QPTD -Thứ Ba, 10/09/2013, 08:44 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, hải đảo

LTS: Chương trình Mục tiêu quốc gia “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là sự cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Thực hiện tốt Chương trình này sẽ tạo nguồn lực và diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhất là khu vực trọng điểm biên giới, hải đảo. Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng đã, đang tham gia tích cực Chương trình và đạt được kết quả thiết thực.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài viết với tiêu đề: “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, hải đảo” của nhóm tác giả Quang Chuyên - Mạnh Kiểm - Mạnh Hà.

I

Chung sức phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”

Nước ta có hơn 4.650 km đường biên giới quốc gia trên đất liền và hơn 3.260 km bờ biển. Khu vực biên giới (KVBG) hiện có 1.018 xã (phường, thị trấn) thuộc 221 huyện (thị xã) của 44 tỉnh (thành phố), trong đó, có 49 dân tộc anh em cùng chung sống, dân số hơn 8,3 triệu người… Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, KVBG luôn là vùng đất “phên dậu” của đất nước, là tuyến đầu bảo vệ “giang sơn, bờ cõi”. Vì thế, việc chăm lo xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN), văn hóa… là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng Chương trình quốc gia: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bộ đội Biên phòng Đồn Na Loi làm đường giao thông nông thôn. (Nguồn: bqp.vn)

KVBG là địa bàn hoạt động của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Việc tham gia thực hiện Chương trình quốc gia không chỉ là trách nhiệm chính trị của BĐBP, mà còn thể hiện sâu sắc và thiết thực tình cảm, tri ân đối với đồng bào các dân tộc biên giới về sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) “Bộ đội quân hàm xanh” trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Chủ trương và công tác chỉ đạo

Ngay sau khi có kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị trong toàn lực lượng phát động phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”. Để việc triển khai thực hiện đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ Tư lệnh chọn 2 đơn vị (BĐBP tỉnh Quảng Bình, BĐBP tỉnh Lai Châu) và chỉ đạo BĐBP mỗi tỉnh (thành phố) chọn một xã, mỗi đồn biên phòng chọn một thôn (bản, buôn, ấp) biên giới, hải đảo làm điểm, rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng mô hình. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh và các đồn biên phòng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và 19 tiêu chí của Chương trình quốc gia để kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo nông thôn mới (NTM) của địa phương tiến hành khảo sát địa bàn (đặc điểm địa lý, phong tục, tập quán, cơ sở hạ tầng KT-XH…), xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung trọng tâm và giải pháp xây dựng NTM sát với điều kiện, khả năng của từng đơn vị, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào, điều kiện của địa phương.

Tham gia phát triển KT-XH, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” ở KVBG, hải đảo là một trong những nội dung trọng tâm được BĐBP thường xuyên coi trọng. Do điều kiện lịch sử, địa lý, cơ sở hạ tầng khó khăn… nên mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhưng nhìn chung KT-XH của các địa phương ở KVBG vẫn chậm phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vậy làm thế nào giải được bài toán trên để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa miền xuôi với miền núi, đưa KVBG dần tiến kịp với sự phát triển chung của cả nước là nỗi trăn trở không chỉ của cấp ủy, chính quyền địa phương KVBG mà còn của cả lực lượng BĐBP trên toàn tuyến biên giới, từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ trong nhiều năm qua.

