QPTD -Thứ Năm, 19/04/2018, 09:27 (GMT+7)
Bộ đội Hóa học phát huy truyền thống “Phòng chống tốt - Chiến đấu giỏi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan trang bị phòng hóa

Trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 19-4-1958, Phòng Hóa học - Nguyên tử thuộc Cục Huấn luyện chiến đấu - tiền thân của Binh chủng Hóa học được thành lập. Trong bối cảnh đó, Bộ đội Hóa học vừa phải xây dựng lực lượng, ổn định tổ chức biên chế, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt về công tác phòng hóa cho lực lượng vũ trang và nhân dân. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở tất cả các chiến trường, chỉ đạo, hướng dẫn bộ đội và nhân dân phòng, chống, khắc phục có hiệu quả chất độc hóa học của địch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, sử dụng các loại vũ khí, trang bị, khí tài đặc chủng trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, viết nên truyền thống vẻ vang của Bội đội Hóa học: “Phòng chống tốt - Chiến đấu giỏi”.

Phát huy truyền thống đó, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hóa học tiếp tục làm nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”; lực lượng nòng cốt, xung kích trong xử lý, khắc phục hậu quả vũ khí hóa học, chất độc, xạ sau chiến tranh. Những năm gần đây, lực lượng hóa học các cấp đã tiến hành điều tra, thu gom, xử lý gần 253 tấn chất độc CS, hơn 200 tấn đạn chứa chất độc CS, hàng nghìn mét khối đất nhiễm chất độc CS, đi-ô-xin,… trên phạm vi cả nước, làm hồi sinh những vùng “đất chết”. Đồng thời, tham gia xử lý, khắc phục có hiệu quả các sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn quân nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng những yêu cầu mới, nặng nề hơn. Đặc biệt là, lượng hóa chất độc, xạ tồn lưu mà Quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam còn rất lớn, phạm vi rộng, xử lý phức tạp, đòi hỏi lớn về nguồn lực1. Trong khi đó, quy mô tổ chức lực lượng, cũng như trang thiết bị, khí tài phòng hóa của Bộ đội Hóa học còn nhiều hạn chế, v.v. Vì vậy, để Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, không ngừng phát huy truyền thống của Bộ đội Hóa học trong điều kiện mới, động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Binh chủng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trước hết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định phải quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X,...  làm cơ sở để nghiên cứu, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm phòng hóa; xây dựng tiềm lực phòng hóa vững mạnh và quản lý, kiểm soát, phòng chống hiệu quả sự cố hóa chất độc, xạ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Binh chủng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình phát triển các loại vũ khí hủy diệt lớn của thế giới và khu vực, cùng những nguy cơ sự cố hóa học, phóng xạ, hạt nhân, thảm họa môi trường, nhất là nguy cơ phát tán phóng xạ lan truyền vào nước ta do tình hình phát triển của các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp về xây dựng lực lượng, bố trí thế trận phòng hóa trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến và các hoạt động cứu trợ thiên tai, thảm họa môi trường,... trong mọi tình huống. Đồng thời, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ phòng hóa, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện. Thời gian qua, Binh chủng đã tham mưu, giúp Chính phủ, Quốc hội soạn thảo, thông qua: Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử; các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại,... góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học đi-ô-xin trên địa bàn cả nước và trong Quân đội. Thời gian tới, Binh chủng tiếp tục tham mưu thực hiện các công ước, điều ước và cơ chế về không phổ biến vũ khí hủy diệt lớn mà Việt Nam là quốc gia thành viên, nhằm xây dựng lòng tin, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, Binh chủng tập trung nghiên cứu, triển khai việc kiện toàn tổ chức biên chế của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổ chức Quân đội trong tình hình mới. Trọng tâm là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân; đội khắc phục hậu quả môi trường; kiện toàn hệ thống cơ quan, phân đội hóa học trực thuộc và toàn quân theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động cao, phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có; tăng cường tiềm lực và năng lực quản lý, kiểm soát, phòng, chống có hiệu quả sự cố chất độc, xạ, v.v. Trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề án về “Quy hoạch trang bị hóa học đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Binh chủng tập trung triển khai việc nghiên cứu, phát triển nghệ thuật sử dụng Bộ đội Hóa học trong các loại hình tác chiến, nhất là tác chiến biển đảo, phòng chống khủng bố, khắc phục sự cố hoá chất độc, xạ, phòng chống vũ khí sinh học, v.v.

