QPTD -Thứ Năm, 12/02/2015, 10:08 (GMT+7)
Bộ Xây dựng với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Bộ Xây dựng là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng: quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở, công sở và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; quản lý, phát triển thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng và các dịch vụ công theo quy định của pháp luật, v.v. Với vị trí là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước, Bộ Xây dựng có tác động và chi phối lớn tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và dân sinh. Do đó, trong chiến lược quy hoạch phát triển của Ngành có nhiều nội dung kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với quốc phòng - an ninh (QP-AN), như: thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia có liên quan đến QP-AN.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm; trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa thật vững chắc, môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, ngành Xây dựng vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng là một sự nỗ lực lớn. Nổi bật là, Bộ đã duy trì được sự tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, góp phần làm chuyển biến tích cực nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn Ngành đạt gần 850 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 10,2% so với năm 2013), trong đó, về giá trị tăng khoảng 160 nghìn tỷ đồng (tăng 7%) và chiếm tỷ trọng 6,0% GDP cả nước (tăng 0,1%), tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35% (tăng trên 1%), v.v. Điều đáng nói là, việc bảo đảm nhà ở cho các đối tượng ở các vùng, miền, cả ở đô thị, vùng sâu, xa, biên giới, biển đảo đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 21 m2 sàn/người (tăng 1 m2 sàn/người so với năm 2013), nâng diện tích nhà ở xã hội của cả nước đạt 1,8 triệu m2.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, Bộ Xây dựng còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, khảo sát trong xây dựng các dự án, công trình lớn, trọng điểm quốc gia, bảo đảm vừa phát triển KT-XH, vừa tăng cường QP-AN và thực hiện an sinh xã hội, v.v. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chất lượng công trình. Trong công tác quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, Bộ tích cực chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, đô thị, nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quận sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đô thị trên phạm vi cả nước, bảo đảm kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN chặt chẽ, hài hòa, phục vụ cho cả lợi ích kinh tế và QP-AN.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các công trình, cùng với việc nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thường dùng, phục vụ xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, Bộ chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất vật liệu có đặc tính kỹ thuật cao để sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, như: xi măng chịu được tác động của a-xít, muối, chống bức xạ và tác động bất lợi khác, v.v. Các loại vật liệu này được sử dụng để xây dựng công trình dân sinh, quốc phòng ngoài biển, đảo và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khu vực dân cư bị nước biển xâm thực, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhân dân ổn định đời sống trên các đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Những năm gần đây, nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao, nhất là của các đối tượng: người có công, người nghèo, người ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp ở đô thị, v.v. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình, chính sách bảo đảm cho người dân có nhà ở an toàn (về người và tài sản), như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2); Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, v.v. Nhờ đó, tổng diện tích sàn nhà ở toàn quốc tính đến năm 2014 tăng 92 triệu m2; trong đó, có gần 01 triệu m2 nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Bộ Xây dựng đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự. Trong đó, tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị định 119/2004/NĐ-CP “Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương”, Chỉ thị 16/CT-TW, ngày 05-10-2002 “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, v.v. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Dân quân tự vệ, các thông tư của Bộ Quốc phòng quy định chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ Ban Chỉ huy quân sự và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị Quân đội và Ban Chỉ huy Quân sự các bộ, ngành Trung ương; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự các bộ, ngành Trung ương, v.v.

Cùng với đó, Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quốc phòng, như: Báo cáo 40 - BC/BCSĐ, ngày 30-5-2013 Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương giai đoạn 2011 - 2015; các hướng dẫn chỉ đạo và triển khai xây dựng hệ thống văn kiện trong thời bình, thời chiến, v.v.

Thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN), hằng năm, Bộ chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự rà soát, lập danh sách bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 1, đối tượng 2 ngay từ đầu năm. Năm 2014, Bộ đã cử 01 đồng chí thuộc đối tượng 1 và 06 đồng chí thuộc đối tượng 2 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN do Bộ Quốc phòng tổ chức. Các đơn vị trực thuộc cử nhiều cán bộ thuộc đối tượng 3, 4, 5 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP&AN do cơ quan quân sự địa phương tổ chức. Nhờ đó, các đối tượng, nhất là cán bộ thuộc đối tượng 1, đối tượng 2, sau khi được bồi dưỡng kiến thức QP&AN đã có sự chuyển biến rõ về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quân sự, quốc phòng.

Hệ thống nhà trường thuộc Bộ Xây dựng quản lý, gồm các trường: đại học, cao đẳng, trung cấp, cao đẳng nghề và các trường công nhân kỹ thuật của các tổng công ty, hằng năm đều thực hiện nghiêm nội dung, chương trình môn học Giáo dục QP&AN theo quy định của Luật Giáo dục QP&AN, sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng v.v. Căn cứ vào điều kiện, đối tượng, từng trường vận dụng hình thức, phương pháp huấn luyện phù hợp: tại chỗ, gửi học sinh, sinh viên đến các trung tâm huấn luyện của cơ quan quân sự địa phương. Nhờ đó, 100% học sinh, sinh viên các trường (khoảng 18.000 người) đều được học môn Giáo dục QP&AN theo đúng quy định.

Công tác quân sự được Bộ thường xuyên coi trọng. Các doanh nghiệp, đơn vị thuộc ngành luôn chủ động xây dựng và tổ chức  huấn luyện dân quân tự vệ theo đúng hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương. Những năm gần đây, công tác xây dựng và quản lý lực lượng dự bị động viên có chuyển biến tích cực; các cấp đều thực hiện nghiêm chế độ đăng ký, quản lý, huấn luyện theo quy định. Bộ đã xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng và chỉ đạo các đơn vị chấp hành nghiêm túc kế hoạch động viên phương tiện, trang bị khi có lệnh huy động; tích cực tham gia diễn tập theo các phương án của địa phương nơi đơn vị đứng chân. Công tác tuyển quân, gọi công dân nhập ngũ cũng được Bộ quan tâm chỉ đạo các tổng công ty, công ty thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đồng thời, có kế hoạch nhận và sắp xếp, bố trí công việc khi họ hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trở về cơ quan công tác.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Bộ Xây dựng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác quốc phòng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

LÊ QUANG HÙNG, Thứ trưởng Bộ xây dựng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.