QPTD -Thứ Năm, 12/05/2011, 07:44 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc
Thực hiện các chủ trương của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh Tây Nam Bộ đã tích cực thực hiện công tác biên phòng, với nhiều biện pháp đồng bộ để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam của nước ta có bờ biển dài 743 km (từ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đến thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang); ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, diện tích khoảng 220.000 km2, có khoảng 156 đảo lớn, nhỏ, 44 đảo có dân sinh sống (trong đó có các đảo lớn, như: Phú Quốc, Hòn Rái, Hòn Tre, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai), tạo thành 3 tuyến đảo từ xa đến gần; nhiều cửa sông lớn đổ ra biển, có 2 cảng biển quốc tế (Năm Căn và Hòn Chông), nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, các cảng và khu du lịch… Từ đặc điểm trên, có thể thấy, vùng biển, đảo Tây Nam giữ vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với phía Nam và cả nước.

Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo tuyến Tây Nam của Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với địa phương và lực lượng của các ngành hoạt động trên biển và ven biển đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái trên vùng biển, đảo. Đây là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài đối với BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Điều đó còn xuất phát từ điều kiện địa-chính trị và lịch sử, vùng biển, đảo này hiện đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, mất ổn định. Những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị BĐBP vùng biển, đảo Tây Nam làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển theo tinh thần Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo đảm QP-AN vùng Tây Nam Bộ”; Quyết định số 107/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về quy chế phối hợp giữa Quân đội và Công an…”. Thông qua đó, các Bộ Chỉ huy BĐBP, Tiểu khu Biên phòng Phú Quốc, Hải đoàn Biên phòng H.8 đã thường xuyên phối hợp với Vùng E Hải quân, Vùng 4 Cảnh sát Biển, các Bộ Chỉ huy Quân sự, các sở: Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông và Cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải của 7 tỉnh vùng biển, đảo Tây Nam (Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh) thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao,

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã và đang chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh Tây Nam Bộ xây dựng và thường xuyên luyện tập các phương án bảo vệ vùng biển, đảo và vùng ven biển; tổ chức lại lực lượng trên tuyến biển, đảo, bờ biển và các xã ven bờ; tích cực đấu tranh có hiệu quả với mọi hoạt động vi phạm chủ quyền vùng biển và bảo vệ an toàn cho các hoạt động hợp pháp của các cá nhân, tổ chức Việt Nam và quốc tế trên vùng biển của ta. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng biên phòng tiếp tục tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí lại lực lượng sản xuất trên vùng biển, đảo; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình tự quản “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”. Các loại tàu thuyền đánh cá sẽ được tổ chức lại thành những cụm, có tổ chức dân quân tự vệ để làm chủ trên biển, bảo đảm vừa đánh bắt thủy sản, hải sản có hiệu quả, vừa có khả năng chống được cướp biển và tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển của ta hoặc những tàu thuyền có vũ trang đe dọa ngư dân ta khi lao động, sản xuất trên biển. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra kết hợp với đánh bắt cá và liên hệ chặt chẽ với tàu thuyền ngư dân trên biển, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu xảy ra.

Ngoài nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo đối với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị BĐBP nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền cho ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển một số nội dung cơ bản về Luật Biên giới Quốc gia, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Nghị định 161 của Chính phủ “Về quy chế khu vực biên giới biển”, Nghị định 50 của Chính phủ “Về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự cửa khẩu, cảng biển”, các hiệp định, quy chế về vùng đánh cá, Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” và những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục QP-AN đối với ngư dân; động viên, khuyến khích ngư dân tự giác chấp hành pháp luật và tham gia làm “tai mắt” tại chỗ, phát hiện những hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của các đối tượng xấu để thông tin kịp thời cho các đơn vị biên phòng và lực lượng chuyên trách. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cũng như trách nhiệm trong phối hợp, hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện tàu, thuyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam. BĐBP có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, theo dõi quản lý tình hình, triển khai các phương án hoạt động, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận chuyển trái phép, buôn lậu, vi phạm pháp luật và biên giới lãnh hải nước ta; hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm đánh, bắt hải sản, góp phần củng cố, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên vùng biển, đảo Tây Nam ngày một vững chắc.

