QPTD -Thứ Sáu, 17/01/2020, 16:05 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định biển, đảo của Tổ quốc

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã, đang triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ nhằm thực thi, duy trì pháp luật trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, có thời điểm căng thẳng. Đặc biệt, hoạt động can dự của các nước lớn, thậm chí xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế. Trước tình hình đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén trong nhận định, đánh giá tình hình, làm tốt chức năng tham mưu chiến lược trong xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì, mềm dẻo, khôn khéo trong tham gia đấu tranh trên thực địa để tuyên truyền, ngăn cản tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta, góp phần bảo vệ hoạt động dầu khí và kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Huấn luyện thực hành lớp điện tàu ở Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển chủ động sử dụng lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu trên 3.500 lần/chiếc tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phối hợp xác minh, xử lý hàng trăm vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực tại các vùng biển giáp ranh với các nước để tuyên truyền, ngăn chặn tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển nước khác đánh bắt hải sản, góp phần thực hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam với Ủy ban châu Âu (EC) trong việc đề nghị rút “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật1; phối hợp nắm bắt tình hình, kịp thời sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, tạo niềm tin cho ngư dân vươn khơi, bám biển, v.v. Những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện sự kiên quyết, kiên trì cùng với các lực lượng khác và cả hệ thống chính trị bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Dự báo trong thời gian tới, Biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, mau lẹ, tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo Việt Nam. Các nước lớn tiếp tục gia tăng hoạt động nhằm khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng trong khu vực để đạt được mục đích của mình. Điều đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác định phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Cụ thể, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược trên lĩnh vực được phân công. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xử lý các vấn đề trên Biển Đông, chủ động tham mưu, đề xuất đối sách ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề nảy sinh, các tình huống trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với công ước, luật pháp quốc tế. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, nhất là những động thái mới trên biển, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đánh giá chính xác về đối tượng, đối tác, đảm bảo tham mưu trúng, đúng, kịp thời. Mặt khác, tiếp tục tham mưu đẩy mạnh thực hiện lộ trình hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trọng tâm là thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, theo hướng “tinh, gọn, mạnh, có tính chuyên nghiệp cao”. Trong đó, quan tâm xây dựng cơ quan, đơn vị “3 mạnh”2, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm, đóng mới hệ thống tàu, xuồng, trang bị, bảo đảm đồng bộ, hiện đại.

Thực hành bài bắn súng AK ứng dụng trên biển ở Vùng Cảnh sát biển 3

Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, cấp ủy, chỉ huy các cấp của lực lượng Cảnh sát biển tăng cường giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ, phần lớn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển phải làm việc trong điều kiện, môi trường khắc nghiệt, tính độc lập cao, đối mặt với những tình huống nguy hiểm, phức tạp nên yêu cầu, đòi hỏi rất cao về bản lĩnh chính trị, tính tổ chức, kỷ luật, lòng dũng cảm, v.v. Do đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời, thực hiện nghiêm nền nếp giáo dục chính trị cho các đối tượng, quán triệt các nội dung chuyên đề về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời thông báo, thông tin tình hình, định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao cho cán bộ chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Toàn lực lượng đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Quyết định 1059/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển và các lực lượng có liên quan; từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của Luật trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, toàn lực lượng tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ huấn luyện, đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về nâng cao chất lượng huấn luyện nhằm tạo đột phá về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển hiện đại làm mục tiêu huấn luyện; nắm chắc pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Từ đó, nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và sức mạnh thể chất của cán bộ, chiến sĩ để đấu tranh hiệu quả với những hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Việt Nam bằng biện pháp pháp luật, hòa bình.

Tặng áo phao, phao cứu sinh cho ngư dân

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện tốt các nghị định của Chính phủ và các quy chế, quy định về công tác phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là Nghị định 66/2010/NĐ-CP, ngày 14-6-2010 của Chính phủ về ban hành “Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Quyết định 133/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển, xây dựng động cơ, tinh thần trách nhiệm cao, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Thông qua công tác phối hợp, kịp thời nắm tình hình, tham mưu, đề xuất biện pháp, tham gia xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển. Tiếp tục hoàn thiện việc ký kết quy chế phối hợp công tác, chương trình thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với các tỉnh, thành phố ven biển3; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ngư dân để mọi người nắm vững, hiểu rõ, tuân thủ các quy định của Luật, sẵn sàng chấp hành việc huy động nhân lực, phương tiện tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về Cảnh sát biển. Tập trung mở rộng quan hệ, duy trì hiệu quả cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật của các nước ASEAN, nhất là các nước có vùng biển giáp ranh; trao đổi, làm việc với Cảnh sát biển Trung Quốc về tình hình, các hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam và thực hiện nghiêm các nội dung trong bản ghi nhớ hợp tác mà hai bên đã ký kết. Đồng thời, duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật của các nước nhằm tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, thực thi pháp luật trên biển. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chủ động thực hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan đầu mối, thường trực thực hiện các hiệp định, như: Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á...; duy trì hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á (ReCAAP ISC); phối hợp, chia sẻ thông tin với Trung tâm An ninh hàng hải Hải quân Singapore (IFC), Trung tâm Thông tin chống cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Malaysia (IMB),… góp phần duy trì vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, phối hợp cùng các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Trung tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

_____________

1 - Năm 2019, đã phát hiện, đấu tranh xử lý 488 vụ/798 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tại sản vi phạm ước tính khoảng 200 tỷ đồng.

2 - 3 mạnh: 1. Mạnh về tham mưu, đề xuất; 2. Mạnh về theo dõi, chỉ đạo; 3. Mạnh về kiểm tra, đôn đốc.

3 - Đến nay, đã ký kết chương trình phối hợp với 10 tỉnh, thành phố, phấn đấu đến hết năm 2020 ký kết với 12 tỉnh, thành phố ven biển theo kế hoạch.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.