QPTD -Thứ Hai, 07/09/2015, 14:03 (GMT+7)
Bộ Giao thông Vận tải với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan mô hình công nghệ chạy tàu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Ảnh: mt.gov.vn)

Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải và các dịch vụ công liên quan theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, trên cơ sở quán triệt quan điểm về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển Ngành nhanh, bền vững gắn với nhiệm vụ quốc phòng đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nổi bật là nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về hai nhiệm vụ chiến lược được nâng lên; hệ thống giao thông không ngừng được củng cố, nâng cấp, mở rộng và làm mới, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Để có được kết quả đó, trước hết, Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hằng năm, Bộ chủ động rà soát các đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nhất là cán bộ thuộc đối tượng 1, đối tượng 2 để xây dựng kế hoạch, bố trí công việc, tạo điều kiện cho đội ngũ này tham gia đầy đủ thời gian các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự của Bộ phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng 3, đối tượng 4 trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận. Đến nay, Bộ thực hiện tốt kế hoạch và chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ thuộc các đối tượng. Trong đó, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao đối với cán bộ thuộc đối tượng 1; 87% cán bộ thuộc đối tượng 2; 82% cán bộ thuộc đối tượng 3; 78% cán bộ thuộc đối tượng 4. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo 11 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề chủ động thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên theo đúng quy định, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp ra trường đều hoàn thành môn học với kết quả 100% đạt yêu cầu trở lên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 16-01-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hơn 550 văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án để triển khai thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực. Hằng năm và từng giai đoạn, Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng các đề án, dự án; trong đó, xác định nội dung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an toàn giao thông là trọng tâm. Từ năm 2010 đến nay, Bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng gần 200 công trình, dự án, kịp thời phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo.

Hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư đều cho các vùng, miền và các địa phương; trong đó, ưu tiên phát triển một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, v.v. Cùng với đó, Bộ còn đầu tư củng cố, làm mới các tuyến đường vành đai, vùng núi, biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, sinh hoạt của đồng bào, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương, địa bàn và vùng chiến lược.

Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, việc thiết lập, khai thác các tuyến bay đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự thống nhất theo quy định về công tác quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân) và Cục Hàng không Việt Nam. Bởi lẽ, hệ thống quản lý bay Việt Nam là một bộ phận của hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; công tác bảo đảm an ninh hàng không được xác định là một bộ phận của bảo đảm an ninh quốc gia. Hiện nay, Bộ đang thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Chính phủ (Quốc hội thông qua) về ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại hệ thống sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh; xây mới sân bay Long Thành trở thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế; mở rộng và khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đáng chú ý là, trong quá trình quy hoạch, xây dựng, các cơ quan chức năng luôn quán triệt và thực hiện tốt yêu cầu kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những năm gần đây, hoạt động của các cảng hàng không, sân bay có sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng giữa hàng không dân dụng và quân sự, đảm bảo tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động khẩn cấp, như: phòng, chống thiên tai, bạo loạn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, v.v.

