QPTD -Thứ Năm, 17/11/2022, 15:32 (GMT+7)
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, đa chiều tới mọi lĩnh vực của đất nước ta, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nghiên cứu để nhận thức về thời cơ, thuận lợi nhằm tận dụng, phát huy; đồng thời, thấy rõ những tác động tiêu cực để ngăn chặn, chuyển hóa thành sức mạnh, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Sự ra đời và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là đặc điểm nổi bật nhất trong giai đoạn hiện nay. Cuộc cách mạng này với đặc trưng nổi bật là sự xuất hiện của internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn,... tạo ra sự thay đổi về chất trong tiến trình phát triển của lực lượng sản xuất. Trong đó, công nghệ số đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, đưa tới cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Trong lĩnh vực quân sự, nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, như: vũ khí thông minh, tên lửa hành trình, rô bốt tác chiến, ứng dụng mô phỏng trong huấn luyện, hệ thống chỉ huy, điều khiển, tình báo và trinh sát,… tác động to lớn, toàn diện tới phương thức chỉ huy điều hành tác chiến và tác chiến trực tiếp trên chiến trường; thay đổi phương châm, phương pháp huấn luyện, đào tạo, v.v. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, dự lường những tác động, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa” là yêu cầu cấp thiết đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta đều biết, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” nói riêng tất yếu sẽ chịu tác động từ nhiều nhân tố, trong đó có tác động ngày càng rõ nét từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về mặt tích cực, những thành tựu của cuộc cách mạng này, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã hình thành “sợi dây vô hình” kết nối, tạo nên sự đan cài lợi ích giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ sở để củng cố xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, giảm thiểu các nguy cơ chiến tranh, xung đột. Cùng với đó, nước ta có những điều kiện thuận lợi trong tận dụng cơ hội “đi tắt, đón đầu” mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở vật chất, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đồng thời, tạo ra những điều kiện mới để tiếp tục củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bảo vệ Tổ quốc, v.v. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này cũng không hề nhỏ: trong vòng xoáy chạy đua giữa các nước về khoa học, công nghệ với mục tiêu tranh giành ảnh hưởng chính trị, những nước nhỏ, yếu sẽ bị đặt vào thế phải “chọn bên”. Đây là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thay đổi to lớn về lối sống, văn hóa, đạo đức của con người, đưa đến nguy cơ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, chạy theo đồng tiền,… phá vỡ những giá trị của văn hóa xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ là cơ hội để các thế lực thù địch tận dụng tối đa những công cụ, phương tiện, nhất là không gian mạng nhằm tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng nước ta, v.v. Trong bối cảnh đó, để tận dụng những tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, chúng ta cần chủ động xác định chủ trương, giải pháp thực hiện, tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

Một là, nâng cao tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và toàn dân trước tác động ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là vấn đề tất yếu, quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu cao về sự chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, trong đó và trước hết là sự chủ động về chính trị tinh thần. Tinh thần của người lính (lực lượng nòng cốt) và quần chúng nhân dân (trong nền quốc phòng toàn dân) đã sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống hay chưa? Có lo sợ về một cuộc tấn công bằng vũ khí công nghệ cao hay không? Đó là những vấn đề thực tế đặt ra. Vì vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về mối quan hệ giữa nhân tố con người và vũ khí. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra trí tuệ nhân tạo, vũ khí, phương tiện mới, hiện đại, song dù có hiện đại tới mức nào cũng đều là sản phẩm của con người và do con người khai thác, làm chủ. Yếu tố quyết định chính là con người chứ không phải vũ khí, trang bị. Do vậy, các cấp, ngành, lực lượng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin tưởng vào đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam; tin tưởng vào khả năng làm chủ các loại vũ khí, trang bị, v.v. Đặc biệt, coi trọng việc xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, nâng cao khả năng dự báo các tác động từ khoa học, công nghệ tới nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục phát triển, tác động mạnh mẽ theo cả bề rộng và chiều sâu tới mọi hoạt động, tạo sự cộng hưởng lớn khiến tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Vì vậy, để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, cần nghiên cứu, dự báo, lường trước những yếu tố tác động, đặc biệt là đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh để có phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, các cơ quan dự báo chiến lược cần chú trọng nâng cao khả năng ứng dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ quá trình thu thập, xử lý thông tin, dự báo, chủ động nắm chắc tình hình. Đặc biệt là những nguy cơ chiến tranh trên không gian mạng; âm mưu, hành động có khả năng gây tổn hại tới sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước; các thủ đoạn, hành động tấn công xâm nhập, thu thập thông tin, bí mật nhà nước, cài cắm mã độc, phần mềm gián điệp. Kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại nhằm tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, chống phá của các thế lực thù địch, phản động,... không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ba là, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường tiềm lực kinh tế cho quốc phòng. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh tế là nhân tố quyết định quy mô, tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang và phương thức tiến hành chiến tranh. Ph. Ăngghen khẳng định: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”1. Vì vậy, để tạo sức mạnh răn đe và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, đất nước phải có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh và cần chuẩn bị chu đáo ngay từ thời bình, trong đó có sự tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển. Để làm được điều đó, cùng với thúc đẩy sự phát triển toàn diện đất nước, cần chủ động chuyển hóa những giá trị từ khoa học, công nghệ thành tiềm lực kinh tế cho quốc phòng, nhất là tận dụng, chuyển hóa các nền tảng số, công nghệ số,... cùng các công nghệ hiện đại trong thực hiện quan điểm của Đảng về: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”2 cũng như trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bốn là, tăng cường ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực chịu tác động nhanh và sâu sắc nhất từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước; giữ vai trò quan trọng, tạo tiền đề để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Do đó, ngành Công nghiệp quốc phòng cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về  “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”3; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đề án của Bộ Quốc phòng về “Quan điểm, mục tiêu và chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của công nghiệp quốc phòng đến năm 2030”. Qua đó, chủ động, tạo bước đột phá cho phát triển công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí mới. Tiếp tục triển khai một số hướng nghiên cứu đã đạt kết quả bước đầu; đồng thời, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ in 3D vào sản xuất công nghiệp quốc phòng; cải tiến, hiện đại hóa, thông minh hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, tạo cơ sở vật chất để từng bước hình thành các lực lượng tác chiến mới phù hợp với sự phát triển của các loại hình tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiến hành đồng bộ, hiệu quả các nội dung, giải pháp trên là một trong những phương thức nhằm tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, khó khăn mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã xác định.

Đại tá, TS. NGUYỄN KIÊM VIỆN, Trưởng phòng Khoa học quân sự , Tổng cục Chính trị
________________

1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 235. 

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 158 - 159.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.