QPTD -Thứ Năm, 28/11/2013, 14:04 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, hải đảo

Tiếp theo và hết*

III

Chung sức xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Khi phát động phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định rõ: xây dựng thế trận biên phòng toàn dân (BPTD) là một trong những nội dung quan trọng, không chỉ nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ở KVBG, hải đảo mà còn thiết thực góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Xây dựng thế trận BPTD phải gắn chặt với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên từng khu vực, địa bàn và toàn tuyến biên giới, hải đảo. Lực lượng xây dựng thế trận BPTD là toàn dân, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở KVBG, hải đảo; trong đó, BĐBP đóng vai trò nòng cốt.

Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn biên giới, hải đảo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng thế trận BPTD vững chắc. Nổi bật là, phối hợp tổ chức điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư trên tuyến biên giới, hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH gắn với bố trí thế trận BPTD và thế trận QP-AN. Với quyết tâm không để “trắng dân” ở KVBG, BĐBP cùng các đơn vị kinh tế - quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp điều chỉnh giãn dân trong nội huyện, nội tỉnh và đưa dân từ tỉnh khác đến, thậm chí ở một số khu vực thành lập cụm, thôn, bản dân cư mới. Trong quá trình thực hiện, BĐBP đã chủ động tham gia tích cực, từ tuyên truyền, vận động, khảo sát địa bàn, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất (giống, kỹ thuật),… bảo đảm cho đồng bào phát triển sản suất, ổn định cuộc sống. Để xây dựng quy hoạch có tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, tình hình KVBG, CB,CS các đồn biên phòng đã trực tiếp về cơ sở nghiên cứu, khảo sát điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước và tập quán của đồng bào. Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo phong trào, kết hợp chặt chẽ giữa vận động thuyết phục với công tác chính sách”, việc triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư ở từng xã và toàn tuyến biên giới đạt được kết quả thiết thực. Trên cơ sở hình thành các cụm, thôn, bản dân cư theo quy hoạch ở KVBG, các đồn biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức giao đất, giao rừng, động viên đồng bào tăng gia sản xuất. Ở một số nơi, BĐBP còn phối hợp với cơ quan quân sự, đơn vị kinh tế - quốc phòng tổ chức thành lập đơn vị dân quân tự vệ, gắn sản xuất với bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia,… Điển hình trong công tác này là BĐBP Thừa Thiên - Huế với mô hình giúp đồng bào dân tộc Tà-ôi, Pa-cô định canh, định cư ổn định sản xuất; BĐBP Đắc Lắc với Đề án giãn dân (xã Ea Bung) ra sát biên giới; BĐBP Quảng Ninh, Quảng Bình với mô hình quy hoạch, bố trí, điều chỉnh dân cư biên giới (ở bản Tân Ly, làng Ho, huyện Lệ Thủy) với kinh phí hàng trăm triệu đồng, v.v.