Trên cơ sở xây dựng thế trận và lực lượng, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh Tây Nam Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nhằm hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Hằng năm, căn cứ vào Chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, người chỉ huy cơ quan, đơn vị BĐBP Tây Nam Bộ tổ chức quán triệt và thực hiện đúng nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, đội tàu BĐBP đã tập trung bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, thống nhất quy trình, thông qua bài giảng, chuẩn bị vật chất… cho công tác huấn luyện. Trong thực hành huấn luyện, các cơ quan, đơn vị BĐBP luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, bảo đảm huấn luyện toàn diện, có trọng tâm, đồng bộ, chuyên sâu. Cùng với việc huấn luyện về kỹ thuật, nghiệp vụ, các đơn vị biên phòng còn tập trung bồi dưỡng, huấn luyện cho bộ đội những kiến thức cơ bản về biển, đảo, pháp luật Việt Nam, công ước quốc tế về biển và sự phối hợp giữa các lực lượng để nắm chắc tình hình trên không, trên biển; đồng thời, tổ chức luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xử lý vi phạm trên biển đúng pháp luật, đúng chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị BĐBP còn coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; chủ động phối hợp với các lực lượng và địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ biển, đảo; chủ động, linh hoạt triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm biên giới, lãnh hải, tránh để xảy ra đối đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam của đất nước. Ngoài ra, cấp ủy, người chỉ huy cơ quan, đơn vị BĐBP còn quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ công tác hậu cần-kỹ thuật, nhất là công tác bảo đảm tại chỗ, nhằm khắc phục khó khăn về sự biến động giá cả của nhu yếu phẩm, vật tư, phụ tùng kỹ thuật…, giúp các đội tàu luôn duy trì hệ số kỹ thuật theo quy định, đảm bảo đồng bộ, an toàn vũ khí, trang bị tàu thuyền và có đủ cơ số dự trữ lương thực, thực phẩm, có thể đi công tác theo định kỳ và đột xuất, cơ động sẵn sàng chiến đấu trên biển.

Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ là một trong những nội dung quan trọng của BĐBP trên địa bàn này. Do hoạt động trên biển của BĐBP mang tính đặc thù, phạm vi đảm nhiệm rộng; tiếp xúc với nhiều đối tượng; trực tiếp đấu tranh với nhiều loại tội phạm... nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan, nhất là sự cám dỗ về vật chất. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo và những vấn đề nhạy cảm về lãnh thổ, biên giới, biển, đảo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm chống phá cách mạng nước ta… Vì thế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và các văn bản hướng dẫn liên quan của các cấp, các ngành để giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP nắm vững quan điểm về QP-AN thời kỳ mới. Phát huy kết quả phong trào thi đua “Rèn đức, luyện tài, dũng cảm, xung kích, sáng tạo, vì chủ quyền an ninh biên giới, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…, các cơ quan, đơn vị BĐBP đã tập trung giáo dục cho bộ đội ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm và giải quyết kịp thời công tác tư tưởng, không để bị động, bất ngờ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị BĐBP đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; thực hiện quy chế chất vấn trong sinh hoạt đảng; quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới… Cùng với đó, các lực lượng BĐBP Tây Nam Bộ còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta trên Biển Đông và đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, sai trái trên biển, đảo, như: buôn lậu trên biển, hải cảng; đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản; phá hoại môi trường, sinh thái biển; tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của Tổ quốc.

Để tạo điều kiện cho BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chiến lược về quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo toàn diện và đồng bộ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo trong tình hình mới. Đồng thời, sớm hoàn chỉnh các văn bản quản lý về vùng biển của Việt Nam, trong đó có vùng biển Tây Nam Bộ; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các lực lượng chức năng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng NGUYỄN PHƯỚC LỢI

Phó Tư lệnh BĐBP

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.