh phi vũ trang, nhưng không coi nhẹ hình thức đấu tranh vũ trang và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo sự ổn định từ “bên trong” và đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức của các thế lực thù địch từ “bên ngoài”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

MẠNH HÀ
________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 111.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.