QPTD -Thứ Năm, 06/11/2014, 22:11 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự. Vì vậy, công tác này đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) là  cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và PTNT, với lực lượng chiếm tỉ lệ gần 70% dân số cả nước. Các đơn vị của Bộ được tổ chức, phân bố ở nhiều địa phương; trong đó, nhiều đơn vị đứng chân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện kết hợp tốt nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN).

Quán triệt quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của Đảng, Bộ đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự. Trong đó, tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới”, Nghị định 119/2004/NĐ-CP “Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương”, Luật giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN). Với trách nhiệm là Bộ quản lý ngành, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực xây dựng và tham gia ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quốc phòng, như: Nghị định 102/2012/NĐ-CP, ngày 29-11-2012 của Chính phủ “Về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư”. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quốc phòng trong ngành, như: Chỉ thị 161/BCS/CT, ngày 19-11-2007 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP&AN trong tình hình mới tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ”; Công văn 230/BNN-KH, ngày 17-01-2013 về nhiệm vụ công tác quốc phòng năm 2013; Quyết định 429/QĐ-BNN-KH, ngày 12-3-2014 phê duyệt Kế hoạch công tác QP-AN của Bộ năm 2014, v.v.

Để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn coi trọng việc củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Quân sự các cấp, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quân sự, quốc phòng và chỉ huy các đơn vị tự vệ. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác QP-AN, nhất là công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đến nay, toàn ngành đã thành lập 84 Ban Chỉ huy Quân sự trong 104 đầu mối, các đồng chí Bí thư, Phó bí thư hoặc cấp ủy viên là Chính trị viên, thủ trưởng đơn vị là Chỉ huy trưởng. Ở những đơn vị có đủ điều kiện, nhiều cán bộ, công nhân, viên chức trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, như: vườn Quốc gia Bạch Mã, Ba Vì, Cát Tiên, trường Đại học Thủy lợi,... Bộ chỉ đạo thành lập các trung đội, đại đội tự vệ. Các đơn vị tự vệ này được tổ chức theo Luật Dân quân tự vệ, nhằm phục vụ cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và thiết thực góp phần bảo vệ cơ quan, đơn vị, phối hợp với công an bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Năm 2014, Bộ đã tổ chức 02 lớp huấn luyện tự vệ cơ quan cho 26 cán bộ, chiến sĩ; chủ động mời các chuyên gia của Quân đội, Công an nói chuyện về QP-AN, huấn luyện quân sự, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

Để công tác quốc phòng đi vào nền nếp và ngày càng hiệu quả, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động theo đúng Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP&AN trong tình hình mới” và Luật GDQP&AN. Đồng thời, sao gửi tài liệu, chỉ đạo lồng ghép với các hội nghị, các lớp học, tập huấn, quán triệt nghị quyết và phát tin nội bộ. Nhờ đó, các đối tượng đều nắm chắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác QP-AN.

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng GDQP&AN Trung ương và các quân khu, Bộ chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 1, 2; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3, 4. Cơ quan, đơn vị chủ động thông báo cho từng đối tượng thuộc diện bồi dưỡng ngay từ đầu năm để họ sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, sẵn sàng tham gia; đồng thời, bố trí người kiêm nhiệm bảo đảm công việc. Nhờ đó, kết quả GDQP&AN năm 2014 của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực: có 13/15 người thuộc đối tượng 1, đạt 86,66% (trong đó có Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các Tổng cục); 103 lượt người thuộc đối tượng 2 khối cơ quan Bộ và các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, nhận thức của các đối tượng về công tác QP-AN được nâng cao, vận dụng có hiệu quả vào công tác chuyên môn.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 40 trường, gồm: 02 trường cán bộ quản lý, 04 trường đại học, 32 trường cao đẳng và 02 trường trung học (trong đó có 19 trường cao đẳng nghề). Hằng năm, có hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên được tuyển. Vì thế, Bộ chỉ đạo trực tiếp các trường xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, bảo đảm 100% học sinh, sinh viên được học tập môn GDQP&AN. Các trường đã thực hiện nhiều biện pháp, hình thức tổ chức giáo dục GDQP&AN phong phú, phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương và đối tượng. Nội dung giáo dục tập trung nâng cao ý thức, kiến thức quốc phòng và kỹ năng quân sự cần thiết. Năm học 2012 - 2013, các trường đều hoàn thành nội dung GDQP&AN cho 100% học sinh, sinh viên và học viên, kết quả kiểm tra có 34,1% giỏi, 57,9% khá, 7,3% đạt, số ra trường trên 99% hoàn thành môn học. Bộ còn chỉ đạo tăng cường GDQP&AN lồng ghép vào các hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn của quốc gia và của Bộ, ngành; Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như: phát động và triển khai chương trình “Chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”, “Triển lãm ảnh tư liệu khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, tổ chức gặp mặt cán bộ, viên chức là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về công tác quốc phòng cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân.

Trong quá trình chỉ đạo phát triển Ngành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, ổn định dân cư, nâng cao đời sống nhân dân, vừa tăng cường công tác quốc phòng. Đặc biệt là, trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH ở các vùng, miền, Bộ đều chú trọng đến nhiệm vụ QP-AN.

Công tác di dân là nhiệm vụ quan trọng của Bộ nhằm đảm bảo cân đối và bố trí hợp lý nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giải quyết bài toán này, Bộ đã thực hiện đồng thời nhiều nội dung: rà soát các khu vực dân cư bị đe dọa bởi thiên tai (sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở, sụt lún đất), di dân tái định cư liên quan đến thủy lợi, thủy điện, di dân ra biên giới, hải đảo, ổn định dân di cư tự do và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tăng đầu tư ngân sách hỗ trợ. Đồng thời, tích cực chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư, biên giới, hải đảo, thu hồi đất, giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; trong đó, chú trọng quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư các xã giáp biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Cam-pu-chia, Việt Nam – Trung Quốc và khu tái định cư, di dân của Dự án thủy điện Lai Châu.

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được Bộ Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm, ưu tiên. Thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn, đã đào tạo được 771,7 ngàn lao động nông nghiệp (2010 - 2013), bảo đảm tỉ lệ lao động nông nghiệp đang làm việc đã qua đào tạo năm 2013 đạt 3,5%, tăng 0,5% so với năm 2012. Trước tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến khai thác hải sản, Bộ đã triển khai Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Hải sản, nhằm khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, khuyến khích thành lập đội sản xuất nghề cá; đẩy mạnh hiện đại hóa tàu cá theo Quyết định 1787/QĐ-TTg, ngày 29-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Sự ra đời của lực lượng Kiểm ngư (25-01-2013), là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ nói chung, bảo vệ biển đảo trong tình hình mới nói riêng. Trong gần 02 năm qua, Lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phép cho các tàu hoạt động trên vùng biển Việt Nam theo luật định, phối hợp với Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Hải Quân xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam; tuần tra chung khu vực vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo các đơn vị trên từng địa bàn tham gia phòng, chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, bão lũ với phương châm 4 tại chỗ (vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm cho các đơn vị, địa phương ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai khi có tình huống. Ngoài ra, Bộ còn tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác bảo vệ, phát triển rừng, phát triển nông thôn; tham gia cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các dự án kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình Biển Đông, hải đảo.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

TRẦN GIA LONG, Phó Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự Bộ NN&PTNT

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.