Đường sắt là loại hình vận tải đặc thù có thế mạnh về nhiều mặt và là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Từ lợi thế đó, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển đường sắt, định hướng tập trung nâng cấp, cải tạo các tuyến hiện có, trong đó ưu tiên trục Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây; đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai 06 dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, Bến Thành - Suối Tiên,... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo đảm an sinh xã hội. Bộ còn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm khai thác hiệu quả, kinh tế. Dự kiến tốc độ của tàu Bắc - Nam: tàu khách đạt 80 - 90 km/h, tàu hàng đạt 50 - 60 km/h; xây dựng tuyến đường sắt đôi Bắc - Nam. Bộ phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, lập dự án tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu để gọi đầu tư, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường quốc phòng giữa các vùng chiến lược.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cảng biển liên hoàn, vững chắc; vừa là nơi giao thương giữa các vùng, miền và địa phương, vừa là cửa ngõ trung chuyển quốc tế, vừa là căn cứ hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Bộ còn chủ động tham mưu nâng cao năng lực của ngành công nghiệp tàu thủy theo hướng lưỡng dụng; vừa phát triển đội tàu biển quốc gia (gồm: tàu chở công-te-nơ, tàu chở dầu thô và tàu chuyên dụng cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư), vừa tạo thế và lực mới để hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng phục vụ quốc phòng cả thời bình và thời chiến. Những năm qua, Bộ đã tích cực, chủ động triển khai đầu tư phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và các cảng khác theo quy hoạch, đưa tổng công suất các cảng hiện nay lên khoảng 450 triệu tấn/năm; xây dựng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng (dự kiến sẽ khai thác, sử dụng vào năm 2017); triển khai dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu (hoàn thành vào năm 2015). Trong khi thực hiện, Bộ kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cảng đáp ứng nhu cầu vận tải phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hoạt động trên biển vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, vừa theo dõi, phát hiện những hành vi vi phạm trên biển, kịp thời báo cho Bộ Quốc phòng; đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, chủ trương của Bộ là: nâng cấp, tăng chiều dài các đoạn, tuyến chính đang quản lý khai thác; xây dựng một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng; trong đó, ưu tiên các tuyến sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình. Đây là chủ trương đúng đắn, nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Theo đó, Bộ chỉ đạo quyết liệt nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau và Kiên Lương với tổng chiều dài khoảng 650 km, đạt cấp III kỹ thuật; tuyến Hải Phòng - Sơn La, Quảng Ninh - Phả Lại với tổng chiều dài 128 km, đạt cấp III, IV kỹ thuật, v.v. Việc Bộ quan tâm đầu tư các tuyến đường thủy nội địa, quá cảnh kết nối tiểu vùng sông Mê Công không những phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước mà còn phục vụ nhu cầu hợp tác, phát triển kinh tế khu vực, đồng thời tăng cường năng lực vận tải phục vụ yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Về giao thông nông thôn, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Nghị quyết 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, Bộ đã xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 134.214 km đường giao thông nông thôn. Tính đến hết tháng 12-2014, đã có 23% số xã đạt chuẩn, phấn đấu đến cuối năm 2015 có 35% số xã trong cả nước đạt chuẩn tiêu chí 2 về giao thông nông thôn (1 trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới). Ngoài ra, Bộ còn lập và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông cho vùng dân tộc thiểu số với mục tiêu xây dựng hơn 4.000 cầu tại 50 tỉnh, thành phố, chú trọng vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, dự kiến đầu tư khoảng 8.339 tỷ đồng. Dự án này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân ở nông thôn, tạo cơ sở tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Ngoài ra, ngành Giao thông Vận tải còn chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch hệ thống đường giao thông trong khu vực phòng thủ, vừa phục vụ dân sinh vừa đáp ứng yêu cầu cơ động tác chiến trong chiến tranh. Đồng thời, ngành Giao thông Vận tải các tỉnh còn tích cực chuẩn bị các nội dung diễn tập khu vực phòng thủ theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh các quân khu và Ủy ban nhân dân các tỉnh. Vừa qua, Bộ đã xây dựng và triển khai kế hoạch diễn tập khẩn nguy tại sân bay Chu Lai, Cam Ranh; xử lý tình huống khủng bố, bảo đảm an ninh hàng không, hàng hải và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kế hoạch triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và phê chuẩn Công ước SAR79. Hằng năm, Bộ thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy Quân sự các cấp và cán bộ kiêm nhiệm chỉ huy lực lượng tự vệ ở các đơn vị thành viên. Ban Chỉ huy Quân sự các cấp đã phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự; phối hợp với cơ quan quân sự các địa phương xây dựng lực lượng tự vệ; quản lý lực lượng dự bị động viên, nguồn sẵn sàng nhập ngũ, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với công tác quốc phòng, chính sách hậu phương quân đội đạt kết quả tốt1.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải, công tác quốc phòng, quân sự của ngành Giao thông Vận tải được triển khai thực hiện hiệu quả, nền nếp; được cấp ủy, chính quyền các địa phương và Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, Ngành tiếp tục đổi mới, đồng tâm hiệp lực, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PHẠM QUÝ TIÊU, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
__________________

1 - Công đoàn Bộ vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng góp tối thiểu 02 ngày lương và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng Quỹ xã hội - từ thiện được hơn 76 tỷ đồng; trong đó, chi hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ xây 118 nhà tình nghĩa; thăm, tặng 1.066 xuất quà, 890 sổ tiết kiệm cho cựu Thanh niên xung phong và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), đảo Trường Sa, Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, trị giá 500 triệu đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.