QPTD -Thứ Năm, 19/05/2022, 08:06 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã và đang phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thanh Hóa có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với nước bạn Lào dài khoảng 213,6 km và tuyến biên giới biển dài khoảng 102 km, đi qua 60 xã của 12 huyện, thành phố. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, lực lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại,… gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; vận động toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Giai đoạn 2015 - 2020, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia; huy động hàng nghìn lượt người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; tặng 220 Nhà tình nghĩa, hàng chục công trình dân sinh, gần 3.000 con bò giống cho hộ nghèo khu vực biên giới; vận động được hàng nghìn tập thể, gia đình, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, nhiều gia đình có từ 02 đến 03 thế hệ tham gia,… góp phần quan trọng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kinh tế - xã hội khu vực biên giới của Tỉnh chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, kích động thành lập “Vương quốc Mông tự trị”. Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm của tàu thuyền nước ngoài,... tiếp tục gia tăng, diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước bối cảnh đó, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Chủ động nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình; phối hợp với các lực lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và  Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung thi hành: Luật Biên phòng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Kế hoạch số 161/KH-UBND, ngày 12/11/2015 về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg. Đồng thời, chủ động đề xuất, tham gia xây dựng các đề án mới; bổ sung, kéo dài và nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án: “Tăng cường công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh, trật tự và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển”; “Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tuyến biên giới phía Tây”; “Giải quyết tình trạng phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy địa bàn các xã biên giới giai đoạn 2021 - 2025”; “Đảm bảo an ninh trật tự Khu kinh tế Nghi Sơn”,… làm cơ sở pháp lý nhằm huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Chú trọng thực hiện có hiệu quả các mặt công tác biên phòng bằng hệ thống kế hoạch, nghị quyết chuyên đề; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ biên giới; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng khu vực phòng thủ ven biển, biên giới; đề xuất các giải pháp xây dựng lực lượng biên phòng và có đối sách giải quyết các vấn đề vi phạm an ninh, chủ quyền lãnh thổ, vùng biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung phối hợp cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trọng tâm là Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, giai đoạn 2021 - 2025”, Luật Biên phòng, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982; các hiệp định đã ký với các nước, v.v. Trong quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kết hợp vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều biện pháp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng với thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; qua hội họp, tập huấn, hội thi, tọa đàm, hoạt động văn hóa, thể thao, thăm tặng quà, kết nghĩa, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới về chủ quyền quốc gia, quốc giới, tạo cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên vùng “phên giậu” của Tổ quốc.

Tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tổ chức tốt các hoạt động, tạo sức lan tỏa của “Ngày Biên phòng toàn dân” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp với 12 huyện ủy (thành ủy) các huyện, thành phố biên giới, ven biển; giữa đảng ủy các đồn Biên phòng với đảng ủy các xã, thị trấn biên giới và thực hiện tốt các quy chế, chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương theo phân cấp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Thông báo số 51 về “Tăng cường cán bộ sĩ quan Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới” và Kết luận số 50 về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở các bản vùng sâu, vùng xa của Tỉnh”. Phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín; các hội, đoàn thể, hộ gia đình bản khu vực biên giới, vùng biển,... giúp Bộ đội Biên phòng nắm chắc tình hình địa bàn, cả nội biên và ngoại biên, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm nóng.

Trên cơ sở sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai bổ sung quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, quán triệt cho mọi cán bộ, đảng viên, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thống nhất, nền nếp, thiết thực, hiệu quả. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị Biên phòng Tỉnh cần linh hoạt kết hợp với các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, v.v. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát, ký kết bổ sung các tập thể, cá nhân, hộ gia đình đăng ký tự quản đường biên, cột mốc quốc giới; đẩy mạnh phong trào “Thanh niên xung kích làm chủ đường biên”; “Tổ tàu, thuyền, bến bãi an toàn”; Già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc,... huy động đông đảo nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tích cực tham gia các đề án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên hai tuyến biên giới, tạo nền tảng thực hiện tốt công tác biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Bộ đội Biên phòng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ưu tiên triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở 05 huyện nghèo miền núi, biên giới và 03 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ven biển; tổ chức quy hoạch bố trí lại dân cư, đảm bảo cho đồng bào định canh, định cư ổn định lâu dài trên biên giới. Phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án về: xây dựng nông thôn mới; Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát; Mái ấm giúp người nghèo nơi biên giới; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Nâng bước em tới trường. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tích cực tham gia quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, thẩm định các dự án kết hợp xây dựng công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ; bảo đảm giao thông, thông tin, y tế, v.v. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân dân yên tâm sinh sống trên địa bàn; thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân”, “cột mốc lòng dân” khu vực biên giới vững chắc.

Để phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực tham mưu tổ chức vận động lực lượng toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả; điều chỉnh bổ sung kế hoạch, văn kiện tác chiến, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát; thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, luyện tập theo các phương án, bổ sung trang bị phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phục vụ nghiệp vụ biên phòng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, công an các huyện biên giới và các đơn vị thuộc Quân khu 4 đứng chân ở khu vực biên giới xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an xã, các tổ an ninh nhân dân vững mạnh, rộng khắp; nâng cao hiệu quả phối hợp hành động theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia. Phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Hủa Phăn định kỳ tổ chức diễn tập về đấu tranh tội phạm, ngăn chặn di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép để hoàn thiện công tác phối hợp giữa hai lực lượng bảo vệ biên giới, sẵn sàng giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững mạnh.

Đại tá LÊ VĂN HÙNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.