Những mô hình tiêu biểu

Với trách nhiệm, sự gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, CB,CS các đơn vị BĐBP đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng giúp đồng bào tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và ổn định cuộc sống. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án phát triển KT-XH. Ở nhiều địa phương, BĐBP còn được giao là đơn vị chủ trì triển khai đề án của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chương trình của Chính phủ, như: Chương trình 135, 30a… Các đơn vị BĐBP đã lập kế hoạch (theo phân cấp) xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế ở xã (đối với cấp tỉnh), ở thôn (bản, buôn, ấp) biên giới (đối với cấp đồn biên phòng). Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị tập trung chỉ đạo giúp địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề phù hợp với thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực của từng vùng, miền gắn với việc bố trí, sắp xếp dân cư KVBG. Theo đó, CB,CS các đơn vị BĐBP luôn bám dân, bám bản, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc”, tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; kiên trì “cầm tay, chỉ việc”, làm mẫu, hướng dẫn để dân thấy, dân hiểu, dân tin, dân làm theo; khi bà con quen việc, BĐBP giao đất, hỗ trợ con giống, cây giống, chuyển giao kỹ thuật để bà con tự làm, nếu có kết quả tốt sẽ nhân rộng mô hình. Từ thực tiễn, đã xuất hiện nhiều mô hình BĐBP giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, tiêu biểu, như: Mô hình chăn nuôi lợn, cá, nhím, dê; mô hình trồng rừng, trồng cây cao su, cây điều, măng cao sản, hồ tiêu… của BĐBP các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, các tỉnh Tây Nguyên, v.v.

Điển hình trong phong trào thi đua“BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” phải kể đến BĐBP tỉnh Lai Châu với mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở xã Pa Vây Sử; mô hình chăn nuôi bò, dê tập trung ở các xã: Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Thu Lũm, Ka Lăng (huyện Mường Tè); mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của hợp tác xã Đoàn kết tại bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ). Đặc biệt, BĐBP tỉnh Lai Châu đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ giai đoạn 2009 - 2015”. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, đã có 69 chương trình, dự án đầu tư vào KVBG, với số vốn 287,662 tỷ đồng (Bộ Tư lệnh BĐBP đóng góp 1,228 tỷ đồng, BĐBP Tỉnh 185 triệu đồng). Sau gần 4 năm thực hiện Đề án, diện mạo làng (bản), đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc La Hủ từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ bản đã xóa được nhà tạm (tranh tre, nứa lá), chấm dứt tình trạng du canh, du cư.

Một điểm sáng nữa trong phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” là BĐBP tỉnh Quảng Bình hoàn thành Đề án Thủy lợi, ruộng lúa nước Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), giúp đồng bào Rục ổn định cuộc sống, thay đổi phương thức canh tác, hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện thành công Đề án, Dự án trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã tiến hành các bước cơ bản, từ nắm tâm tư nguyện vọng của đồng bào; tổ chức khảo sát chất đất, nguồn nước; thí điểm trồng lúa nước trên đất Rục Làn (diện tích 1.450 m2) đến lập tờ trình xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt (tổng mức đầu tư 5.270 triệu đồng, từ nguồn vốn 30a của Chính phủ). Với niềm tin và nghị lực của CB,CS BĐBP tỉnh Quảng Bình, sự đồng thuận chung tay, góp sức của đồng bào, công trình đã hoàn thành trước thời gian. Trong quá trình thực hiện, BĐBP Tỉnh đã huy động công sức bộ đội (gần 2.000 ngày công), đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy cày, máy phay, dụng cụ sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu; đồng thời, cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân xanh, làm đất, ủ giống, gieo sạ, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản… ; tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã (thành lập các tổ sản xuất, lao động tập trung, chấm công và chia sản phẩm theo lao động). Từ năm 2011 đến nay, năng suất lúa đều đạt khoảng 40 tạ/ha, sản phẩm được chia cho đồng bào 3 bản người Rục, người Sách theo công điểm và trích một phần hỗ trợ các gia đình chính sách, neo đơn. Hiện nay, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã phối hợp với địa phương chia ruộng cho các hộ, chuyển giao kỹ thuật để bà con tự chủ, canh tác trên mảnh đất của mình. Mô hình Thủy lợi, ruộng lúa nước Rục Làn đã mang lại ý nghĩa to lớn, tạo ra trang mới, một bước phát triển cho tộc người Rục, người Sách (dân tộc Chứt) ở các bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa. Từ chỗ 100% hộ thuộc diện đói nghèo, đến nay, mỗi hộ thu hoạch vài trăm ki-lô-gam thóc, có hộ thu gần 1 tấn/vụ; chấm dứt tình trạng du canh, du cư, làm rẫy, hái lượm trong rừng, thoát đói nghèo. Phát huy những kết quả đó, hiện nay BĐBP Quảng Bình đang tiếp tục thi công công trình Thủy lợi Ka-Ka Vàng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (phục vụ nước sinh hoạt và làm 5 ha lúa nước, với kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng). Các đồn biên phòng tiếp tục triển khai các mô hình: nuôi lợn (tại Đồn Cha Lo, Ra Mai, Cà Xèng), nuôi con dúi ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); ươm cây, trồng rừng, nuôi cá (Đồn Ra Mai), v.v. 

