QPTD -Thứ Ba, 09/05/2023, 14:57 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Lai Châu phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền biên phòng toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có trên 265 km đường biên giới giáp với Trung Quốc; địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao thông khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ dân trí không đồng đều; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, nhiều hủ tục vẫn tồn tại, v.v. Nhận thức rõ đặc điểm đó, những năm qua, bám sát chức năng, nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ban, ngành, lực lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; vận động toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đáng chú ý, trong thời gian Trung Quốc triển khai xây dựng hàng rào biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh triển khai phương án huy động các lực lượng và nhân dân tổ chức phát quang mở rộng tầm nhìn, kiểm tra các vị trí mốc giới, xây dựng các kế hoạch tuyên truyền đặc biệt, giám sát, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động vi phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu tặng bức trướng cho Bộ đội Biên phòng Tỉnh nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hiện nay trên khu vực biên giới của Tỉnh, các hoạt động vi phạm hiệp định, quy chế về biên giới vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để tuyên truyền chống phá; các loại tội phạm ma túy, xuất, nhập cảnh trái phép, mua, bán người,... diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình đó, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trước hết, chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác biên phòng. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên, bám sát đặc điểm địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn,... nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác biên phòng. Trọng tâm là Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Kế hoạch triển khai thực hiện 03 văn kiện pháp lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, chủ động đề xuất, tham gia xây dựng các kế hoạch, đề án mới; bổ sung kéo dài, nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án: toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép; toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; giải quyết tình trạng phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn các xã biên giới giai đoạn 2021 - 2025,... tạo cơ sở pháp lý, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng phát huy vai trò nòng cốt, liên tục bám dân, bám địa bàn để nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, tham mưu trúng, đúng, kịp thời, làm cơ sở cho Tỉnh đề ra các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền toàn dân tham gia bảo vệ biên giới; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng khu vực phòng thủ biên giới; xây dựng lực lượng biên phòng và có đối sách phù hợp trong giải quyết các vấn đề vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, địa phương và toàn dân xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Trên cơ sở nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là về nhận thức, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; mở rộng các đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh gắn với thực hiện hiệu quả các đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”, “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025”. Các tổ, đội vận động quần chúng tại các đồn biên phòng tích cực thực hiện “4 cùng” với đồng bào để tiến hành công tác dân vận, tuyên truyền. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới tổ chức hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” đảm bảo thiết thực, ý nghĩa; duy trì nền nếp, có chất lượng chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”, chuyên trang “Biên phòng toàn dân” trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương; chú trọng biện pháp “tuyên truyền đặc biệt”. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở khu dân cư để tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Qua đó, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc về ý thức quốc gia, quốc giới và trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới Tỉnh.

Ba là, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh biên giới. Quán triệt, thực hiện các chỉ thị về tăng cường cán bộ biên phòng cho các huyện, xã biên giới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã lựa chọn, thành lập các tổ công tác, tăng cường cán bộ cho các địa phương biên giới, xây dựng quy chế phối hợp. Trong đó, xác định trách nhiệm, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của cán bộ tăng cường với các nội dung trọng tâm: tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh; tham gia phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc; tham gia chương trình kết hợp quân dân y; thực hiện chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, v.v. Đội ngũ cán bộ tăng cường về các huyện, xã và đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt, xây dựng, triển khai nghị quyết, phát triển đảng viên, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, trước sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ cán bộ tăng cường về các huyện, xã phải có năng lực, trình độ ngày càng cao và toàn diện hơn, nhất là năng lực tham mưu về công tác xây dựng đảng và phát triển kinh tế, văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp chặt chẽ với huyện ủy 04 huyện biên giới rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ tăng cường; xây dựng tiêu chí cán bộ biên phòng tham gia vào cấp ủy, chính quyền cấp xã, cấp huyện. Trên cơ sở đó, lựa chọn những cán bộ có đủ trình độ, năng lực để cử đi tăng cường, kết hợp với thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ này; đồng thời, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, tăng cường cho các tổ, đội công tác tại các đồn, trạm tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ưu tiên triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các huyện biên giới gắn với tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định lại dân cư, đảm bảo cho đồng bào định canh, định cư ổn định lâu dài. Trước mắt, tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả1; phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, như: Mái ấm giúp người nghèo nơi biên giới; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn Biên phòng. Tích cực tham gia quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, thẩm định các dự án phát triển kinh tế gắn với xây dựng công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ; bảo đảm cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin, y tế,... tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân dân yên tâm sinh sống trên địa bàn, thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân”, “cột mốc lòng dân”, khu vực biên giới vững chắc.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách rộng khắp, vững mạnh. Trước mắt, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”; trọng tâm là xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ; biết tiếng dân tộc, phong tục tập quán của đồng bào, để thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức và tham gia các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, cụm,... nhằm không ngừng nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh; phòng, chống tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, công an các huyện biên giới xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các tổ an ninh nhân dân vững mạnh, rộng khắp, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá TRIỆU QUỐC NGUẬY, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
_______________

1 - Nuôi dê sinh sản tại bản Sàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ); Hợp tác xã Đại Đoàn kết tại bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho); Hợp tác xã Biên Cương bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ tại xã Mồ Sì San.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.