QPTD -Thứ Năm, 18/02/2021, 08:19 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao chất lượng công tác quốc phòng

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương, cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn; góp phần quan trọng bảo đảm cuộc sống cho gần 67% dân số cả nước. Các đơn vị thuộc Bộ được tổ chức, phân bố ở nhiều địa phương, một số đơn vị đứng chân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Những năm qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ quốc phòng và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, Bộ đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng; tích cực tham gia ý kiến góp ý xây dựng, hoàn thiện Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Xây dựng, quản lý và chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam; tuần tra chung khu vực vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc. Trên đất liền, biên giới, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo các đơn vị trên từng địa bàn tham gia phòng, chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, bão lũ với phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm cho các đơn vị, địa phương ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai khi có tình huống.

Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lênh Bộ đội biên phòng và Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế và thương mại thế giới chuyển biến nhanh chóng, khó lường; việc nước ta tham gia ký các hiệp định thương mại lớn của khu vực và thế giới tạo nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi, nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; thiên tai, hạn hán và mặn xâm nhập tiếp tục tác động tiêu cực; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi vẫn là thách thức tiềm ẩn, trong đó đại dịch Covid-19 cần thời gian dài để xử lý, v.v. Trong điều kiện đó, đòi hỏi toàn ngành vừa phải kịp thời xây dựng giải pháp ứng phó trước mắt, vừa chủ động có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với công tác quốc phòng, Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Theo đó, Bộ thường xuyên kiện toàn cơ quan, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quốc phòng, quân sự, chỉ huy lực lượng tự vệ các cấp bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, đúng thành phần (chính trị viên là bí thư cấp ủy, chỉ huy trưởng là thủ trưởng đơn vị); duy trì nghiêm quy chế hoạt động, giao ban, báo cáo, phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Do cán bộ đảm nhiệm công tác quốc phòng đa phần là kiêm nhiệm, nên để nâng cao chất lượng công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ chỉ đạo các đầu mối trực thuộc chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn, bổ nhiệm các chức danh kiêm nhiệm quân sự; lựa chọn cán bộ có năng lực chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia các lớp tập huấn về quốc phòng do trên tổ chức. Ban Chỉ huy Quân sự Bộ tham mưu với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quốc phòng phù hợp với tình hình thực tiễn, trọng tâm là xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng, rà soát sửa đổi kế hoạch, quy chế phối hợp với cơ quan quân sự địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng1 tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Tiếp tục thực hiện nghiêm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc lập, xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan, đặc biệt là tại các vùng địa bàn chiến lược: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Hai là, thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ bồi đắp lý tưởng cộng sản, phẩm chất đạo đức, lịch sử truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, mà còn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nội dung mới về quốc phòng và an ninh để mọi người hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện công tác quốc phòng trong tình hình mới. Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Ban Chỉ huy Quân sự Bộ chỉ đạo các đầu mối trực thuộc rà soát, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để lập danh sách bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh hằng năm, đối tượng 1, 2 gửi đi bồi dưỡng theo kế hoạch của trên và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng đối tượng 3, 4. Quá trình thực hiện, cơ quan quân sự các cấp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm yêu cầu vừa có quân số tham gia học tập theo quy định, vừa có lực lượng làm nhiệm vụ chuyên môn, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu theo quy định. Đối với các trường trực thuộc chưa tự chủ được môn học này, Bộ phối hợp với các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ quan quân sự địa phương để được hỗ trợ giảng dạy theo đúng quy định Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 về quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Căn cứ Luật Dân quân tự vệ và hướng dẫn của Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Chỉ huy Quân sự Bộ chỉ đạo các đầu mối trực thuộc rà soát, kiện toàn tổ chức, quy mô của lực lượng tự vệ đảm bảo có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, coi trọng chất lượng chính trị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Cơ quan quân sự các cấp của Bộ phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm 100% lực lượng tự vệ sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong biên chế cũng như nắm chắc phương án phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong xử trí các tình huống quốc phòng, an ninh; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực theo quy định, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, Ban Chỉ huy Quân sự Bộ chỉ đạo các đầu mối trực thuộc thực hiện đúng, đủ quy trình các bước huấn luyện theo quy định của điều lệ công tác tham mưu, huấn luyện dân quân tự vệ; tham gia đầy đủ các cuộc diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, v.v. Ngoài ra, ban chỉ huy quân sự các cấp tham mưu với lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm, bảo đảm tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng tự vệ, hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động, đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ,... cho lực lượng này hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, an toàn cơ quan, đơn vị trong mọi tình huống.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp với tăng cường quốc phòng, an ninh. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành, Bộ tiếp tục thực hiện việc kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm, xây dựng nông thôn mới văn minh, thịnh vượng gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh, thế trận khu vực phòng thủ vững chắc; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình của Mặt trận Tổ quốc giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Biển Đông - hải đảo và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến phát triển ngành và công tác quốc phòng, nhất là tại các xã biên giới đất liền, hải đảo, các xã bãi ngang ven biển; bảo vệ và phát triển rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, phương án điều chỉnh, bố trí lại dân cư (nhất là dân di, dịch cư tự do) theo hướng bảo đảm cân đối nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, ưu tiên địa bàn chiến lược quan trọng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát lại các khu vực dân cư nằm trong địa bàn thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tăng đầu tư hỗ trợ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cả trước mắt và lâu dài.

Bảo đảm nguồn nhân lực cho các ngành, địa phương là nhiệm vụ quan trọng để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh nên Bộ tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 01 triệu lao động nông thôn, trong đó 70% có cấp chứng chỉ. Ưu tiên đào tạo lao động làm việc trong các nhà máy, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại; huy động từ 3.000 đến 5.000 trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Lực lượng Kiểm ngư tiếp tục làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển để vừa khai thác hải sản vừa khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

NGUYỄN VĂN VIỆT, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Bộ
_________________  

1 - Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Dân quân tự vệ, Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Thông tin, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.