Cùng với những hoạt động thiết thực trên KVBG đất liền, BĐBP trên địa bàn ven biển, đảo cũng tích cực tham gia giúp địa phương và nhân dân phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, nhiều chương trình, dự án đã và đang thực hiện, như: xây dựng Cầu tàu Kiểm soát Biên phòng, đầu tư lắp đặt các trạm thông tin phòng, chống bão, lụt, tìm kiếm, cứu nạn cho các huyện đảo, khu vực ven biển… Tiêu biểu cho mô hình này là BĐBP tỉnh Quảng Ngãi với 3 Dự án xây dựng Cầu tàu Kiểm soát Biên phòng Bình Châu, Sa Kỳ và Cổ Lũy phục vụ nhiệm vụ QP-AN, tìm kiếm cứu nạn và phát triển kinh tế biển (tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng). Sau 2 năm đưa vào sử dụng, khai thác, các cầu tàu đã phát huy hết công năng. Tại mỗi cầu tàu, hằng ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào, neo đậu làm thủ tục xuất bến, mua, bán hải sản thuận tiện… Hiệu ứng tích cực từ công trình không những tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm QP-AN của BĐBP, mà từ đây các dịch vụ hậu cần nghề cá, như: cung ứng xăng, dầu, ngư lưới cụ; thu mua hải  sản, đá lạnh, nhu yếu phẩm và nhiều dịch vụ khác cũng phát triển theo, tạo điều kiện cho nhân dân buôn bán, trao đổi hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng được BĐBP các tỉnh ven biển tích cực tham gia. Các đơn vị đã phối hợp cùng với địa phương và các lực lượng làm tốt việc thông báo cho các chủ tàu, thuyền tránh, trú bão và cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong 6 tháng đầu năm 2013, BĐBP đã tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn được 171 vụ, cứu được 472 người và 54 phương tiện, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao.

Kết quả và ý nghĩa

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, với trí tuệ, công sức của mình, từ năm 2010 đến nay, BĐBP đã đảm nhiệm 90 dự án phát triển KT-XH vừa và nhỏ với tổng số vốn đầu tư trên 15,3 tỷ đồng (không tính các dự án lớn); quyên góp ủng hộ đồng bào hơn 5 tỷ đồng phát triển KT-XH; gần 164.000 ngày công giúp nhân dân lao động sản xuất, chăm sóc, thu hoạch: 2.673 ha hoa màu; khai hoang phục hóa, trồng rừng: 2.882 ha; giúp 5.236 hộ xóa đói giảm nghèo; vận động được 6.339 hộ đồng bào dân tộc định canh, định cư… Nhờ đó, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động ở KVBG. Những kết quả đạt được của BĐBP về tham gia phát triển KT-XH ở KVBG có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện. Nó không những tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân - dân, mà còn thiết thực giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở ở KVBG. Đó cũng là nhân tố cơ bản để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ chính trị: cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

QUANG CHUYÊN - MẠNH KIỂM - MẠNH HÀ

(Số sau: II- Tích cực củng cố cơ sở chính trị, phát triển văn hóa xã hội, thắp sáng niềm tin cho nhân dân).

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.