Hoạt động của Bộ đội Hóa học có tính đặc thù cao, thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm và nguy cơ xảy ra mất an toàn cao, v.v. Vì vậy, Binh chủng coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhân tố con người, bảo đảm cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thông nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, Binh chủng đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới, nhất là giáo dục truyền thống của Bộ đội Hóa học qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, định hướng tư tưởng. Đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đơn vị. Tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia có kiến thức toàn diện, khả năng lãnh đạo, chỉ huy tham mưu tác chiến hóa học trong tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực hóa học, hạt nhân, ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Đặc biệt là bồi dưỡng năng lực, trình độ và khả năng làm chủ kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn.

Luyện tập tiêu tẩy cho vũ khí, trang bị cỡ lớn

Cùng với đó, Binh chủng coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Hóa học. Để làm được điều đó, Binh chủng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, trọng tâm là đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức huấn luyện. Trong đó, chú trọng huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành và kỹ thuật ứng phó sự cố cho các đối tượng, nhất là cán bộ chỉ huy trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân và huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt, đủ khả năng xử trí các tình huống phức tạp trên phạm vi cả nước và sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ trong khu vực và quốc tế khi có yêu cầu. Tăng cường huấn luyện thực hành, rèn luyện khả năng cơ động, thực hiện nhiệm vụ trên các địa hình, thời tiết phức tạp, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, v.v.

Việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học trong thời bình cũng như trong thời chiến yêu cầu đặt ra rất cao, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Bởi vậy, Binh chủng thường xuyên duy trì nghiêm túc nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu; chỉ đạo các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch tác chiến theo phương án, nhiệm vụ được giao và tăng cường luyện tập, diễn tập. Thời gian qua, Binh chủng đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập các cấp theo các phương án sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, tích cực tham gia diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng và phối hợp với các lực lượng diễn tập chống khủng bố, chống bạo loạn lật đổ, diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc hại, v.v. Lực lượng của Binh chủng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đánh giá có trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt, tạo được ấn tượng tốt đẹp với các lực lượng tham gia diễn tập.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng hóa, Binh chủng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa trang bị kỹ thuật hóa học; kết hợp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới với nghiên cứu nghệ thuật sử dụng lực lượng hóa học trong tác chiến và nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống khủng bố, v.v. Từ năm 2007 đến nay, Binh chủng đã nghiên cứu nhiều đề tài đạt xuất sắc, được ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, bảo đảm thay thế trang bị, vật tư kỹ thuật nhập ngoại, đạt hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, Binh chủng còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phòng hóa, tẩy độc, mua sắm trang bị kỹ thuật và hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ, v.v. Thời gian qua, Binh chủng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc với tập đoàn Cape Thermodyne (Hoa Kỳ); tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) về xử lý đi-ô-xin và khảo sát công nghệ xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin. Đồng thời, cử các đoàn cán bộ đi khảo sát công nghệ tại một số quốc gia, tìm hiểu mô hình tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, tiếp cận công nghệ và trao đổi khả năng hợp tác với các đối tác. Thời gian tới, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong việc xây dựng năng lực ứng phó sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân theo Công văn 1139/VP-ĐN ngày 29-01-2018 mà hai bên đã ký kết. Qua đó, nâng cao tiềm lực, năng lực phòng hóa và phòng chống, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ của Bộ đội Hóa học, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được trong 60 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học tiếp tục nỗ lực vươn lên, chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng Hóa học
______________________

1 - Theo số liệu thống kê, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng hơn 9.000 tấn chất độc CS và hơn 74 triệu lít chất độc diệt cây mà lượng chất đi-ô-xin siêu độc trong đó đủ để có thể giết chết hàng chục tỷ người.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.