Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:16 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc Tổ quốc, có diện tích 9.562,9km2, có đường biên giới dài 455,573km1 giáp với Lào, Trung Quốc. Khu vực biên giới của Tỉnh gồm 04 huyện (Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé) và là nơi sinh sống của gần 120 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 73%, riêng dân tộc Mông chiếm 34,8%. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của trên; sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, khu vực biên giới của Tỉnh đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Chất lượng hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên; quốc phòng, an ninh được tăng cường; thế trận “biên giới lòng dân”, hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới được củng cố; lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được thực hiện có hiệu quả.
Mặc dù vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc và bộ đội khu vực biên giới của Tỉnh còn nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để, tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, triệt để lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá quyết liệt. Chúng đẩy mạnh các hoạt động nhằm thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”; tăng cường các thủ đoạn kích động gây mất trật tự, an toàn xã hội, di dịch cư tự do, v.v. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong phạm vi phụ trách; tập trung xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới vững mạnh.
Để làm được điều đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức, lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là nội dung, giải pháp không thể thiếu trong quá trình xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên khu vực biên giới. Trọng tâm của công tác này là làm cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nắm được những vấn đề cơ bản, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền, Quy chế biên giới đất liền Việt Nam - Lào, các văn kiện pháp lý ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc, v.v. Đồng thời, làm rõ tầm quan trọng, nội dung thế trận biên phòng toàn dân; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ của các thế lực thù địch.
Muốn “nói cho dân nghe và tin tưởng”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền theo chủ đề, chuyên đề, v.v. Đồng thời, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với nội dung, đặc điểm, nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, v.v. Trong đó, coi trọng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản, hệ thống truyền thanh của xã, sân khấu hóa, chiếu phim, phóng sự, phát tờ rơi; kết hợp tuyên truyền với khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tuyên truyền đối ngoại tại thực địa, cửa khẩu, lối mở cho nhân dân hai bên biên giới2, v.v. Đến nay, cán bộ, đảng viên, trước hết cán bộ chủ trì, chủ chốt các đơn vị biên phòng, nhân dân trên địa bàn biên giới đều thấy rõ sự cần thiết, vai trò của thế trận biên phòng toàn dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể. Đồng thời, phối hợp, tham mưu, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, trọng tâm là đội ngũ người có uy tín, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, cán bộ thôn, đoàn thể chính trị - xã hội; phát triển đảng viên mới. Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên rà soát, kiện toàn, tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở3. Đẩy mạnh công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, lực lượng trên địa bàn thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Đề án “Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ đội Biên phòng công tác ở vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới” và Đề án “Tăng cường sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ đội Biên phòng xuống các xã trọng điểm ở khu vực biên giới”, v.v.
Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới được Bộ đội Biên phòng Tỉnh xác định là nội dung, giải pháp cơ bản, lâu dài, điều kiện tiên quyết để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những biện pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào khu vực biên giới. Đồng thời, tích cực tham mưu, giúp chính quyền địa phương và nhân dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí; trực tiếp giúp nhân dân thực hiện những mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, vừa “nói cho đồng bào hiểu”, vừa “làm cho đồng bào tin”, giúp nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nâng cao dân trí, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Các đồn Biên phòng thực hiện hiệu quả các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo4. Đồng thời, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; phối hợp với y tế địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng; mở các lớp học tình thương, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện Chương trình “Cứng hóa nền nhà”, “Nâng bước em tới trường”, v.v. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân thực hiện định canh, định cư, theo phương châm: “Giãn dân để giữ đất”, “Thu hút dân ra định cư ở khu vực biên giới”. Nhờ đó, nhân dân giảm được nghèo, không còn tình trạng “đói ăn, đói chữ, đói thuốc, đói thông tin”,… yên tâm bám thôn, bản, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Xây dựng, tổ chức bố trí lực lượng vũ trang và hệ thống công trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong mọi tình huống được Bộ đội Biên phòng Tỉnh đặc biệt coi trọng. Thế trận biên phòng toàn dân vững chắc là khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới theo phương châm: “Mỗi người dân biên giới là một người lính biên thùy”. Vì thế, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về mục tiêu, chương trình, kế hoạch xây dựng thế trận biên phòng cụ thể, cả trước mắt và lâu dài, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn, khả năng của địa phương, trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân”. Đồng thời, tập trung tham mưu, đề ra các giải pháp thực hiện tốt việc tổ chức, bố trí sử dụng lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới; xây dựng các lực lượng: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ,… vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Việc bố trí, sử dụng các lực lượng; đầu tư cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị, xây dựng thế trận biên phòng,… đảm bảo liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong mọi tình huống.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới; nội dung công tác trọng yếu của các cấp ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh. Vì thế, hằng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên chủ động tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới. Cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện, đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý tập trung, thống nhất, điều hành của chính quyền và chỉ huy các cấp, làm cho thế trận biên phòng toàn dân được xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự là “phên giậu” vững chắc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đại tá HOÀNG MINH TUẤN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
________________
1 - Tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 414,712km, với 149 cột mốc và 05 cột dấu; tuyến Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861km với 17 cột mốc.
2 - Năm 2018 và 04 tháng đầu năm 2019, đã tổ chức tuyên truyền được gần 1.400 buổi, với gần 80 nghìn lượt người tham gia; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật song phương được 08 buổi, với 3.000 lượt người,… vận động được 1.587 hộ gia đình/8.168 người không di cư tự do, v.v.
3 - Đến nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh duy trì 29 đội công tác tăng cường cho 29 xã biên giới; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 185 cán bộ xã và thôn, tập huấn cho 1.389 dân quân; tham mưu, tham gia cùng cấp ủy địa phương thành lập 33 chi bộ thôn, bản, bồi dưỡng, kết nạp được 288 đảng viên, phát triển đảng viên ở 10 bản chưa có đảng viên.
4 - Mỗi đồn Biên phòng triển khai ít nhất 01 mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
tỉnh Điện Biên,xây dựng thế trận,biên phòng toàn dân
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng