QPTD -Thứ Năm, 21/07/2022, 13:10 (GMT+7)
Chi đội Kiểm ngư số 2 - điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Với chức năng, nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình trên biển; tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ ngư dân, những năm qua, Chi đội Kiểm ngư số 21 đã phát huy cao nhất vai trò là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc, những năm qua, Chi đội đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, mệnh lệnh, nhiệm vụ cấp trên, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng tổng hợp, tạo chuyển biến vững chắc, xây dựng Chi đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, mẫu mực, tiêu biểu. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo: “kiên quyết, khôn khéo, linh hoạt bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo vệ ngư dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển”, không để bị động, bất ngờ; không để xảy ra điểm nóng, xóa các “điểm đen”, “vùng đánh cá truyền thống” do nước ngoài cố tình tạo lập trên vùng biển nước ta, cán bộ, kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư số 2 luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, là lực lượng tiên phong, tuyến đầu trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; với tinh thần: “Đoàn kết, kỷ cương, mưu trí, kiên cường, làm chủ ngư trường, bảo vệ ngư dân”.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; các nước trong khu vực tăng cường các hoạt động trên biển, yêu sách chủ quyền; ngăn cấm tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở ngay trong một số vùng biển của nước ta, trong đó có cả ngư trường truyền thống. Bên cạnh đó, tình trạng đánh bắt cá trái phép trên vùng biển nước ngoài của một số tàu, thuyền ngư dân ta vẫn chưa chấm dứt triệt để. Nhiều phương tiện tàu, thuyền và năng lực, trình độ ngư dân chưa đáp ứng được điều kiện đánh bắt xa bờ, dài ngày, gây rủi ro trong quá trình khai thác hải sản, v.v. Trong khi đó, các lực lượng của Chi đội hoạt động phân tán trên vùng biển, đảo rộng, trình độ, năng lực công tác của cán bộ, kiểm ngư viên chưa đồng đều; điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trước thực tế trên, Đảng ủy, cán bộ Chi đội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi xa, đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, nhất là ở những vùng biển giáp ranh với nước ngoài, góp phần phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch; đồng thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Hướng dẫn ngư trường cho ngư dân

Trước hết, nhằm chung tay cùng các cấp, ngành gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, Chi đội đã và đang nỗ lực tuyên truyền cho ngư dân nắm rõ các quy định về khai thác, bảo quản hải sản; không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, trọng tâm là Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Hằng năm, Chi đội chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển có nhiều ngư dân khai thác ở vùng biển mà Chi đội được phân công kiểm soát, quản lý để thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm tuyên truyền pháp luật về biển. Do địa bàn rộng, đối tượng đa dạng, có nhiều lực lượng hoạt động dài ngày trên biển, nên Chi đội đã chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền, cử báo cáo viên là những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực đến trực tiếp tuyên truyền, vận động tại các cảng cá ở đất liền, cũng như trong quá trình tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Điểm nổi bật là, cán bộ, kiểm ngư viên của Chi đội đã kết hợp chặt chẽ vừa tuyên truyền, vừa chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân nên được họ nhiệt tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Chi đội thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, giúp bà con ngư dân nắm vững được những kiến thức pháp luật cần thiết, làm cơ sở để họ khai thác hải sản hợp pháp, có trách nhiệm vì “một nghề cá bền vững”. Để ngư dân vừa nắm được các nội dung cơ bản của pháp luật về biển, các quy định, tiêu chuẩn hải sản xuất khẩu, vừa nắm được phạm vi vùng biển của ta, nhất là ranh giới với vùng biển nước bạn, các quy định tần số liên lạc trên biển,… Chi đội đã tổ chức soạn thảo, in tờ rơi có bản đồ vùng biển, các dải tần số đài canh trực cứu hộ, cứu nạn của Đơn vị. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, cán bộ, kiểm ngư viên của Chi đội còn đến từng tàu ngư dân để thăm hỏi, tuyên truyền, phát tờ rơi,… hướng dẫn cụ thể, phân tích chi tiết cho bà con ngư dân hiểu rõ những tác hại khôn lường của việc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống ngư dân, vừa ảnh hưởng mối quan hệ đoàn kết, hình ảnh cao đẹp, vị thế của nước ta với các nước trong khu vực2.

Chi đội Kiểm ngư số 2 được giao quản lý toàn bộ vùng biển khu vực Nhà giàn DK1 và vùng biển ở phía Nam giáp ranh với Indonesia, Malaysia, đây là khu vực có số lượng lớn tàu cá của ta hoạt động, nên công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi được Chi đội thường xuyên chú trọng. Hiện nay, hoạt động khai thác hải sản trên biển của ngư dân nước ta, về cơ bản đúng theo quy định và bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tàu, thuyền thiếu giấy tờ theo quy định, không đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải; khai thác tự do, tự phát; thậm chí có những tàu, thuyền còn sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, xâm phạm vùng biển nước ngoài, v.v. Trong khi đó, các nước Indonesia, Malaysia,… tăng cường các hoạt động kiểm soát gắt gao trên biển, họ coi việc đánh bắt hải sản trái phép như “hải tặc” nên thường phá hủy tàu, thuyền; phạt tiền, phạt tù đối với ngư dân vi phạm; khi cần thiết sử dụng cả vũ khí để uy hiếp, trấn áp.