Gắn chặt với việc điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư, công tác xây dựng làng, bản vững mạnh về QP-AN được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP thường xuyên coi trọng. Do đặc điểm KVBG có địa hình phức tạp, hiểm trở, trình độ dân trí chưa cao, nên các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng những khó khăn đó để tuyên truyền, kích động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” làm cho tình hình an ninh, chính trị nơi đây tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Cùng với đó, tình trạng xâm canh, xâm cư; truyền đạo trái pháp luật; buôn lậu, gian lận thương mại và hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới chưa giảm, diễn biến khó lường,… Vì vậy, tăng cường QP-AN ngay từ thôn, bản là nhân tố quan trọng để giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội KVBG, hải đảo, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, giao thương với các nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nhằm hướng đến mục tiêu ổn định biên giới lâu dài. Bằng nhiều hình thức phong phú, BĐBP các tỉnh đã tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ vững an ninh, trật tự ở từng thôn, bản đối với sự ổn định chung của KVBG; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của bọn phản động và các thế lực thù địch. Qua đó, để đồng bào nêu cao cảnh giác, chủ động tham gia bảo vệ thôn, bản bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các đồn biên phòng đã tích cực phối hợp với cơ quan quân sự, công an tiến hành bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, các tổ, đội dân quân và công an viên thôn, bản; luyện tập các phương án tác chiến phòng thủ, bảo vệ trị an; từng bước hình thành các cụm làng xã chiến đấu theo phương châm: xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh trong mọi tình huống. Từ năm 2010 đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã tham gia xây dựng được 948 ban Công an, 946 ban Xã đội, 2.168 đội Dân phòng, 1.327 đội Dân quân và đề xuất thay thế, bổ sung 2.194 cán bộ thôn, bản, góp phần quan trọng tăng cường thế trận BPTD gắn với thế trận QP-AN ở KVBG, hải đảo, tạo tiền đề cho bảo vệ gắn với xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Để xây dựng thế trận BPTD vững chắc, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH gắn với xây dựng các công trình phòng thủ; đồng thời, chủ động tham gia vào quy trình tổ chức thực hiện từ huy động các nguồn lực đến triển khai lồng ghép các chương trình, dự án ở KVBG, hải đảo. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng KT-XH (hệ thống giao thông, đường tuần tra biên giới, hệ thống thủy lợi, thông tin liên lạc,…) ngày càng phát triển, kết hợp với cải tạo các hang động thiên nhiên nên đã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển KT-XH và nhiệm vụ QP-AN khi có tình huống xảy ra. Hằng năm, căn cứ vào quy hoạch chung và khả năng ngân sách của từng địa phương, các đơn vị BĐBP phối hợp với các lực lượng theo kế hoạch và từng bước triển khai xây dựng hệ thống công trình phòng thủ quân sự, dân sự ở KVBG, hải đảo, trọng tâm là xây dựng, điều chỉnh thế bố trí hệ thống đồn, trạm biên phòng, các trận địa cơ bản trên các hướng, địa bàn trọng điểm, nhằm phát huy sức mạnh của từng lực lượng khi có các tình huống phức tạp về QP-AN. Đặc biệt, từ khi thực hiện phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, việc xây dựng thế trận BPTD đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Điều đó được biểu hiện rõ ở kết quả của BĐBP trong tham gia làm, sửa được hơn 1.980 km đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới; gần 850 km kênh mương thủy lợi; hơn 250 cầu, cống qua suối; trồng rừng, khai hoang phục hóa được hơn 1.380 ha; củng cố, cải tạo nhiều hang động có giá trị cả về kinh tế và quốc phòng. Tiêu biểu trong công tác này là BĐBP Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình,… Trong đó, BĐBP Quảng Bình không chỉ tham gia mà còn là chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án làm đường ra biên giới (từ bản Cà Roòng 2 đến mốc 573); nâng cấp đường 20 Quyết Thắng và làm đường giao thông nông thôn xã Thượng Hóa với tổng chiều dài gần 33 km (có 5,8 km làm mới), kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Một trong những điểm sáng của phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” nói chung, xây dựng thế trận BPTD nói riêng là phát huy hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự ở KVBG. Bằng nhiều cách làm hay, mô hình mới, BĐBP đã lồng ghép phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư của đồng bào với các phong trào bảo vệ biên giới, hải đảo, như: “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, trọng tâm là phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự xóm, bản”. Để các phong trào thi đua, các cuộc vận động phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong nhân dân, BĐBP tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương các gương điển hình tiên tiến; kết hợp chặt chẽ giữa phát huy tinh thần cách mạng của đồng bào với thực hiện các chính sách phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể, quốc gia; đồng thời, chủ động phối hợp tổ chức nhiều chương trình huy động sức mạnh toàn dân hướng về biên giới, hải đảo. Thông qua đó, khơi dậy, phát huy những giá trị đạo đức, ý thức của toàn dân về bảo vệ “đường biên, mốc giới”, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, động viên mọi người hăng say sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo ở mọi nơi, mọi lúc trên mọi địa bàn.

Cùng với biên giới đất liền, việc xây dựng thế trận BPTD trên vùng biển, đảo được BĐBP vận dụng phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm kết hợp chặt chẽ thế trận BPTD cả ở ven bờ, trên biển và các đảo. Ngoài việc trực tiếp tham gia thực hiện các dự án đưa dân ra sinh sống ở các đảo, nhất là các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, BĐBP các tỉnh còn tích cực đề xuất các chính sách khuyến khích ngư dân làm kinh tế xa bờ và chủ động xây dựng nhiều mô hình mới, như: “Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ”, “Tổ an ninh trật tự hỗ trợ ngư dân trên biển” và các “Đội tự quản ngư trường”,... thực hiện vừa sản xuất, vừa cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại chỗ, kịp thời, có hiệu quả. Với thế trận này, hằng năm, BĐBP phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm quy chế về biên giới biển, nhất là hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật và các hoạt động tội phạm tinh vi trên vùng biển, đảo. Chỉ tính riêng hơn 2 năm qua, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các địa phương, các lực lượng xua đuổi gần 2.280 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải; bắt giữ, xử lý hơn 1.000 lượt/chiếc tàu thuyền vi phạm pháp luật,… góp phần ổn định môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển lên một bước mới.

Cùng với cả nước, phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang đạt được hiệu quả thiết thực, làm thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở KVBG, hải đảo. Đây là sự đóng góp quan trọng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, trên KVBG, hải đảo nói riêng, góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

QUANG CHUYÊN – MẠNH KIỂM – MẠNH HÀ
_______________

* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, các số 9, 10-2013.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.