QPTD -Thứ Hai, 13/05/2019, 09:55 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác vận động quần chúng

Nằm ở Bắc Trung Bộ, tỉnh Hà Tĩnh có cả biên giới đất liền và biên giới biển1. Những năm qua, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của quân và dân, trong đó có Bộ đội Biên phòng - lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia - khu vực biên giới của Tỉnh đã có nhiều đổi mới, phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, môi trường hòa bình, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Mặc dù vậy, nơi đây còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý, tranh chấp ngư trường, vượt biên, xâm nhập, xâm phạm chủ quyền biên giới,… còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tăng cường chống phá với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; trong đó, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nội dung, giải pháp cơ bản, nền tảng.

Đại tá Hà Ngọc Chiến thăm và tặng quà cho nhân dân xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, nhân tết Kỷ Hợi 2019

Nắm chắc tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh về công tác vận động quần chúng, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trong thời kỳ mới” với những nội dung, giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện; cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt, đưa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ trì tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền để tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tiến hành công tác quan trọng này. Đồng thời, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách vận động quần chúng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo Quyết định 5592/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thực tế cho thấy, để “dân hiểu, dân tin, dân làm theo” và giúp đỡ bộ đội, thì phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong của bộ đội, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt và chuyên trách về công tác vận động quần chúng đặt ra yêu cầu rất cao. Vì thế, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức công tác vận động quần chúng. Các đơn vị coi công tác vận động quần chúng là một nội dung cơ bản, quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh thực sự hòa mình với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến, noi theo.

Cùng với đó, lực lượng Biên phòng Tỉnh chủ trì tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân. Trọng tâm là làm cho nhân dân nắm vững các văn bản mới, nhất là các hiệp định, hiệp nghị, quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống các loại tội phạm, di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, buôn bán phụ nữ, v.v. Để “nói cho dân hiểu”, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chuyên đề, chủ đề; sử dụng nhiều hình thức, biện pháp, phương tiện tuyên truyền2, v.v. Qua đó, góp phần làm cho nhân dân tin tưởng, phấn khởi, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; không nghe, không làm theo luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên khu vực biên giới.

Giúp nhân dân giáo xứ Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh làm đường bê tông

Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Trọng tâm là tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các xã, phường, thôn, bản; phát triển đảng viên, xóa thôn, bản “trắng” đảng viên ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định giúp cấp ủy, chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tích cực tham gia giúp địa phương lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh, trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ biên giới”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn”, “Bến bãi tự quản văn hóa”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”, “Điểm sáng văn hóa biên giới”, “Đường biên thanh niên làm chủ”, “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, v.v. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn; nhiều đồng chí đã được địa phương tín nhiệm bầu vào cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân các cấp3. Sự hoạt động năng nổ, tích cực của đội ngũ cán bộ này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, không để tồn đọng kéo dài, tăng cường niềm tin, sự tín nhiệm đối với cán bộ biên phòng.

Việc tham gia giúp đỡ, tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo được Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn coi trọng. Trong đó, nội dung chủ yếu là tham gia xây dựng nông thôn mới, với những việc làm cụ thể, như: xây dựng hạ tầng dân sinh; trồng rừng, khai hoang, phục hóa; hướng dẫn nhân dân cách thức làm ăn; chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao;… với những mô hình cụ thể. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đăng ký nhận tham gia cùng cấp ủy, chính quyền 01 địa phương để thực hiện phong trào nông thôn mới (cấp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh là ở cấp xã; cấp cơ quan, đồn biên phòng ở cấp thôn). Đến nay, với sự chung sức của bộ đội Biên phòng, phong trào xây dựng nông thôn mới của Tỉnh đạt hiệu quả thiết thực, điển hình như các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), Hương Vĩnh (huyện Hương Khê), Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh). Các đơn vị còn tích cực tham gia giúp đỡ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ tập tục, mê tín dị đoan, gắn với phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Điểm sáng trong công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng Tỉnh là đã thực hiện tốt mô hình “Cầu nối xe duyên”, thuộc Đề án Bảo tồn, phát triển dân tộc Chứt của Tỉnh. Dân tộc Chứt có khoảng 44 hộ/158 nhân khẩu (tỉnh Hà Tĩnh) và dân tộc Mã Liềng (Quảng Bình) cùng sinh sống ở khu vực biên giới, nhưng lại luôn mâu thuẫn với nhau, nên người dân tộc Chứt chủ yếu thực hiện hôn nhân cận huyết thống, dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì thế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã ký kết với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chương trình phối hợp để giải quyết các mâu thuẫn giữa hai dân tộc, tạo điều kiện để họ đến thăm thân, giao duyên, tìm hiểu, v.v. Do làm tốt công tác này, từ năm 2002 đến nay, đã có 06 người dân tộc Chứt kết hôn với người Mã Liềng và người dân tộc Kinh, góp phần xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt.

Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sư phạm về việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; khảo sát, xây dựng các điểm học tập cộng đồng ở xã biên giới. Để đạt hiệu quả, các đơn vị biên phòng phối hợp với các địa phương, trường học trên địa bàn, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, nghỉ học, nhu cầu học tập của người dân tại các xã, phường, thị trấn biên giới để làm cơ sở tổ chức các lớp dạy chữ cho số người mù chữ, tái mù chữ và vận động nhân dân tích cực đưa con em đến trường. Từ năm 2015 tới nay, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã đỡ đầu cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới (chủ yếu là học sinh mồ côi cha mẹ, học sinh người Lào ở khu vực biên giới), với mức hỗ trợ là 500.000đ/em/tháng. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới biển, đảo đã duy trì thường xuyên Chương trình “Hãy làm sạch biển”, “Ngày chủ nhật xanh tình nguyện”, phối hợp với đoàn viên, thanh niên các địa phương ven biển làm sạch môi trường khu vực địa phương, đơn vị. Bằng những việc làm đó, hình ảnh “Người thầy thuốc”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Người cán bộ xã quân hàm xanh”,… luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc ghi nhận, đánh giá cao, yêu thương, đùm bọc, tin tưởng.

Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng là một nội dung cơ bản, biện pháp quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới, góp phần đảm bảo cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tốt nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đại tá HÀ HỌC CHIẾN, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

____________

1 - Tuyến biên giới đất liền dài 145km, giáp với nước bạn Lào. Tuyến biên giới biển dài 137km. Khu vực biên giới của tỉnh Hà Tĩnh có 41 xã, phường.

2 - Năm 2018, tổ chức được 460 buổi tuyên truyền, giáo dục, với trên 19.700 người tham gia.

3 - Năm 2018, đã tham gia xây dựng, củng cố 155 tổ chức (66 chi bộ, 89 tổ chức chính trị - xã hội) ở 51 xã, phường (vùng đồng bào dân tộc: 05; vùng tôn giáo: 19; vùng biển, đảo: 21; vùng có vụ việc phức tạp: 06).

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.