Để khắc phục những vấn đề trên, đảm bảo cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản đúng pháp luật và quy định, Chi đội tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, chuyên ngành thủy sản. Thường xuyên hoặc định kỳ trao đổi, phối hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh có liên quan về tình hình chấp hành pháp luật của các tàu cá đang khai thác trên vùng biển Chi đội quản lý; trao đổi, cập nhật số lượng, chất lượng tàu cá biến động để tra cứu, phát hiện tàu lạ, tàu có biển số không theo đăng ký quản lý của địa phương. Cùng với đó, hằng năm, Chi đội tổ chức hơn 100 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra, bảo vệ ngư trường tại khu vực biển giáp ranh theo kế hoạch, sẵn sàng tăng cường tàu khi có tình huống. Trên cơ sở nắm bắt tình hình thông qua các kênh thông tin của địa phương và các lực lượng có liên quan, trong mỗi chuyến thực hiện nhiệm vụ (thường hơn một tháng) từng tàu kiểm ngư xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường theo định kỳ ngày, tuần hoặc đột xuất khi có thông tin về tàu cá của ngư dân hoạt động, nhất là các tàu cá vi phạm. Chi đội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì chặt chẽ hoạt động tuần tra, kiểm soát, thanh tra của các tàu theo hải trình đã xác định; chú trọng những nơi thường xảy ra xâm lấn vùng biển giáp ranh với nước ngoài của ngư dân. Khi phát hiện tàu cá khai thác trong vùng biển chủ quyền, cách đường phân định, mép dưới vùng chồng lấn với khoảng cách quy định thì các tàu kiểm ngư tiến hành theo các bước từ thấp đến cao, từ tổ chức bám sát, theo dõi, tiếp cận tuyên truyền đến ngăn chặn, ép hướng vào khu vực tổ chức bao vây, bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính, chuyển về bờ, bàn giao cho các cơ quan chức năng của địa phương xử lý.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển, để họ yên tâm khai thác hải sản dài ngày. Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo: “cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, cứu phương tiện sau” và phương châm 4 tại chỗ3, cán bộ, kiểm ngư viên trong toàn Chi đội, đặc biệt là các tàu trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là trong mùa mưa bão; thực hiện nhiệm vụ này là “mệnh lệnh từ trái tim”, “cứu ngư dân như cứu người thân của mình”. Do đó, đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên xây dựng ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; không quản khó khăn, gian khổ, có thể chấp nhận hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi đội chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân,… ban, ngành địa phương trên địa bàn tổ chức rà soát, bổ sung công tác hiệp đồng; xây dựng, triển khai các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển, sát với nhiệm vụ, vùng biển được giao. Tích cực tham gia luyện tập, diễn tập phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch; làm cho mọi cán bộ, kiểm ngư viên nắm vững nhiệm vụ, thuần thục các phương án, bảo đảm không bị bất ngờ, lúng túng khi có tình huống. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, Chi đội chỉ đạo các tàu thường xuyên chuẩn bị chu đáo tại bến mọi trang bị cứu hộ, cứu nạn, như: dây mồi, dây kéo, cáp kéo chữ A, trang thiết bị cấp cứu, thuốc men y tế, v.v. Duy trì nghiêm các kíp trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 24/7, sẵn sàng nhận mệnh lệnh xuất phát nhanh khi có tình huống. Khi nắm được thông tin có người và phương tiện gặp nạn trên biển, các tàu nhanh chóng tác nghiệp, xác định chính xác khu vực, vị trí đó, vận động, tiếp cận mục tiêu, ưu tiên cứu người trước, phương tiện sau. Điểm sáng tạo là, Chi đội đã kết hợp chặt chẽ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật cho ngư dân, tạo chỗ dựa và niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản đạt hiệu quả cao.

Với tất cả tình yêu biển, đảo, trách nhiệm với ngư dân, Chi đội Kiểm ngư số 2 tiếp tục phát huy cao nhất vai trò là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi xa, khai thác hải sản đúng quy định, cùng các cấp, các đơn vị của ngành Thủy sản sớm gỡ cảnh báo của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

NGÔ ĐĂNG HOÀI, Bí thư Đảng ủy Chi đội
_______________

1 - Được thành lập ngày 28/3/2014, thuộc Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2 - Từ đầu năm 2022 đến nay, các tàu của Chi đội đã tuyên truyền trực tiếp cho 266 lượt tàu cá; tuyên truyền qua máy liên lạc nghề cá cho 1.611 lượt tàu cá; gọi tàu đánh cá trên đường phân định về biển Việt Nam: 404 lượt tàu; cấp phát: 1.170 tờ rơi; cấp phát cờ Tổ quốc: 378 Cờ; tuyên truyền cho tàu cá nước ngoài: 45 lượt.

3 - Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.