QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2022, 09:51 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của các cấp, ngành, lực lượng và cả hệ thống chính trị, trước hết là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển. Đây cũng là nội dung trọng tâm, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vùng biển, đảo rộng trên 52.000 km­­­­­­2, đường bờ biển dài 192 km. Đây là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều đảo ven bờ, như: Lao Câu, Hòn Rơm, Hòn Bà; có huyện đảo Phú Quý cách Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Nam; có nhiều cảng, cửa sông, vũng, vịnh, thuận lợi cho tàu, thuyền neo đậu, vận tải hàng hải, du lịch và phát triển kinh tế biển.

Do đặc điểm vùng biển Bình Thuận có nguồn hải sản phong phú, nên thu hút khá lớn lượng tàu thuyền trong Tỉnh và các tỉnh khác đến khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng thủy hải sản trên nhiều vùng biển có phần suy giảm, nhưng vì lợi ích kinh tế, một bộ phận ngư dân bất chấp quy định của pháp luật, cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Nhận thức rõ vấn đề đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động tuyên truyền cho trên 2.460 lượt thuyền trưởng, chủ phương tiện về các văn bản mới của pháp luật, quy định về an toàn và chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; cấp phát 45.500 tờ rơi; xây dựng 08 phóng sự, 24 tin, bài tuyên truyền trên các báo, đài của Trung ương và địa phương. Tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, các tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải đoàn 18 trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, khu vực tiếp giáp; phối hợp với Cảng vụ Bình Thuận, Vùng Cảnh sát biển 3, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm soát, giám sát biên phòng và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển; phát hiện ngăn chặn, xua đuổi hàng chục tàu nước ngoài xâm phạm, vi phạm chủ quyền vùng biển. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đóng mới tàu thuyền theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ.

Để công tác quản lý tàu thuyền đánh bắt xa bờ được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng vận động các chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.854 phương tiện (đạt 96,36%), nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện, kêu gọi hàng chục lượt phương tiện đi ra khỏi đường ranh giới, quay trở lại vùng biển Việt Nam, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết và Ủy ban nhân dân thị xã La Gi rà soát, động viên 30 chủ thuyền công suất trên 380CV tự nguyện đăng ký, sẵn sàng tham gia công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo Nghị định 30, 130 của Chính phủ. Phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; duy trì trực canh thông tin liên lạc với tàu thuyền, lao động đang hành nghề trên biển. Tổ chức tiếp nhận, chăm sóc y tế 07 tàu cá/57 lao động bị nạn trên biển; tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe 05 công dân nước ngoài bị nạn trên biển được cứu vớt và đưa vào bờ an toàn; hỗ trợ phường tiện, đưa 36 ngư dân bị nạn trên biển trở về gia đình ở Quảng Ngãi, Bình Định. Trong các đợt tổ chức hoạt động tuyên truyền trên khu vực biên giới biển, các cơ quan, đơn vị cơ sở đã tặng 15.000 lá cờ Tổ quốc, 1.600 ảnh Bác Hồ, 800 đèn pin và 1.600 áo phao (trong đó có 1.250 áo phao đa năng) cho ngư dân; trong các đợt tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tặng 1.441 suất quà; 2.400 thùng mì tôm; 17.500 khẩu trang y tế; 80 lít dung dịch sát khuẩn cho ngư dân, v.v.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này còn một số hạn chế. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về Biên phòng có lúc chưa toàn diện; quản lý người, phương tiện ra, vào làm ăn trên biển có thời điểm chưa chặt chẽ. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc triển khai thực hiện ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự sâu rộng, hiệu quả, chưa có biện pháp hay, cách làm mới; sự phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị có thời điểm chưa chặt chẽ, kịp thời. Một bộ phận chủ phương tiện, thuyền trưởng, lao động trên biển chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, v.v.

Giúp ngư dân giặt lưới sau chuyến ra khơi

Để phát huy hơn nữa vai trò của “Đội quân công tác”, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Thời gian tới, tình hình trên biển dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường. Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, bảo vệ môi trường biển và tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tuyên truyền phải gắn với việc vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Các đồn Biên phòng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, như: Luật Biên phòng Việt Nam, Luật biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài và các văn bản pháp luật về khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển, an ninh, an toàn các công trình dầu khí trên biển, v.v. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, như: Công an, Quân sự, Hải quan, Cảnh sát biển,... tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền vận động ngư dân hành nghề trên biển nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại các cửa khẩu, cảng biển, trạm kiểm soát biên phòng. Quán triệt, xác định rõ chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng như vị trí, vai trò của ngư dân khi hành nghề trên biển và sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam là cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác phối hợp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Chỉ đạo các đồn Biên phòng kết hợp công tác tuyên truyền với tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát biên phòng; quản lý, chặt chẽ người, phương tiện ra, vào hoạt động trên khu vực biên giới biển; kiểm tra, kiểm soát thủ tục xuất, nhập bến cho các phương tiện ngư dân hành nghề trên biển, các điều kiện đảm bảo an toàn đối với tàu cá hoạt động xa bờ, kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo các thủ tục biên phòng và điều kiện an toàn. Chủ động lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng có liên quan làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt thủy, hải sản trên các ngư trường truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Phối hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định phê duyệt đưa vào danh sách hỗ trợ 1.452 tàu cá theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg; hỗ trợ 369 tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Quá trình hoạt động trên biển, các phương tiện đóng mới hoạt động theo Nghị định số 67 và Quyết định số 48 kết hợp khai thác hải sản với tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các phương tiện hoạt động vùng biển xa kết hợp đánh bắt hải sản với nắm bắt, cung cấp tin tức, hình ảnh về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta cho các lực lượng chức năng xua đuổi, bắt giữ.

Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng các mô hình: “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn”, “Khu dân cư văn hóa”, “Âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa”,... gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả 129 tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản/982 phương tiện/5.184 lao động; 02 nghiệp đoàn nghề cá/21 phương tiện/167 lao động, vừa sản xuất, vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, phân công, gắn trách nhiệm 71 cán bộ chỉ huy đơn vị, đội trưởng, trạm trưởng phụ trách 365 phương tiện khai thác hải sản trên biển có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 681-CT/ĐU, ngày 18/10/2018 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh về phân công 149 cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 676 hộ/3.047 nhân khẩu, phát huy hiệu quả tích cực và là cầu nối tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật; thường xuyên phản ánh, cung cấp các nguồn tin có giá trị cho lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng.

Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình kiếm sống của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do đó, dù khó khăn đến đâu, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Bình Thuận cũng luôn nỗ lực cố gắng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân yên tâm đánh bắt thủy, hải sản trên các ngư trường truyền thống, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tá CHU VĂN TẤN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.