QPTD -Thứ Ba, 21/06/2011, 15:02 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Lai Châu tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn biên giới

 Tăng cường công tác vận động quần chúng (VĐQC), xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện (VMTD) là một giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng cả về trước mắt và lâu dài. Đó là công việc mà Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã và đang coi trọng thực hiện.

alt
Nhà tình nghĩa do tập đoàn VNPT Việt Nam và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu
xây tặng người dân huyện Sìn Hồ. (Ảnh: Tùng Nguyễn/ VnMedia
)

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu làm nhiệm vụ trên địa bàn có 273 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc; quản lý 21 xã biên giới, với hơn 1,3 vạn dân thuộc 10 dân tộc anh em; địa hình phức tạp, giao thông trở ngại; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn; tỷ lệ đói nghèo và mù chữ trong nhân dân cao (riêng đồng bào dân tộc La Hủ, tỷ lệ nghèo đói còn 85-90%; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ trên 80%). Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật và một số hoạt động tội phạm, như: buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí... vẫn thường xuyên xảy ra. Cùng với đó, các thế lực xấu, núp dưới danh nghĩa “dân tộc, tôn giáo”, ra sức lôi kéo, kích động nhằm tạo ra nhân tố mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Trước thực tế đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Biên phòng (ĐU, BCHBP) tỉnh Lai Châu đã xác định: tăng cường công tác VĐQC, xây dựng địa bàn VMTD là một giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả công tác biên phòng. Trong đó, tập trung trước hết vào một số nội dung quan trọng là: xoá đói, giảm nghèo; củng cố cơ sở chính trị-xã hội (CT-XH) trên địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng yếu còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Những năm qua, quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của các cấp về xây dựng, phát triển địa bàn biên giới, ĐU, BCHBP Tỉnh đã có nhiều nghị quyết lãnh đạo và các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế tình hình địa phương, như: Nghị quyết “Về BĐBP Tỉnh tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, thực hiện mô hình giúp dân phát triển kinh tế”; Nghị quyết “Về BĐBP Tỉnh tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; Đề án “BĐBP Lai Châu tham mưu cho địa phương giúp dân tộc La Hủ ổn định dân cư, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tỉnh”… ĐU, BCHBP tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng uỷ BĐBP với huyện uỷ các huyện biên giới: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè; Quy chế phối hợp hoạt động giữa BĐBP Tỉnh với Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Đài Phát thanh-Truyền hình Tỉnh, Báo Lai Châu. Các chủ trương, phương hướng tiến hành VĐQC đã được cụ thể hoá thành kế hoạch hằng năm, trên từng nội dung, như: Kế hoạch thực hiện các mô hình giúp dân phát triển KT-XH; Kế hoạch Bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ; Kế hoạch xây dựng nhà Đại đoàn kết và Công trình dân sinh trên biên giới…

Trong tổ chức thực hiện VĐQC, trên cơ sở kết hợp đồng bộ các giải pháp, BĐBP Lai Châu đã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các định hướng, kế hoạch xây dựng và phát triển của địa phương. Việc làm này được kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện công tác biên phòng, xây dựng địa bàn biên phòng bằng những hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình dân trí, dân cư trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào phổ biến nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các điều luật liên quan trực tiếp tới các vấn đề đặt ra với địa bàn dân tộc, biên giới, như: Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; các luật Hình sự, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Cư trú, Phòng chống tham nhũng; Phòng chống ma tuý; các luật về giao thông, môi trường, đất đai… Bên cạnh đó là các pháp lệnh, nghị định, hiệp định, hiệp nghị; các quy chế, chính sách về những vấn đề biên giới, tôn giáo, dân tộc… BĐBP Tỉnh đã tổ chức 10 cụm đài truyền thanh trên 10 xã biên giới để làm công tác tuyên truyền VĐQC. Trong 5 năm qua, các cụm loa đã hoạt động với tổng số 16.910 phút, phát bằng 5 thứ tiếng: Kinh, Mảng, Dao, H'Mông, Quan Hoả. Đồng thời, BĐBP còn tổ chức 4.926 buổi tuyên truyền miệng tới trên 23,5 vạn lượt người, kịp thời cập nhật các thông tin, định hướng cần thiết về nhận thức, tư tưởng đối với nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần vận động được hàng chục vạn đồng bào tham gia vào các hoạt động tuần tra, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, thực hiện tốt chủ trương cắm mốc biên giới trên địa bàn theo thoả thuận của hai nước Việt Nam và Trung Quốc…

Tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển văn hoá, bài trừ hủ tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn là điểm nổi bật trong công tác VĐQC của BĐBP Lai Châu những năm qua. Thông qua việc làm này, nhằm tăng cường các yếu tố bảo đảm thiết yếu để củng cố lòng tin của đồng bào đối với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, thiết thực động viên quần chúng tham gia thực hiện các nhiệm vụ CT-XH trên địa bàn. Quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và Nghị quyết của ĐU, BCHBP Tỉnh về tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển KT-XH, BCHBP Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cơ sở căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể xây dựng các mô hình phù hợp. Một số mô hình BĐBP tham gia phát triển KT-XH đã phát huy tác dụng tốt trên thực tế, như: giúp dân phát triển kinh tế, xoá mù chữ, phát triển văn hoá; tổ chức cai nghiện ma tuý tại cộng đồng; giúp dân làm nhà Đại đoàn kết và công trình dân sinh. Năm năm qua, BĐBP Tỉnh đã huy động hơn 10 vạn ngày công giúp dân phát triển KT-XH. Trong phát triển kinh tế, có những mô hình tiêu biểu, như: nuôi dê cao sản tại gia đình ở xã Sin Suối Hồ; thâm canh ngô lai vụ đông và trồng cây đậu tương năng suất cao thuộc xã Ma Ly Pho; thâm canh lúa nước 2 vụ ở các xã Sì Lờ Lẩu và Nậm Xe; trồng cây thảo quả ở xã Thu Lũm; nuôi cá hồi ở xã Pa Vây Sử… BĐBP Tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, triển khai nhiều chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội trên các xã biên giới. Một số hoạt động đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như: hỗ trợ nông dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; các mô hình xoá đói, giảm nghèo, các phòng khám quân-dân y kết hợp; các mô hình bán trú, dân nuôi; các phong trào làm nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; hoạt động đưa thông tin về cơ sở;… Trong 5 năm qua, BĐBP Tỉnh đã giúp đỡ nhân dân làm 168 ngôi nhà, tu sửa 52,7 km đường giao thông, khai hoang 19 ha ruộng nước; vận động 64 hộ đồng bào La Hủ định canh, định cư, đồng thời tham gia chữa cháy hàng trăm ha rừng; di chuyển 118 hộ dân các xã Nạm Ban, Tông Qua Lìu, Pa Vệ Sử… ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi.v.v.

Thực hiện Quyết định của Bộ Tư lệnh BĐBP và Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, BĐBP Tỉnh đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành trong Tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện Mường Tè thực hiện kế hoạch Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ. Qua hơn một năm thực hiện, bộ mặt KT-XH của đồng bào dân tộc La Hủ (sống tập trung ở 6 xã phía Bắc của huyện Mường Tè), đã khởi sắc. Nhận thức của đồng bào nơi đây đã được nâng lên trên nhiều mặt, như: chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ý thức vươn lên xoá đói, giảm nghèo; tự giác thực hiện sự hướng dẫn để đổi mới tập quán sinh sống, sản xuất; tham gia vào các hoạt động CT-XH trên địa bàn... Trong khoảng thời gian trên, BĐBP Tỉnh đã tham gia xây dựng 50 căn nhà Đại đoàn kết, khởi công xây dựng 11 công trình dân sinh, gồm: lớp học, nhà mẫu giáo, nhà ở giáo viên, nhà văn hoá… Các đồn biên phòng trên địa bàn đã triển khai nhiều mô hình hướng dẫn đồng bào trồng, cấy, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; tổ chức các lớp học xoá mù chữ… BĐBP đồng thời đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa đồng bào La Hủ với các tổ chức, cá nhân có khả năng và giàu lòng nhân ái, trách nhiệm tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH phục vụ các yêu cầu dân sinh, phát triển dân trí trên địa bàn.

Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn biên giới là một nội dung quan trọng trong công tác VĐQC được BĐBP Lai Châu hết sức chú trọng. BCHBP Tỉnh đã thành lập 21 tổ công tác tăng cường cho các xã biên giới, tập trung vào việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các xã biên giới, trước hết là các xã yếu kém, qua đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các xã khác; đồng thời, vận hành có hiệu quả mô hình cán bộ biên phòng tăng cường cho cơ sở giữ chức danh cấp uỷ tại đảng bộ cơ sở các xã biên giới. BĐBP Tỉnh đã tham gia củng cố 10 đảng bộ, 21 chi bộ cơ sở trên địa bàn; tích cực tham mưu cho cấp uỷ các xã biên giới bồi dưỡng, tạo nguồn được 134 quần chúng ưu tú để phát triển đảng. Đến nay, 100% xã biên giới đã có đảng bộ cơ sở. Trong 5 năm qua, BĐBP Tỉnh đã tham gia củng cố 51 chi đoàn Thanh niên, 25 chi hội Phụ nữ, 42 chi hội Cựu chiến binh… BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập mới 2 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, qua đó đã xoá thêm tình trạng “trắng” đảng viên ở 2 bản; đồng thời, tham mưu cho chính quyền các xã biên giới xây dựng kế hoạch, tổ chức các phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”. Hằng năm BĐBP Tỉnh đã tham gia huấn luyện các lực lượng: dân quân, dự bị động viên, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với công an viên, tổ an ninh thôn, bản. Hoạt động phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn giữa BĐBP với các lực lượng chức năng và nhân dân đã ngày càng được tăng cường, có hiệu quả. Đặc biệt, BĐBP đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc trên địa bàn hiểu rõ về quan điểm, đường lối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Đảng, nhận rõ và tích cực đấu tranh phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực xấu trên địa bàn.

Với nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, công tác VĐQC nói riêng, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh nói chung ở Lai Châu đã đạt được hiệu quả tích cực: chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; đời sống kinh tế, văn hoá của đồng bào các dân tộc có chuyển biến tích cực; các yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của địa bàn được củng cố. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn tiếp tục đặt ra đòi hỏi BĐBP Tỉnh phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác VĐQC và xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh trong tình hình mới. Điều đó đòi hỏi BĐBP Tỉnh phải quan tâm giải quyết đồng bộ nhiều yêu cầu; trong đó, việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, trước hết là nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên trì, bền bỉ phấn đấu vươn lên, đoàn kết một lòng vì chủ quyền an ninh biên giới là yêu cầu hàng đầu đối với mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu hiện nay.

Đại tá ĐÀO QUANG MẠNH

Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BCH Biên phòng Tỉnh

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.